Khi những “giấc mơ” ngày một bé lại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lúc còn thiếu niên, không ít người tự đặt ra khát vọng, mục tiêu to lớn cống hiến cho quê hương, đất nước. Nhưng khi trưởng thành, giấc mơ của họ dần bé lại, rồi trở “vô hình” trong thế giới này…
Áp lực cuộc sống đã khiến nhiều người trẻ phải tạm hoãn lại hoài bão, khát vọng. (Ảnh minh họa, nguồn: Vietnamnet)
Áp lực cuộc sống đã khiến nhiều người trẻ phải tạm hoãn lại hoài bão, khát vọng. (Ảnh minh họa, nguồn: Vietnamnet)

Giấc mơ cũng phải “trả thuế”

Nguyễn Thùy Linh (19 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, mong muốn lớn nhất của cô là được làm bác sĩ tâm lý hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em, nhưng Linh đã trượt nguyện vọng vào hai Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Cô đành ngậm ngùi chấp nhận đỗ vào nguyện vọng thứ 8 ở một ngôi trường mà mình không hề thích: “Bao nhiêu ước mơ của tôi đã “tan biến” vào ngày nhận được kết quả”. Linh tâm sự, điều kiện kinh tế gia đình của cô không tốt, nên không dám thi lại đại học. Cô chấp nhận gác lại ước mơ, đi làm thêm, sau khi ra trường tìm một công việc bình thường, có nguồn thu nhập giảm gánh nặng cho bố mẹ.

Có một câu nói không ai “đánh thuế” giấc mơ, nhưng ngược lại, ngày nay, yếu tố kinh tế, áp lực cuộc sống chi phối rất nhiều đến quyết định của người trẻ. Đôi lúc, những điều đó chính là “thuế” vô hình ngăn cản họ thực hiện khát vọng, hoài bão nhường chỗ cho cuộc sống mưu sinh thường nhật.

Nguyễn Trần Phương Ly (26 tuổi, Long Biên, Hà Nội) vừa xin nghỉ việc ở một trường THCS công lập tại Hà Nội. Tâm sự về giấc mơ thời sinh viên, cô nói: “Ngày mới ra khỏi trường đại học, tôi mong muốn được truyền hết tất cả tâm huyết, tình yêu nghề của mình cho học sinh. Để các em có được môi trường học tập, phát triển hơn chúng tôi ngày xưa. Nhưng thực tế khó khăn hơn rất nhiều”. Với một cô gái sống tự lập ở Hà Nội, mức lương 4 triệu/tháng, khiến Phương Ly phải ra ngoài nhận thêm nhiều việc để chi trả cho sinh hoạt bản thân: “Một ngày, tôi làm việc bắt đầu từ 6h sáng và kết thúc vào lúc 3h sáng ngày hôm sau”, Ly nói. Công việc dồn dập, liên tiếp, khiến nhiều đêm cô bật khóc vì mệt mỏi, tủi thân. Dù được các em học sinh yêu mến, nhưng Ly cũng đành ngậm ngùi nói lời chia tay sau gần 2 năm dạy học.

Một khó khăn bên cạnh vấn đề về các khoản chi phí, người trẻ phải đối diện với những áp lực mà bản thân họ chưa bao giờ nghĩ tới. Như Nguyễn Hoàng Linh (29 tuổi, hiện đang du học ở Trung Quốc) tâm sự trong nước mắt: “Giữa giấc mơ và thực tế, có một khoảng cách quá lớn, gọi là “áp lực”, phải vượt qua thì chúng ta mới có thể thành công, nhưng tôi sợ rằng mình không làm nổi”. Gần 30 tuổi, bỏ lại công việc văn phòng “tẻ nhạt” ở trong nước, Hoàng Linh (đã đổi tên nhân vật) lựa chọn việc học Thạc sĩ về điện ảnh tại một đất nước mới. Anh hy vọng bản thân sẽ có những thay đổi tốt hơn, dùng kiến thức học hỏi được trở về quê hương sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị. Nhưng thực tế, Linh phải đối mặt với hàng loạt vấn đề, từ việc cố gắng đứng trong tốp đầu để duy trì học bổng cho đến các bài giảng hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài: “Có những tháng tôi không dám ngủ, vì sợ chỉ cần ngơi việc học ra, mình sẽ mất học bổng, thi trượt và buộc phải thôi học về nước. Ở độ tuổi 30, tôi đang rất hoang mang, sợ hãi”.

Trước sự biến động khó lường của cuộc sống, nhiều người trẻ đã chọn ở lại “vùng an toàn”, làm một công việc mình không yêu thích, từ bỏ khát vọng, mơ ước, đam mê cháy bỏng. Đó là thực trạng của không ít thanh, thiếu niên hiện nay. Họ được gọi là các “xác sống” công sở, đến làm việc không có mục tiêu, định hướng trong tương lai. Mỗi ngày họ chọn lối sống an nhàn, hưởng thụ.

Trần Huyền Trang (26 tuổi, Quảng Ninh) tốt nghiệp loại giỏi ở một trường đại học tốp đầu tại Hà Nội. Ban đầu, Huyền Trang lựa chọn ngành truyền thông để theo đuổi, cô mơ ước được sáng tạo ra nội dung lành mạnh, hữu ích và thú vị dành cho người xem. Nhưng càng đi sâu vào nghề, Trang càng kiệt sức vì mất định hướng nghề nghiệp, giữa việc học trong trường và thị hiếu người xem có một khoảng cách quá lớn. Thất vọng về bản thân, Huyền Trang nghỉ việc tại công ty, chuyển sang làm trái nghề tại một văn phòng nhỏ, công việc đơn giản, mức lương ổn định, ít áp lực: “Giờ đây, tôi chỉ cần mỗi tháng có nguồn thu nhập tốt, chi trả cho bản thân, vậy là được rồi, không còn đam mê gì nữa”.

Một kết quả khảo sát trên 26.000 người của mạng lưới nhân sự Anphabe Việt Nam chỉ ra rằng trong mỗi bốn người đang làm việc nơi công sở thì khoảng một người làm việc như “cái xác không hồn”. Điều đáng lo ngại là hơn một nửa trong số họ vẫn bám trụ lại. Những “xác sống” thiểu số này gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến các nhân sự khác và toàn bộ sự vận hành của tổ chức. Nghiên cứu của Anphabe cho thấy 25% nhân sự “xác sống” nơi công sở, làm giảm gần 12% hiệu suất làm việc chung của tổ chức.

Không có con đường trải hoa hồng

Giấc mơ là miễn phí vì ai cũng có thể tưởng tượng, ao ước, nhưng để biến nó trở thành hiện thực thì cần phải “mất phí”. Phí ở đây không phải tiền bạc, mà là công sức, thời gian, lòng kiên trì và niềm đam mê khi làm việc. Thực tế, không có một ai thành công mà không trải qua những chông gai, khó khăn nhiều lúc tưởng như phải bỏ cuộc.

Đó là câu chuyện của cô giáo Phạm Thị Trang Nhung (34 tuổi, Trường THPT chuyên Biên Hòa, tỉnh Hà Nam), có thâm niên 12 năm làm giáo viên Vật lý cho biết: “Bất cứ ngành nghề nào cũng đều có khó khăn, thử thách và thuận lợi khác nhau. Nhưng điều quan trọng nhất là yêu nghề, tâm huyết với công việc”. Dù là giáo viên trường chuyên, nhưng mức lương của cô Trang Nhung hiện tại vẫn chỉ tương đương với một sinh viên ngân hàng vừa mới ra trường (rơi vào khoảng 11 triệu). Ngoài thời gian làm chính, cô cũng phải nhận thêm một số việc làm bên ngoài để có thêm chi phí chăm lo cho gia đình, cuộc sống của mình: “Có rất nhiều thầy, cô giáo không chịu nổi áp lực, đã phải bỏ nghề dạy. Đối với tôi, chỉ cần nhìn thấy đôi mắt sáng rực của học sinh, được đứng trên bục giảng, giảng bài và truyền thụ kiến thức, đã là niềm hạnh phúc vô bờ bến rồi”.

Giấc mơ là miễn phí, nhưng để biến nó trở thành hiện thực phải mất thời gian, tiền bạc và tâm huyết. (Ảnh: Quang Thắng (đứng thuyết trình), nguồn: Anh Nhi)

Giấc mơ là miễn phí, nhưng để biến nó trở thành hiện thực phải mất thời gian, tiền bạc và tâm huyết. (Ảnh: Quang Thắng (đứng thuyết trình), nguồn: Anh Nhi)

Cô Trang Nhung cho biết, khi đã thực sự yêu nghề thì khó mấy người giáo viên cũng sẽ vượt qua để bám trụ lại với ngành: “Quỹ thời gian của chúng tôi rất hạn hẹp, vừa phải lo công việc chính, vừa phải làm công việc bán thời gian khác. Quả thực rất vất vả, nhưng dù được chọn lại bao nhiêu lần nữa, tôi vẫn chọn nghề giáo viên”. Vào cuối năm 2023, cô Trang Nhung cũng là đại diện duy nhất khối THPT của tỉnh Hà Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo khen thưởng Giáo viên tiêu biểu toàn quốc năm học 2022 - 2023.

Quang Thắng (30 tuổi, Paris, Pháp), hiện đang là một nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Paris Cité, anh đã hai lần đạt học bổng Vallet của Pháp. Thắng đã có thời gian làm việc ở viện nghiên cứu tại Việt Nam, có một số bài nghiên cứu về rừng ngập mặn và vẽ bản đồ lúa. Anh cho biết, “giấc mơ” phải trải qua nước mắt, thử thách để có thể biến thành hiện thực: “Trong khi bạn bè đã ổn định công việc, xây dựng gia đình, thì tôi vẫn tiếp tục học tập và nghiên cứu ở một đất nước xa lạ. Vượt qua rào cản ngôn ngữ, một mình tự chăm lo cho cuộc sống. Nhiều lúc tưởng như bỏ cuộc vì cô đơn, thiếu thốn”.

Thắng chia sẻ: “Tôi nhớ nhất, ngày tôi chuẩn bị bài luận để thi nghiên cứu sinh về rừng ở đất nước Nepal, tôi đã không ngủ gần một tháng. Mỗi lần chợp mắt, lại mơ thấy ác mộng. Đỉnh điểm khi đó, ở nước Pháp còn nhiều bạo loạn, biểu tình, khiến tinh thần của tôi càng nặng nề”. Nhưng chỉ cần nghĩ đến những lần được vẽ bản đồ, chạm vào các mẫu đất, thông qua hệ thống cảm biến được gắn vào máy bay, vệ tinh, tàu vũ trụ,… và quá trình xử lý, giải đoán các dữ liệu đó để phục vụ cho việc nhận biết cũng như quản lý tài nguyên và môi trường là Thắng lại tràn đầy hứng thú làm việc.

Đối với Hoàng Thị Ngọc Minh (32 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội), điều tuyệt vời nhất khi được theo đuổi khát vọng của mình, đó là sự cho đi. Ngọc Minh hiện tại đang sở hữu một trung tâm thể dục, thể thao, cô tâm sự: “Niềm hạnh phúc nhất tôi có thể nhìn thấy khách hàng của mình bước ra khỏi phòng tập với nụ cười và sắc hồng trên khuôn mặt”. Trước khi mở trung tâm thể dục, thể thao của riêng mình, Ngọc Minh đã từng thất bại nhiều lần. Lớp học đầu tiên của cô chỉ có 5 học viên, phải đóng cửa vì không đủ tiền thuê mặt bằng: “Tôi đã từng là một người có sức khỏe rất yếu, sau này khi lên đại học, tôi luyện tập thể dục, thể thao dần trở nên khỏe mạnh. Vì vậy, tôi muốn giúp mọi người có được một thể lực tốt để làm được nhiều việc cho cuộc sống hơn. Tuy nhiên, đã có lúc, tôi nghĩ mình đã đi sai hướng, vì kinh doanh thất bại, thua lỗ”.

Nhưng chỉ cần được một vài khách hàng động viên, khen ngợi, Ngọc Minh lại như được tiếp thêm ý chí. Vốn tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế, Ngọc Minh nhận định mình có lợi thế về việc quản lý, kế toán sổ sách. Nhưng cô vẫn đầu tư học thêm kiến thức về thể thao, marketing trên mạng xã hội. Dần dần, Ngọc Minh cũng mở được một trung tâm với số lượng học viên tham gia ổn định: “Tôi nhận ra, muốn đạt được khát vọng của mình, điều đầu tiên là phải cho đi. Cho đi thời gian, tiền bạc, tâm huyết thì mới gặt được “trái ngọt”.

Đọc thêm