Khó hỗ trợ nạn nhân của nạn "buôn người"

Việc hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn

Hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về là một yêu cầu mang tính “nhân đạo”. Tuy nhiên, thực hiện công tác này đang “vấp” phải vô vàn những khó khăn từ nhiều phía...

Khó vì chưa có định nghĩa

Theo Điều 44 của dự thảo Luật Phòng, chống buôn bán người quy định 5 loại đối tượng được hưởng các chế độ hỗ trợ này và qui định thành lập các cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

Thời gian qua, các địa phương có tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài nhiều là Cần Thơ, An Giang, Lào Cai, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP.HCM… đã có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế, giáo dục và các đơn vị tiếp nhận lao động hướng nghiệp, bố trí việc làm.

Công tác tuyên truyền về hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng được chú trọng, từng bước nâng cao ý thức người dân trong phòng ngừa, chống buôn bán người ra nước ngoài, đồng thời hỗ trợ nạn nhân trở về hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngoc Anh (Điều phối viên quốc gia của Dự án liên minh các tổ chức LHQ về phòng chống BBN (UNIAP) tại Việt Nam), tình hình tội phạm BBN diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng, trong khi hệ thống pháp luật về phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em nước ta lại bộc lộ nhiều bất cập, thiếu sót.

Hiện, Bộ luật Tố tụng hình sự đã có một số quy định về bảo vệ an toàn thể chất đối với nạn nhân, nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ nguyên tắc, chưa quy định rõ đối tượng được bảo vệ, các biện pháp bảo vệ cũng như thủ tục yêu cầu bảo vệ.

Chưa kể, một số quy định trong công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về còn hạn chế, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của nước ta hiện nay.

Đó cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến công tác hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về còn gặp nhiều lúng túng trong quá trình thực hiện. Ông Lê Văn Chương (Văn phòng thường trực phòng, chống tội phạm và ma túy – TCCS – Bộ Công an) đưa ra ví du, khi Trung Quốc muốn đưa tất cả những người Việt Nam nhập cư trái phép vào Trung Quốc trở về thì không thể phân định rõ ai trong đó là nạn nhân bị buôn bán để áp dụng các cơ chế hỗ trợ do Việt Nam và Trung Quốc chưa thống nhất được khái niệm “nạn nhân bị buôn bán”.

Không những thế, các quốc gia đã đưa ra định nghĩa về buôn bán người và xác định nạn nhân được cộng đồng quốc tế công nhận, trong khi đó định nghĩa về buôn bán người và các định nạn nhân của Việt Nam lại chưa đủ cơ sở pháp lý để trừng trị hành vi môi giới, mua bán, bóc lột lao động và buôn bán nam giới. Hậu quả là cũng khó có thể áp dụng một chính sách hỗ trợ cho nạn nhân của các hành vi này.

“Nhập nhèm” thân phận nạn nhân

Một vấn đề “nổi cộm”, khiến việc hỗ trợ nạn nhân chưa thể toàn diện, đầy đủ theo đánh giá của đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) là không thống kế chính xác được số nạn nhân do nạn nhân mặc cảm, sợ ảnh hưởng đến cuộc sống. Mặt khác, các cơ quan chức năng nước ngoài thường không xác định, phân loại từng đối tượng trao trả, hoặc nạn nhân không đủ bằng chứng chứng minh mình là nạn nhân nên không thể xác định... Những định kiến xã hội không tốt đối với các nạn nhân, thiếu sự quan tâm cũng khiến nạn nhân không dám “xuất đầu lộ diện”.


Bà Lê Hồng Loan, (Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tại Việt Nam) cho rằng, khó khăn trong việc hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về còn bị hạn chế vì năng lực, nhận thức của đội ngũ cán bộ làm công tác xác minh, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân ở một số địa phương. Do đội ngũ này chưa thống nhất giữa mục đích của việc xác định nạn nhân là để hỗ trợ họ tái hòa nhập cộng đồng với việc xác định nạn nhân để truy tố tội phạm. Vì vậy phụ nữ, trẻ em chỉ được xác định là bị buôn bán khi khi đồng thời phải chứng minh được họ do tội phạm nào buôn bán hoặc nằm trong đường dây tội phạm nào…

Ngoài ra, công tác hỗ trợ, tiếp nhận nạn nhân bị buôn bán trở về tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn như: cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận; điều kiện phục vụ sinh hoạt, vệ sinh, nơi ăn ở, y tế, đồ dùng trang bị sinh hoạt… thiếu thốn.

Dù hàng năm, UBND cấp tỉnh đã phân bổ kinh phí hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về (theo Chương trình 130/CP), nhưng số kinh phí chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế như chi phí tiền ăn cho nạn nhân 10.000 đồng/người/ngày là thấp so với thời giá hiện nay, công tác đào tạo nghề, tạo việc làm giúp các nạn nhân chưa thật sự bền vững, thu nhập chưa đảm bảo ổn định cuộc sống cho nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng...

Các chuyên gia nhận định, hoạt động tội phạm buôn bán người dự báo diễn biến phức tạp, khó lường và có chiều hướng gia tăng. Do vậy, bên cạnh việc phát hiện, ngăn chặn, trấn áp kịp thời tình trạng buôn bán người, cần bảo đảm 100% người bị buôn bán trở về thông qua trao trả và được giải cứu, 80% nạn nhân buôn bán trở về được hưởng các dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng ổn định, bền vững.

Huy Anh


Tính đến tháng 5/2010, số nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về là 3.190 trường hợp, trong đó 60% nạn nhân tự trở về, 25% được giải cứu, 15% tiếp nhận chính thức. Sau 5 năm triển khai Đề án 3 tiếp nhận, hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về (thuộc Chương trình 130/CP), trong số 3.190 nạn nhân trở về đã có 2.532 nạn nhân được hỗ trợ tâm lý, khám sức khỏe và nhận chính sách hỗ trợ, 1.037 trường hợp được nhận kinh phí hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng và học nghề. 

Qua khảo sát điều tra từ lực lượng công an, biên phòng, hiện cả nước có không dưới 235 đường dây với 654 đối tượng có biểu hiện hoạt động mua bán người, 51 tuyến và 182 địa bàn trọng điểm như: Bắc Giang, Lào Cai, Phú Thọ, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tây Ninh… là nơi mà bọn tội phạm thường xuyên hoạt động, rất dễ nảy sinh và phát triển tội phạm buôn bán người bất cứ lúc nào.

Đọc thêm