Khi phái yếu gồng mình gánh vác gia đình

(PLVN) - Từ trước đến nay, phụ nữ vẫn được xem là “phái yếu”. Thế nhưng, họ làm việc nhiều thời gian hơn nam giới. Họ vừa làm công việc cơ quan vừa đảm đương việc nhà. Trung bình một ngày, người vợ làm việc nhà 3- 4 tiếng đồng hồ. Chỉ có 20% người chồng có tham gia chia sẻ công việc nhà với vợ nhưng chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ.
Những người phụ nữ lao lực trên công trường

Sự đóng góp “vô hình”

Hiện nay, mặc dù vị thế của phụ nữ thay đổi một cách tích cực nhưng trách nhiệm trong gia đình của họ không hề được giảm  nhẹ. Đa phần phụ nữ phải đảm trách các công việc nhà: Nấu nướng, giặt giũ, lau nhà, trang hoàng nhà cửa và chăm sóc các thành viên trong gia đình… 

Bên cạnh các công việc xã hội, phụ nữ phải dành thêm rất nhiều thời gian mỗi ngày cho các công việc nội trợ “không lương”. Sau 8 tiếng công sở, nếu nam giới thường dành thời gian gặp gỡ bạn bè, hoặc về nhà xem tivi thư giãn, đọc sách báo… thì trong lúc đó, phần lớn phụ nữ vẫn tiếp tục tất bật với công việc nội trợ như cơm nước hay dọn dẹp nhà cửa…

Chị Nguyễn Châu, 40 tuổi (Đống Đa, Hà Nội) mỗi lần tan ca về nhà là mỗi lần lòng nặng trĩu. Ở với đại gia đình bố mẹ chồng, hai em trai chồng và gia đình nhỏ, là dâu trưởng chị phải gánh vác hết các công việc gia đình. Công việc kế toán với những số liệu khiến chị đau đầu, 5 giờ chiều từ cơ quan về nhà chị lại tất tả đón con ở trường rồi ngang qua chợ mua thức ăn.

Vừa về tới nhà, chị treo túi lên giá, thay vội quần áo “đâm sầm” vào bếp. Sau một tiếng nấu nướng cho gia đình, chị lại quẩy quả tắm cho con và mời mọi người ăn tối. Ăn tối xong, chị lại đánh vật với chậu bát đĩa, sau đó tắm rửa, giặt giũ cho cả nhà. Xong đâu đấy, chị dọn dẹp, lau chùi 4 tầng nhà. Khi ngẩng lên nhìn đồng hồ thì kim chỉ vào 10 giờ tối.

Trong lúc chị quay cuồng với việc nhà thì bố mẹ chồng, chồng và hai em trai chồng điềm nhiên xem ti vi, uống trà, ăn hoa quả. Sáng sớm hôm sau, trong lúc cả gia đình vẫn chìm trong giấc ngủ, chị đã dậy chuẩn bị đồ ăn sáng rồi gọi mọi người dậy. Sau khi rửa chồng bát đĩa thì cũng tới 7 giờ sáng, chị thay đồ và lại đưa con đi tới trường, rồi đến cơ quan xử lý núi công việc. Guồng quay ấy ngày nào cũng lặp lại suốt 12 năm trời khi chị về làm dâu.

Nếu là ngày chủ nhật thì lại càng căng thẳng hơn khi bố mẹ chị mời họ hàng đến liên hoan. Dĩ nhiên là chị phải đảm trách công việc nội trợ từ A tới Z. Có nhiều lúc chị quá mệt mỏi, thiết tha mẹ và chồng chia sẻ việc nhà giúp. Nhưng đáp lại là những cái lườm của mẹ chồng: “Có vài việc nhà lặt vặt, đàn ông không ai mó vào việc nhà cho hèn người ra!”.

Còn chồng thì thủng thẳng: “Em làm dâu, lại là dâu trưởng thì phải làm việc đó. Không lẽ mẹ chồng tuổi này lại phải đi “hầu” con dâu à”. Những lời nói đó khiến chị đau nhói. Đã từ lâu, chị chẳng biết xem phim nào trên ti vi, hay chẳng có thời gian đọc sách, chăm sóc sức khỏe mình. Cứ xong việc nhà là đến giờ cho con đi ngủ, người lại mệt rã rời. 

 Nhằm khẳng định những đóng góp của phụ nữ thông qua việc nhà, lượng hóa giá trị các công việc đó và đóng góp của nó vào kinh tế quốc gia, một cuộc nghiên cứu “Đóng góp kinh tế của phụ nữ thông qua công việc nhà” do Quỹ HeathBridge Canada tại Việt Nam và Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội” đã cho thấy, ở thành thị lẫn nông thôn, người phụ nữ vẫn là người dành nhiều thời gian làm các công việc nhà gấp 4 - 5 lần nam giới. 

Sở dĩ, có tình trạng phụ nữ làm công việc nhà nhiều hơn nam bởi rất nhiều bà vợ cho rằng: “Nam tính người đàn ông của họ sẽ bị đe dọa nếu như họ phải làm những công việc trong gia đình”. Đây cũng là lý do mà nam giới không làm việc nhà hoặc chỉ “giúp” trong chừng mực nào đó. Mặc dù họ cũng hiểu “thực trạng phân công lao động như vậy không có lợi cho sự tiến thủ và sức khỏe của phụ nữ”. 

Thêm thời gian làm việc đồng nghĩa phụ nữ ít có cơ hội để nghỉ ngơi và thời gian cần thiết dành cho chính mình. Hệ quả là nhiều chị em dễ lâm vào tình trạng mệt mỏi, suy nhược hay nghiêm trọng hơn là những vấn đề bệnh lý cơ –xương - khớp như đau nhức, nhức mỏi, thoái hóa khớp, đau cột sống, loãng xương…

Hiện tại, phụ nữ ngày càng tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động, nhưng thực tế này không có nghĩa là công việc nhà sẽ được chia sẻ công bằng hơn giữa các thành viên trong gia đình. 

Cũng tại cuộc nghiên cứu cho thấy sự đóng góp về mặt kinh tế tính bằng thời gian làm việc nhà của phụ nữ dao động từ 4- 6 triệu đồng/tháng. Ngoài giá trị kinh tế, còn có cả trách nhiệm và tình thương yêu của người phụ nữ chăm sóc, dạy dỗ, tái tạo sức lao động của các thành viên trong gia đình - một giá trị thiêng liêng không thể đo được bằng bất cứ phép tính nào. 

 “Chồng chúa, vợ tôi” vẫn còn hiện diện trong thời 4.0

Như vậy, người phụ nữ, người vợ thực sự là người có đóng góp rất lớn cho tổ ấm gia đình, không chỉ về mặt kinh tế mà cả về mặt tinh thần. Đại diện  Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng: “Chúng ta cần phải có những nghiên cứu sâu hơn với qui mô lớn hơn để giúp mô tả xác thực hơn các vấn đề xung quanh công việc gia đình vốn bị coi là “vô hình” này và lượng hóa giá trị đóng góp của phụ nữ vào kinh tế gia đình, đất nước”.  

Để thực hiện bình đẳng giới, các cơ quan hữu quan cần thiết kế và thực hiện một chiến dịch truyền thông thay đổi nhận thức. Mục tiêu của chiến dịch này là nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giá trị kinh tế và tinh thần của người nội trợ trong gia đình. Trước mắt phải đưa nôi trợ thành một nghề riêng bình đẳng với các nghề nghiệp có thu nhập khác trong danh sách các nghề thường được sử dụng trong các nghiên cứu chính thức của quốc gia. 

Gồng mình mưu sinh, gánh vác gia đình

Ngoài làm việc nhà hơn nam giới hàng nghìn tiếng/năm, một số chị em phụ nữ còn phải gồng mình gánh vác kinh tế gia đình. Ở ngõ nhỏ tại phố Mai Dịch (Hà Nội), nhiều người thương cảm chị Hoàng Thị Phương, 32 tuổi. Chị làm công nhân, còn chồng chị làm xe ôm đứng đón khách ở đầu ngõ. Con chị từ nhỏ đã ốm đau, quặt quẹo. Chồng chị thì lười biếng, một tuần 7 ngày thì chỉ làm 2 ngày, 5 ngày còn lại ra đầu đường uống cafe, “chém gió”.

Lương công nhân ít ỏi lại thêm tiền xe ôm không đủ để chồng uống cafe nói gì tới việc đưa cho chị trang trải cuộc sống, chưa kể tiền thuốc men cho con gái tốn kém. Kinh tế quá khó khăn, không lẽ để cả nhà chết đói, chị Phương phải gồng mình “chạy sô” kiếm tiền. Sau khi tan ca, chị lại xin làm giúp việc cho những gia đình quanh xóm theo giờ.

Mọi công việc nhà, chị phải đảm trách. Nhà hư dột, ống nước hư, bóng đèn không sáng cũng tới tay chị. Làm việc quá vất vả cộng thêm tối lại chăm sóc con gái đau yếu, mới 32 tuổi mà trông chị Phương như U50 khô úa. Từ lúc lấy chồng, chị chẳng biết ngày 8/3, ngày 20/3 hay ngày sinh nhật, lễ lạt. Dĩ nhiên, chị càng không bao giờ biết món quà nào từ người chồng ích kỷ, vô trách nhiệm. Cuộc sống qua đi với những lo toan và sự gồng mình gánh vác tránh nhiệm gia đình. Đã từ lâu, chị quên mình là người phụ nữ.

Vì gánh nặng mưu sinh, nhiều phụ nữ phải bươn chải trên những công trình xây dựng. Chuyển gạch, bờ lô, sàng cát, đất, trộn hồ… công việc phu hồ tại các công trình xây dựng nhiều người nghĩ chỉ dành cho đàn ông, thế nhưng, vẫn xuất hiện những người phụ nữ oằn mình bê vác giữa trời nắng gắt.

Trang phục của các chị không khác nam giới mấy, thường là những chiếc quần tây cũ kỹ, mỗi người mặc mấy lớp áo, áo ngoài là những chiếc áo bay, áo rin cũ; chân đi giày ba ta, đầu đội nón hoặc mũ tai bèo rất cũ. Bụi xi măng, hồ, đất bám đầy trên quần áo, cả trên tóc, trên khuôn mặt sạm nắng rịn mồ hôi của họ. Các chị em phải đối mặt với khả năng tai nạn từ giàn giáo, vật tư rơi từ trên cao xuống rất dễ xảy ra. Sau khi lao lực ở công trường, họ lại quẩy quả về gia đình với những lo toan mệt mỏi. 

…Cái tôi của người đàn ông quá lớn đến nỗi không thể hiểu được điều gọi là đồng cảm, cảm thông; cũng bởi thế họ không thể hiểu được hết phụ nữ phải gánh chịu những điều gì cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, không biết được phụ nữ hy vọng điều gì khi sống trong một gia đình đòi hỏi ở họ quá nhiều thứ! Thi thoảng có những khẩu hiệu "hãy cảm thông cho phụ nữ", "hãy chia sẻ với phụ nữ". Mấy người sẽ thực hành điều đó bằng hành động? Và bao người sẽ thực hành chỉ bằng lời nói?

Tất cả mọi người, ai cũng đều chỉ có 24 giờ trong một ngày để làm mọi việc cần thiết. Chính vì thế, để công bằng hơn, đặc biệt là để giúp đỡ người phụ nữ mà mình yêu thương, đàn ông cần phải sắp xếp lại thời gian, dành nhiều thời gian khác trong gia đình, nhằm giúp phụ nữ có thêm thời gian để làm việc cũng như nghỉ ngơi. Ngoài những việc gia đình mang tính đặc thù như cho con bú (chỉ có phụ nữ làm) hoặc khiêng vác những vật nặng (thường dành cho đàn ông), còn lại những công việc khác nên có sự phân chia để làm cùng nhau.

Bên cạnh đó, việc phân chia thời gian làm việc nhà sẽ giúp làm việc hiệu quả hơn và cả hai có thêm thời gian bên nhau để tình cảm  trở nên mặn nồng hơn. Khi chia sẻ công việc nhà với vợ, các “cánh mày râu” thật sự đã khẳng định được giá trị của mình với tinh thần trách nhiệm và cả tình yêu sâu sắc. Thế nên, thu xếp thời gian phụ giúp vợ những công việc đơn giản hàng ngày cũng luôn được xem là biện pháp lý tưởng để gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Người đàn ông hãy là người trụ cột của gia đình và chia sẻ công việc gia đình để phụ nữ được tìm lại… chính mình.

Đọc thêm