Cầu Ghềnh là cầu đường sắt được xây từ thời Pháp, bắc từ phường Bửu Hòa sang phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Vào khoảng 11h30 ngày 20/3, tàu kéo mang biển số SG 3745 kéo theo sà lan biển số SG 5984 chở khoảng 800 tấn cát từ Long An về hướng Đồng Nai (ngược từ hạ lưu lên thượng nguồn) do Nguyễn Văn Lẹ (SN 1988) và Trần Văn Giang (SN 1980, cùng quê Bạc Liêu) điều khiển đã tông vào trụ giữa của cầu Ghềnh khiến trụ cầu bị gãy, nhịp số 2 và 3 rơi xuống nước.
Thoát chết trong gang tấc
Một may mắn trong vụ sập cầu là việc ba nhân viên gác chắn Chợ Đồn (phường Bửu Hòa, cách cầu Ghềnh chừng 100m) ở Km 1700+184 đã kịp thời ngăn chặn một đoàn tàu đang lao đến cây cầu sập. Tổ gác chắn gồm anh Phan Tiến Dũng, Cung trưởng Cung chắn Biên Hòa và hai nhân viên là anh Ngô Việt Phái và anh Phạm Tiến Dũng.
Vụ tai nạn khiến ba xe máy rơi xuống sông, may mắn người trên xe đã may mắn thoát được lên bờ. Nhân chứng Nguyễn Kim kể, lúc đó anh đang ngồi uống cafe ở bờ sông, thấy chiếc sà lan có nguy cơ đâm vào trụ cầu nên vội la lên cho người lái nghe nhưng không kịp. Tàu kéo dường như cố gắng nổ máy quay ngược lại nhưng theo quán tính vẫn lao vào trụ cầu.
Trụ cầu ngã nghiêng sang một bên chìm xuống sông, hai nhịp cầu sập xuống đè lên chiếc sà lan khiến nó lật úp. Một số người rơi xuống sông, còn hai tài công nhảy khỏi ca bin tàu xuống nước. Rất may, hai chiếc ghe đánh cá gần đó đã kịp thời ứng cứu, vớt được ba người đưa vào bờ an toàn. “Mấy người được đưa vào bờ với trạng thái hoảng loạn, mặt tím ngắt vì sợ. Tôi lúc đầu còn tưởng họ chết chứ không sống được”, anh Kim nói.
Một nạn nhân thoát chết là anh Cao Văn Hai (quê Thanh Hóa) kể: “Khi tôi chạy xe máy gần hết nhịp số 2 thì nghe tiếng “rầm”, cầu rung lắc và đổ sập xuống nước. Chiếc xe máy bị kéo ngược lại, tôi nhảy xuống, bỏ xe chạy thoát thân. May mắn không bị thương”.
Còn chị Hoàng Yến (ngụ Long Bình, TP Biên Hòa) vẫn chưa hết hoảng loạn nhớ lại: “Sau tiếng rầm, cả xe lẫn người đều chìm xuống sông. Chưa kịp hiểu chuyện gì, tôi chỉ nghe người ta bảo chạy thì chạy theo”.
Lực lượng chức năng nhanh chóng có mặt, phong tỏa hai bên cầu, cử người nhái lặn tìm kiếm nạn nhân mất tích. Hiện trường có ba xe máy bị chìm. Sau nhiều giờ vẫn không tìm thấy nạn nhân nào, đồng thời không có tin trình báo về người tích nên bước đầu lực lượng chức năng xác định không có thương vong trong vụ việc. Sà lan và đầu máy tàu bị chìm đã được trục vớt vào sáng 21/3.
Đoàn tàu kịp thời dừng lại |
Đoàn tàu kịp dừng trước “mũi tử thần”
Trao đổi với PL&TĐ, anh Phạm Tiến Dũng kể: Kíp trực của ba anh em diễn ra bình thường, không nhận được bất cứ thông tin về vụ sập cầu. Vào khoảng 11h38 phút, ngày 20/3, tàu hàng mang số hiệu 2542 đang chạy trong phạm vi Biên Hòa – Dĩ An (Bình Dương) xin đường qua cầu Ghềnh.
Tổ gác chắn được báo tàu sắp đến nên cả ba cùng đứng chờ để hạ barie ngăn đường ngang lại.
Nhưng đúng lúc đó, một người dân hốt hoảng chạy về hướng cầu Ghềnh vừa chạy vừa la “sập cầu, sập cầu rồi”. Cung trưởng Phan Tiến Dũng liền giao cho anh Phái chạy theo người dân hướng về cầu Ghềnh nắm bắt tình hình. Còn anh Dũng chạy ngược lại hướng đoàn tàu đang lao tới chờ đợi phát tín hiệu. Cả ba sẵn sàng đưa ra tín hiệu cho đoàn tàu nếu có sự cố.
Anh Phạm Tiến Dũng kể: “Anh Phái thấy cầu Ghềnh sập, đường sắt bị cắt đôi nên giơ cờ báo hiệu cho cung trưởng biết. Đoàn tàu sắp đến, chỉ còn 2km nữa là tới chỗ tôi đứng. Lúc này, cung trưởng không kịp báo cho lãnh đạo. Chờ báo lãnh đạo, có lẽ tàu sẽ lao xuống sông mất. Cung trưởng liền ra hiệu cho tôi, yêu cầu lái tàu dừng khẩn cấp ngay”.
Tín hiệu được phát đi, lái tàu nhìn thấy và kịp thời thắng gấp. Đoàn tàu dừng lại cách cầu Ghềnh chừng 200m. Khi đã dừng được tàu, cung trưởng mới vào trạm gác báo cáo lãnh đạo để sớm có phương án dừng tất cả tàu đang lưu thông sắp qua cầu Ghềnh. Nhờ vậy không có thêm vụ việc nào đáng tiếc xảy ra.
“Lúc đó, anh em chúng tôi chỉ biết ra hiệu, cứu được đoàn tàu chứ không nghĩ đến chuyện gì. Nếu như không chạy theo người dân, không có linh tính bất an để ngăn tàu kịp, có lẽ, đoàn tàu hàng 2542 đã lao xuống sông.
Khi tàu dừng, tôi vui mừng đến độ không kịp nhìn xem tàu có bao nhiêu toa và chở thứ gì. Chỉ thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết”, anh Phạm Tiến Dũng chia sẻ.
Cầu “già” trăm tuổi chưa nâng cấp
Cây cầu Ghềnh hơn 100 tuổi được xem là biểu tượng lịch sử của TP Biên Hòa. Tình trạng cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng do ít được bảo dưỡng, lại càng thêm cũ nát do từng xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng năm 2011.
Anh Phạm Tiến Dũng, một trong ba nhân viên tổ gác chắn đã cứu đoàn tàu khỏi lao xuống sông. |
Cụ thể, đêm 6/2/2011, xe taxi biển số 56K – 9697 của hãng VinaSun do tài xế Nguyễn Quốc Hùng (32 tuổi) điều khiển lưu thông qua cầu Ghềnh. Taxi không nhường đường cho năm ô tô hướng ngược lại qua cầu khiến cả sáu chiếc ô tô kẹt cứng giữa cầu.
Thời điểm này, cầu Ghềnh cho phép ô tô chạy qua nhưng chỉ lọt một chiếc và phải đi lấn sang phần đường sắt. Không ai chịu nhường ai, đúng lúc đoàn tàu SE2 hướng từ TP.HCM ra Hà Nội đi qua. Các nhân viên gác chắn tại hai bên cầu không nắm được vụ kẹt xe trên cầu Ghềnh nên không phát tín hiệu ngừng tàu.
Lái tàu khi phát hiện sự việc đã hãm phanh nhưng do tốc độ lớn, tàu SE2 đã lao vào sáu ô tô khiến hai người chết, 22 người bị thương. Vụ tai nạn khiến cây cầu bị rung lắc và xuống cấp nghiêm trọng. Từ đây, cầu Ghềnh chỉ cho xe máy lưu thông, cấm tất cả loại ô tô.
Theo người dân sống hai bên cầu: “Cây cầu đã xuống cấp, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Trong nhiều cuộc họp, chúng tôi đã phản ánh sự việc lên chính quyền, mong muốn sửa chữa. Thứ nhất là bảo vệ an toàn cho người qua lại và các đoàn tàu lưu thông. Thứ hai, cầu Ghềnh là biểu tượng về văn hóa của TP.Biên Hòa, sửa chữa, bảo dưỡng là một điều cần thiết. Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, kiến nghị của chúng tôi không được đáp ứng”.
Sau vụ tai nạn sập cầu vừa qua, nhiều người dân cho rằng, tài công “số đen” “tông phải cầu già” mới làm sập cầu. Người dân cho rằng, “nếu cầu Ghềnh được bảo dưỡng đàng hoàng, có lẽ cú tông của sà lan chưa gây thiệt hại nghiêm trọng đến vậy” và “công tác quản lý, bảo vệ các cây cầu đường sông bị cơ quan chức năng thờ ơ, coi thường dẫn đến sự cố nghiêm trọng như vậy”.
Được biết, trước đây người dân từng cảnh báo nguy cơ sà lan đâm vào trụ cầu. Trụ cầu từng có vành đai bảo vệ nhưng đến nay đã biến mất. Vấn đề này đã được các cơ quan báo chí đề cập trong buổi họp báo ngày 20/3, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết đã từng “lưu ý” với Bộ giao thông vận tải nhưng chưa được giải quyết.