Tại sao lại có mức xử phạt 200 nghìn đồng?
Căn cứ của mức xử phạt này chính là Điều 5 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo đó, mức xử phạt tối đa đối với người “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” là 300 ngàn đồng. Ở góc độ pháp luật hiện hành có thể nói việc xử phạt hành chính này là đúng quy định và việc xử phạt hành chính một công dân cũng không thể dựa trên cảm xúc, mà phải dựa trên chứng cứ và quy định của pháp luật.
Điều đáng nói là đây không phải vụ việc đầu tiên gây bức xúc dư luận về sự trừng phạt của pháp luật với người có hành vi sàm sỡ, dâm ô. Vụ việc thầy giáo sờ mông sờ đùi nhiều học sinh lớp 5 xảy ra ở Bắc Giang gây bức xúc xã hội và cha mẹ học sinh là thế, nhưng cơ quan chức năng đã kết luận rằng chưa đủ căn cứ chứng minh thầy giáo có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
Cũng cần nói thêm rằng, pháp luật hiện nay thực tế chưa có văn bản nào định nghĩa thế nào là dâm ô, ngoài Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV đã hết hiệu lực. Nhưng kể cả nếu còn hiệu lực thì Thông tư liên tịch số 01 cũng chỉ quy định nêu dâm ô là hành vi như sờ, bóp vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó.
Trong khi đó, thầy giáo ở Bắc Giang mới chỉ có hành vi sờ mông, đùi, véo má, véo tai, véo mũi, chưa sờ vào bộ phận sinh dục nên khó để truy cứu trách nhiệm hình sự người này. Liên quan đến vụ việc này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em Bộ LĐ-TB-XH đã đặt câu hỏi: “Thông tư liên tịch số 01 định nghĩa dâm ô là hành vi như sờ, bóp vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em. Vậy bộ phận kích thích tình dục không phải là vùng mông, vùng đùi thì là đâu?”
Cần luật định các khái niệm
Từ những vấn đề trên có thể thấy đang tồn tại một “khoảng trống” pháp luật đối với việc nghiêm trị hành vi quấy rối tình dục (QRTD). Trả lời báo chí về vụ việc sàm sỡ trong thang máy xử phạt 200 nghìn đồng, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội nhận định, vụ việc này cho thấy còn một khoảng trống pháp lý cần được nghiên cứu, điều chỉnh.
Cần phải xử lý nghiêm minh với các đối tượng có hành vi vi phạm, mức xử phạt phải đủ sức răn đe, nặng gấp nhiều lần so với mức phạt hiện nay. Chỉ có vậy mới có thể bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng cho nạn nhân, và cũng ngăn chặn tình trạng sàm sỡ tương tự xảy ra.
Ở góc độ tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em, bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên CSAGA nêu quan điểm: “Chúng tôi nhận thấy, hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có quy định đầy đủ và hiệu quả về QRTD. Hiện pháp luật Việt Nam không có định nghĩa, phân loại và các biện pháp chế tài để xử lý các hành vi QRTD trong văn bản pháp luật mà chỉ có trong Bộ Quy tắc ứng xử phòng chống QRTD tại nơi làm việc.
Quy định cấm QRTD chỉ xuất hiện trong Bộ luật Lao động trong khi hành vi QRTD diễn ra ở mọi nơi như trường học, bệnh viện, công viên và các địa điểm công cộng khác, kể cả trên các phương tiện giao thông, chứ không chỉ ở nơi làm việc và với các mối quan hệ xã hội đa dạng chứ không chỉ giới hạn trong quan hệ công việc. Bộ luật Hình sự không có quy định xử lý các hành vi QRTD xâm phạm nhân phẩm của cá nhân”.
Ngoài ra, theo bà Vân Anh, biện pháp xử phạt cho hành vi QRTD của pháp luật hiện hành không nghiêm khắc và không tương xứng. Bên cạnh đó, cũng không có quy định riêng về bồi thường thiệt hại đối với các hành vi QRTD.
Trong khi quy định về bồi thường thiệt hại trong Bộ luật Dân sự đối với các tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm (mức tối đa của khoản bồi thường khi không thể thỏa thuận được chỉ là 10 tháng lương tối thiểu tại thời điểm giải quyết bồi thường) không hề tương xứng với mức độ tổn thất của nạn nhân QRTD.
Trả lời báo chí, ông Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng: “Trong khi người ta không đồng tình nhưng anh lại cố tình hôn người ta như thế thì không phải là hành vi trêu ghẹo phụ nữ, phải được coi là hành vi dâm ô, quấy rối tình dục. Xác định là hành vi trêu ghẹo phụ nữ là không ổn.
Việc có nên xem xét quy định hành vi “tấn công tình dục” mà nhiều nước hiện đang áp dụng không, cần phải nghiên cứu thêm, nhưng từ vụ việc này cho thấy cần thiết phải xem xét lại về nghị định xử phạt vi phạm hành chính. Bởi có thể văn bản mô tả hành vi không chuẩn, hoặc chưa đầy đủ hết những tình huống xảy ra trong thực tiễn. Đặc biệt, mức phạt 200 nghìn đồng đối với hành vi trêu ghẹo phụ nữ như thế cũng rất lỗi thời” .
ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội nhận định: “Trong vụ sàm sỡ phạt 200 nghìn đồng, người đàn ông này đã sử dụng sức mạnh để gây ra những tổn hại về thể chất, tâm lý và thậm chí là tình dục đối với cô gái trong thang máy.
Như vậy nó không chỉ đơn giản là sàm sỡ. Với những hành vi cố tình tấn công điểm yếu về giới của phụ nữ như vậy, nếu để lại hậu quả nghiêm trọng thì có thể cấu thành tội hình sự. Nhiều nước trên thế giới quy định về hành vi “tấn công tình dục”. Trong bối cảnh tình hình thực tiễn ở nước ta, tôi cho rằng, “tấn công tình dục” cũng cần được cụ thể hóa vào trong luật”.
LS Phạm Văn Hiến Minh, Đoàn LS TP.HCM cho biết, ở Mỹ và một số nước phát triển, nếu không phải là bố mẹ của trẻ và không được sự đồng ý của phụ huynh mà người lớn có những cử chỉ tác động vào cơ thể trẻ như nựng má, sờ, vuốt ve, ôm hôn… là phạm pháp. Các trường hợp có lời lẽ khiếm nhã, không tốt với trẻ cũng được xem là trái pháp luật.
Pháp luật Mỹ còn nhận dạng biểu hiện dâm ô đối với trẻ em là “sự đụng chạm có chủ ý vào bộ phận nhạy cảm hoặc vùng vải vóc che phủ bộ phận nhạy cảm của người khác”.
Như vậy, từ vụ việc xử phạt 200 nghìn cho hành vi cưỡng hôn trong thang máy và thực tiễn pháp luật ở một số quốc gia khác có thể thấy một số chính sách, điều khoản pháp luật đã không còn phù hợp với đời sống thực tiễn, không còn đúng so với nhận thức và hiểu biết của người dân về pháp luật hiện nay, cần phải nhanh chóng sửa đổi, nâng cao chất lượng việc xây dựng các văn bản dưới luật.