Khi trách nhiệm gắn với... mơ hồ

(PLO) - Trách nhiệm – đó là một cách ứng xử rất cụ thể với công việc của mình, thể hiện thái độ, tinh thần cũng như hành động về công việc đó, kể cả việc khắc phục hậu quả xấu nếu có. Thế nhưng, trách nhiệm lại là cái gì đó rất mơ hồ, chung chung và hầu như chẳng thuộc về ai cả trong rất nhiều trường hợp.
Quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn có nhiều bất thường khiến nhân dân địa phương bức xúc.
Quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn có nhiều bất thường khiến nhân dân địa phương bức xúc.

Vụ Thủ Thiêm (TP HCM) là một ví dụ về sự tùy tiện trong quản lý đô thị và gây hệ lụy rất lớn đến cuộc sống người dân cũng như hình ảnh của chính quyền đã kéo dài nhiều năm không được giải quyết. Tuy nhiên, khi Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về những sai phạm và chỉ ra những người và cơ quan chịu trách nhiệm để xảy ra sai phạm đó thì ngay lập tức, vị Kiến trúc sư trưởng thành phố tại thời điểm đó (người bị quy trách nhiệm trong việc ký bản đồ chi tiết sai lệch với quy hoạch mà Chính phủ phê duyệt) lên tiếng và cho rằng đó là chỉ đạo của UBND thành phố mà ông phải ký thôi. Điều này không có gì sai song không thấy trách nhiệm cá nhân của mình trong đó thì quả là một cách ứng xử phản cảm.

Tương tự, người “bán rẻ” cảng Quy Nhơn để rơi vào tay tư nhân không ai khác chính là UBND tỉnh Bình Định và người đại diện chính quyền cao nhất chính là Chủ tịch tỉnh. Song ông này phủ nhận trách nhiệm và cũng đổ tại “cấp trên” chỉ đạo. Tất nhiên là như thế bởi mình ông chỉ không thể “tự tung, tự tác” được, nhưng phương châm “tập thể lãnh đạo, cá nhân chịu trách nhiệm” rơi đâu mất rồi?

Rất nhiều vụ việc khác gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhưng bóng dáng của trách nhiệm cá nhân không thấy đâu. Ví dụ như Vĩnh Phúc, để xảy ra tình trạng xây biệt thự trong đất giao cho doanh nghiệp “trồng mía”, sai phạm rất rõ ràng nhưng trách nhiệm để xảy ra chuyện này thì rất mơ hồ.

Nay, chính quyền đã có một động thái đúng đắn là thu hồi toàn bộ đất đã giao đó nhưng việc quy trách nhiệm cho những người gây ra chuyện thì chưa! Hoặc, Hà Giang cấp “sổ đỏ” dinh thự vua Mèo cho Phòng Văn hóa là một việc sai trái và phải hủy cái quyết định đó. Song, việc quy trách nhiệm, xử lý những cán bộ làm việc sai trái này thì coi như không có gì xảy ra cả!

Những việc nhỏ hơn song gây bức xúc không nhỏ cho xã hội như dự toán chi cho 3 cán bộ đi Mỹ “quảng bá hình ảnh quê hương” 1,7 tỷ ở một tỉnh phải xin trợ cấp gạo cứu đói và đang bị thiên tai hoành hành hoặc phu nhân Chủ tịch tỉnh cũng tham gia gia đoàn đi nước ngoài “xúc tiến thương mại” chẳng hạn. Bị dư luận phản ứng gay gắt, chính quyền của các tỉnh này đã “sửa sai”, song những người gây ra cái sai đó thì không bị “sửa”.

Ở một chiều hướng ngược lại, khi bê bối nghiêm trọng xảy ra thì người đứng đầu hùng hồn tuyên bố: “Tôi chịu trách nhiệm về chuyện này”. Song, sau đó thì chẳng thấy ông ta có hành động gì để thể hiện “chịu trách nhiệm” ấy cả. Động thái nhằm trấn an dư luận ấy, sự vờ vĩnh là khẳng khái, tự trọng ấy chỉ làm dư luận bức xúc thêm.

Chỉ xét trong phạm vi ứng xử thôi và không quy trách nhiệm cho ai cả nhưng cũng đủ thấy là các biểu hiện của một số cán bộ về thái độ đối với trách nhiệm làm cho niềm tin của dân chúng giảm sút rất nhiều vào các cán bộ đại diện cho chính quyền đó./.