Khó kê biên hoa lợi để đảm bảo thi hành án

(PLVN) -Trong thực tiễn, việc áp dụng quy định pháp luật về kê biên đối với hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại còn gặp nhiều khó khăn.

Khoản 1 Điều 109 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại. Ví dụ như hoa quả thu hoạch từ cây cối, trứng do gia cầm đẻ ra, gia súc nhỏ do gia súc mẹ đẻ ra…Như vậy, hoa lợi là những tài sản sinh ra từ việc khai thác, sử dụng tài sản gốc. Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, trường hợp người phải thi hành án có tài sản mang lại hoa lợi, Chấp hành viên có quyền kê biên hoa lợi đó để bảo đảm thi hành án. Tuy nhiên trong thực tiễn, việc áp dụng quy định pháp luật về kê biên đối với loại tài sản này còn gặp nhiều khó khăn.

Theo Điều 97 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014( Luật THADS), Trường hợp người phải thi hành án có tài sản mang lại hoa lợi, Chấp hành viên kê biên hoa lợi đó để bảo đảm thi hành án. Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại như cây ra trái, gia súc sinh con... Theo đó, khi kê biên tài sản là hoa lợi, chấp hành viên không kê biên tài sản là cây cối mà chỉ kê biên trái cây, hoa quả...của cây cối đó. Ví dụ, người phải thi hành án có vườn cây ăn quả 200m2, tới kỳ thu hoạch chấp hành viên có thể kê biên số trái cây sinh ra từ các cây trồng trong vườn cây ăn quả đó để đảm bảo thi hành án. Tuy nhiên, Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện biện pháp này dẫn đến các Chấp hành viên và cơ quan THADS gặp nhiều lúng túng khi thực hiện.

Hoa lợi là một loại tài sản rất đặc thù, không giống như các loại tài sản thông thường khác. Việc xác minh tài sản, ước tính giá trị tài sản là hoa lợi rất khó thực hiện, đặc biệt là đối với những loại hoa lợi như hoa quả, thóc lúa…. những khu vực có diện tích thu hoạch lớn, việc kiểm đếm, mô tả tài sản, ước tính giá trị tài sản để đảm bảo nguyên tắc tương ứng khi kê biên là rất khó khăn. Mỗi loại sản vật, hoa lợi lại có một đặc điểm khác nhau, cách thức xác minh, thành phần tham gia xác minh cũng sẽ khác nhau….Do chưa có quy định pháp luật hướng dẫn cụ thể về vấn đề này nên việc xác minh tài sản là hoa lợi phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng mềm của chấp hành viên, điều này dễ dẫn đến những nhầm lẫn, sai sót, làm tăng nguy cơ khiếu nại, tố cáo phát sinh. Mặt khác, từ khi xác minh tài sản thi hành án tới khi tiến hành kê biên tài sản có thể mất khoảng thời gian nhất định, điều này có thể dẫn đến những rủi ro ngoài ý muốn như hoa lợi bị mất mát, giảm giá trị … Đây cũng là một trở ngại lớn cho Chấp hành viên khi muốn lựa chọn áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với loại tài sản này.

Về trình tự, thủ tục thực hiện kê biên, xử lý tài sản là hoa lợi. Luật THADS chỉ có duy nhất một điều luật hướng dẫn việc kê biên đối với tài sản là hoa lợi. Đối với hoa lợi là lương thực, thực phẩm thì khi kê biên, Chấp hành viên phải để lại một phần để người phải thi hành án và gia đình họ sinh sống theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 87 của Luật THADS. Theo đó, khi kê biên tài sản là hoa lợi, Chấp hành viên cần xem xét bớt lại số lương thực đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người phải thi hành án và gia đình trong thời gian chưa có thu nhập, thu hoạch mới.

Tuy nhiên, mức trích lại như thế nào để đảm bảo “ nhu cầu thiết yếu” của người phải thi hành án và gia đình trong thời gian chưa có thu nhập, thu hoạch mới là một việc rất khó định lượng. Chấp hành viên không có các căn cứ pháp lý để có thể đảm bảo mức trích lại này.

Bên cạnh đó, việc giao bảo quản tài sản kê biên trong khi chờ xử lý, phương thức định giá, bán đấu giá các tài sản là hoa lợi cũng là một vấn đề còn nhiều vướng mắc. Đối với loại tài sản này, có thể áp dụng quy định tương tự khi định giá, bán đấu giá đối với các loại tài sản thuộc diện tươi sống, mau hỏng hay không?

Theo quy định tại Điều 98 Luật THADS và khoản 2 Điều 26 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, đối với tài sản kê biên thuộc loại tài sản tươi sống, mau hỏng Chấp hành viên cầu người được thi hành án, người phải thi hành án thỏa thuận về giá tài sản kê biên. Nếu đương sự thỏa thuận được thì chấp hành viên lập biên bản về việc đương sự thỏa thuận giá tài sản kê biên. Trường hợp đương sự không thỏa thuận được thì chấp hành viên tiến hành xác định giá tài sản. Khoản 4 Điều 101 Luật THADS cũng quy định: “Chấp hành viên bán không qua thủ tục bán đấu giá đối với tài sản có giá trị dưới 2.000.000 đồng hoặc tài sản tươi sống, mau hỏng.”

Mặc dù một số loại hoa lợi có những tính chất tương tự với tài sản tươi sống, mau hỏng. Tuy nhiên do chưa có hướng dẫn cụ thể nên việc dẫn chiếu các quy định pháp luật tương tự để xử lý tài sản là hoa lợi cũng là một vấn đề còn nhiều vướng mắc. Do đó, việc tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này là rất cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp cưỡng chế này trong thực tiễn.

Đọc thêm