Khoảng trống pháp lý đau lòng

(PLVN) - Sâu thẳm trong mỗi người Việt, đều có quan niệm tồn tại từ ngàn đời “Sống vì mồ vì mả, không ai sống vì cả nồi cơm”. Ngôi mộ, hài cốt người thân là điều thiêng liêng hơn cả. Bảo vệ chăm sóc phần mộ tiên tổ là bổn phận của người đang sống. Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, nhưng chính sách tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ vẫn luôn được Đảng, Nhà nước và toàn dân dốc sức thực hiện, quan tâm hàng đầu.
Người thân các hũ tro cốt bức xúc kéo đến ngôi chùa ở TP HCM  nơi xảy ra sự việc lẫn lộn các hũ tro.
Người thân các hũ tro cốt bức xúc kéo đến ngôi chùa ở TP HCM nơi xảy ra sự việc lẫn lộn các hũ tro.

Thế nhưng không chiến tranh bom đạn, không thiên tai địch họa, hàng trăm gia đình ngay giữa TP HCM vẫn vừa phải đối diện nguy cơ “thất lạc” hài cốt người thân. Hàng trăm bình tro cốt sau khi được hỏa táng, gửi vào chùa thờ cúng, đã bị rớt di ảnh bảng tên đính kèm, chất đống một góc khi chùa này sửa chữa một số hạng mục. Sự việc được phát hiện ngay đúng dịp lễ Vu Lan báo hiếu, khiến nỗi đau của những người bị thất lạc bình tro cốt mẹ cha càng nhân lên gấp bội.

Đại diện nhà chùa ban đầu cho rằng lỗi đến từ nhóm thợ cẩu thả đã nhẫn tâm vô ý gây ra sự việc trên. Sau đó chùa nhận hoàn toàn trách nhiệm, cho biết sẽ tiến hành xét nghiệm ADN từng hũ cốt. Nhưng “nhận trách nhiệm” giờ cũng đâu có ý nghĩa gì, khi giải thích ở góc độ khoa học, GĐ Trung tâm Giám định ADN thuộc Viện Công nghệ Sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam), cho biết ở nhiệt độ cao, cấu trúc ADN sẽ bị gãy, hoặc thậm chí phân hủy hoàn toàn. Thi thể bị hóa tro hoàn toàn thì rất khó tách chiết để giám định. Tỷ lệ thành công thấp, khả năng làm được chỉ khoảng 20-30%.

Phải thừa nhận phong trào gửi tro cốt có mặt tích cực là thúc đẩy việc hỏa táng văn minh, đáp ứng nguyện vọng người dân. Tại Việt Nam, còn có các đài hóa thân, ban phục vụ tang lễ hay các công viên nghĩa trang đều cung cấp dịch vụ này. Tuy nhiên điểm khác biệt là tất cả cơ sở cung cấp dịch vụ đều có hợp đồng ràng buộc trách nhiệm với khách hàng; trong khi việc gửi tro cốt vào chùa, dù vẫn mất một khoản tiền, lại chỉ được xác nhận bằng niềm tin.

“Sự kính trọng, tin cẩn của người dân dành cho một ngôi chùa hay một vị sư giống như một “phiếu bảo hành”. Phật tử không có những giao kèo thành hợp đồng cụ thể. Họ gửi tro cốt lên chùa bằng tình cảm và niềm tin với Phật pháp”, ông Nguyễn Phúc Nguyên (Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ) phân tích; và đánh giá trong sự việc trên, đáng tiếc là hàng trăm người dân, Phật tử đã gửi niềm tin vào ngôi chùa này nhưng nhận lại là sự tắc trách.

Còn một điều đáng tiếc nữa, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định về nếp sống tại các cơ sở thờ tự đã có những điều khoản chung như việc lưu giữ tro cốt phải đảm bảo vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, quy định chi tiết về trách nhiệm quản lý tro cốt trong chùa “vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện” như ông Nguyên nói.

Giá như có các quy định pháp luật rõ ràng về việc các hũ tro cốt phải được bảo quản chăm sóc cụ thể ra sao, trách nhiệm của các cơ sở lưu trữ ra sao, thì hàng trăm hộ gia đình giờ này không phải ân hận đau lòng. Chuyện buồn trong mùa Vu Lan cho thấy khoảng trống pháp lý trên phải nhanh chóng được xây dựng hoàn thiện.