Cuộc gặp gỡ định mệnh
Tháng 6/1989, khi Michelle Robinson đang làm việc tại hãng luật Sidley & Austin ở thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ thì được chỉ định làm cố vấn cho một cộng sự học việc - chàng sinh viên ngành Luật của Đại học Harvard có “cái tên lạ hoắc” Barack Obama. Barack đã bị quyến rũ ngay từ lần đầu gặp Michelle. Không lâu sau, khi đã phải lòng nữ đồng nghiệp kiêm cố vấn kém 2 tuổi, Barack mời Michelle đi chơi.
Mặc dù Michelle khi ấy chưa có ý định hẹn hò nhưng Barack vẫn không lùi bước mà quyết tâm theo đuổi đến cùng. Liên tục gọi điện, gửi thư tay thậm chí gửi những đóa hoa tươi thắm cho người tình trong mộng nhưng trái tim Michelle vẫn chưa rung động.
Phải đến khi trực tiếp chứng kiến cuộc nói chuyện giữa Barack với các thanh niên da đen nghèo khó ở Chicago cùng nhiều lần hẹn hò đón đưa, chàng sinh viên tưởng chừng rụt rè mới thực sự chinh phục được trái tim nàng cố vấn. Sau vài tháng hẹn hò, cô đề nghị kết hôn. Nhưng Barack lại không tỏ ra quan tâm đến điều này.
Đến năm 1991, khi đang ăn tối tại một nhà hàng ở Chicago, Michelle nhắc lại việc kết hôn. Một lần nữa, Barack không nói gì. Nhưng khi món tráng miệng được mang đến, trên đĩa đã đặt sẵn một chiếc hộp đựng nhẫn đính hôn.
Tưởng chừng mọi thứ sẽ thuận buồm xuôi gió, thế nhưng, thân thế là một khoảng cách giữa hai người. Mẹ Barack là một người da trắng, còn cha đã trở về Kenya để tái hôn.
Một số người bạn gọi Barack là “anh chàng da trắng trong thân xác da đen”. Ngược lại, Michelle là con một gia đình gốc Phi thuần túy. Phải sau một thời gian dài Michelle mới đủ can đảm để thông báo với cha mẹ rằng bạn trai của mình có gốc gác da trắng.
Tuy nhiên, dù có sóng gió ra sao, hai tâm hồn trẻ đồng điệu vẫn đi đến quyết định kết hôn vào ngày 3/10/1992, ba năm sau lần hẹn hò đầu tiên. Khi đó, tổng thống tương lai của nước Mỹ đã dành rất nhiều lời khen ngợi vợ mình với bạn bè: “Vợ của tôi thông minh hơn tôi và chịu khó hơn tôi nhiều”.
Barack Obama và vị hôn thê Michelle tại Kenya năm 1992 (Ảnh của gia đình Obama) |
Hạnh phúc gia đình đã có lúc tưởng tan vỡ
Trong bốn năm sau đó, ông Obama trở thành thượng nghị sĩ ở bang Illinois. Cuộc sống vợ chồng nào cũng có lúc bát đũa xô lệch, sóng gió bắt đầu nổi lên giữa hai con người đều thông minh và có tính cách mạnh mẽ.
Bạn bè cho biết bà Michelle rất khó chịu với việc ông Obama thường xuyên vứt quần áo bừa bãi trong nhà, chẳng bao giờ chịu rửa bát, quét nhà giúp vợ. Ông suy nghĩ nhiều và tìm cách thay đổi thời cuộc nên không có nhiều thời gian để ý và quan tâm gia đình. Ông cũng thường xuyên đốt thuốc khiến căn nhà lúc nào cũng đặc mùi hôi thuốc lá. Điều này khiến bà Michelle không hài lòng, thậm chí bực bội.
Bà Michelle phải gồng mình chăm sóc nhà cửa trong khi đảm nhận vị trí luật sư được trả lương cao tại một công ty danh tiếng ở Chicago. Cứ mỗi lần bà Michelle trách mắng chồng lười việc nhà, ông Obama lại trả lời: “Sao em cứ bắt anh làm mấy việc này khi anh đang muốn thay đổi cả thế giới?”
Một người bạn của bà Michelle giải thích vấn đề là bà Michelle cũng rất thông minh và tài giỏi, cũng muốn đạt được những thành công trong xã hội. “Bà ấy nghĩ rằng tại sao mình lại phải dọn dẹp thay cho chồng?”
Năm 1998, vợ chồng Obama vui mừng với sự ra đời của cô con gái đầu lòng Malia. Tưởng cô bé sẽ là người có sức mạnh níu chân ông bố bận trăm công nghìn việc để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Thế nhưng không phải vậy, ông Obama vẫn thường xuyên không có mặt ở nhà, vẫn tiếp tục theo đuổi sự nghiệp của mình dù vợ và con gái mong đợi thế nào. Ông Obama liên tục vắng nhà vì công việc nghị sĩ, và bà Michelle cho rằng ông đang uổng phí năng lực cho sự nghiệp chính trị không đi đến đâu.
“Bà ấy tự hỏi tại sao ông chồng lại muốn tham gia chính trị trong khi có thể dễ dàng kiếm được 500.000 đô-la một năm với công việc luật sư” - một người bạn của bà kể.
Đã có lúc bà Michelle nức nở với chồng: “Anh chỉ nghĩ đến mình. Em không hề tưởng tượng rằng mình phải một mình chăm sóc cả gia đình”.
Về phần mình, ông Obama than thở với bạn bè rằng ông rất yêu vợ nhưng bà Michelle hay cằn nhằn quá.
Những trắc trở ngày một dồn nén. Sự căng thẳng dâng cao đến độ một số người bạn tiết lộ sau tám năm kết hôn, đã có thời điểm ông bà Obama nghĩ đến chuyện cùng nhau ra tòa làm thủ tục ly hôn.
Bước ngoặt của gia đình Obama xảy ra vào tháng 9/2001. Mọi thứ đột nhiên thay đổi từ khi cô con gái thứ hai Sasha bị mắc bệnh viêm màng não lúc mới 3 tháng tuổi. Lúc này, ông Obama mới thực sự bỏ lại công việc sau lưng để ở cùng con trong hành trình tìm lại sự sống. “Khi đó thế giới của tôi chỉ còn thu gọn lại trong bốn bức tường phòng bệnh. Công việc hay tương lai không còn quan trọng” - ông Obama kể.
Nhưng chính cơn ác mộng đó đã giúp ông Obama và bà Michelle xích lại gần nhau, thông cảm cho nhau sau khi Sasha khỏi bệnh. Kể từ sau hàng ngàn khó khăn, trắc trở, ông Obama và bà Michelle càng thấu hiểu nhau hơn, yêu thương nhau hơn.
Tuy nhiên bà Michelle cũng ra tối hậu thư với ông Obama là phải dành thời gian cho gia đình và con cái. Và ông Obama đã đồng ý. Đó là bước khởi đầu mới đối với ông Obama.
Barack Obama ôm Michelle Obama sau khi đọc bài diễn văn tại Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ ở Mile High, Denver ngày 28 tháng 8 năm 2008 (Ảnh của Alex Brandon - AP) |
Tháng 7/2004, ông Obama gây chấn động khi đọc bài phát biểu mạnh mẽ ở đại hội Đảng Dân chủ tại Boston. Ông trở thành một ngôi sao chính trị và được nhiều người hâm mộ nữ để ý. Rất nhiều cô gái trẻ đẹp đã cố tìm cách gặp ông và đưa cho ông số điện thoại.
Nhưng bà Michelle chẳng lo lắng: “Ông ấy quá yêu các con nên sẽ không bao giờ tự hủy hoại cuộc hôn nhân của mình”. Còn ông Obama kể với một người bạn nửa đùa nửa thật: “Tôi sẽ không bao giờ phản bội vợ. Tôi mà hó hé gì chắc Michelle sẽ xử đẹp tôi”.
Cũng trong năm 2004, bà Michelle nhận công việc mới với mức lương hơn 200.000 đô-la một năm, giúp tài chính của gia đình trở nên ổn định. Bà Michelle trở thành hậu phương vững chắc cho chồng mình trong cuộc đua chinh phục Nhà Trắng.
“Anh ấy giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, áp lực và động viên tôi trải nghiệm những điều mới mẻ, như cách mà anh ấy đã trưởng thành”, bà Michelle dành những từ có cánh cho chồng mình trong một buổi phỏng vấn. Dù công việc bận rộn, song cả hai vẫn luôn có những khoảng thời gian bên cạnh nhau, đơn giản như việc bà Michelle đón chồng trở về sau một chuyến công du nước ngoài.
Bà Michelle cũng chia sẻ rằng những khó khăn, hy sinh trong tình yêu giúp cả hai mạnh mẽ, cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Đồng thuận, hạnh phúc, tài chính vững mạnh, nhà Obama bắt đầu chiến dịch chinh phục nước Mỹ và đã thành công.
“Michelle, anh từng đưa ra nhiều quyết định trọng đại với vai trò tổng thống. Nhưng, quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời anh chính là lựa chọn em làm vợ anh, là mẹ của các con anh. Anh yêu em”, ông Obama đã thể hiện tình yêu ngọt ngào với vợ mình trong một chương trình truyền hình.
Thậm chí, các tờ báo Mỹ còn cho rằng hôn nhân của cặp vợ chồng này là minh chứng cho tình yêu đích thực. Sau hai nhiệm kỳ, câu chuyện tình yêu đẹp này vẫn thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới, công chúng bởi những cử chỉ ân cần họ dành cho nhau như cách ông Obama cầm tay che ô cho vợ, hay bà Michelle chỉnh trang cho chồng mình trước ống kính.