Theo đó, cả nam và nữ sau 15 năm công tác được nghỉ hưu thì được tính lương hưu bằng 45% mức bình quân lương đóng BHXH. Năm thứ 16 trở đi, mỗi năm công tác nam được cộng thêm 2% cho đến đạt tối đa 75%. Nữ thì được ưu tiên từ năm công tác thứ 16 trở đi được cộng 3% đến 25 năm công tác được hưởng 75%. Đây là chính sách có tính chất ưu đãi cho phụ nữ.
Đến Luật BHXH năm 2014, Chính phủ đề xuất quay trở lại để bình đẳng giữa nam và nữ thì từ năm 16 trở đi, nam vẫn được cộng thêm 2% như luật cũ. Còn nữ thì giảm từ 3% xuống 2%. Như vậy, người nghỉ hưu là phụ nữ từ 1/1/2018 trở đi, nếu đóng BHXH đủ 25 năm và đủ điều kiện nghỉ hưu thì tổng tiền lương hưu chỉ đạt có 65% mức lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH.
Như vậy có thể hiểu rằng chỉ “sau 1 đêm” lao động nữ có thể mất tới 10% lương hưu so với cách tính của Luật BHXH năm 2006. Cụ thể, lao động nữ đóng BHXH 25 năm và nghỉ hưu ngày 31/12/2017 sẽ được hưởng 75%. Nhưng với chính lao động đó, nghỉ hưu sau 1 ngày, từ 1/1/2018, thì tỷ lệ lương hưu họ được hưởng chỉ còn 65%.
Sinh ngày 2/1/1963, theo quy định, chị Minh Ngọc ở Hồng Hà, Hoàn Kiếm được chốt sổ BHXH và giải quyết chế độ hưu trí khi đủ 55 tuổi vào ngày 2/1/2018. “Đầu tháng 10, cơ quan đã gửi thông báo về việc nghỉ hưởng chế độ hưu trí cho tôi. Vui vì mình được nghỉ ngơi sau gần 25 năm công tác và cống hiến nhưng trong lòng thì trĩu nặng. Theo quy định mới, tôi chỉ được hưởng 65%, trong khi, chỉ cần sinh sớm thêm 2 ngày tức ngày 31/12/1962 để được chốt sổ BHXH trong năm 2017, tôi đã có thể được lĩnh lương hưu với mức tối đa là 75%” - bị trừ đi 10% trong khi mức lương hưu nhận được không phải là cao, chị Ngọc không khỏi lo lắng cho cuộc sống tuổi già của mình.
Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra và tại phiên họp tổ sáng ngày 24/10, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPNVN cho biết, việc bảo đảm quyền lợi bình đẳng giữa nam và nữ sau nghỉ hưu hiện nay đang được chị em quan tâm và rất tâm tư. Cách tính lương hưu theo Luật BHXH 2014 áp dụng từ 1/1/2018 sẽ thiệt thòi cho lao động nữ.
“Đây là vấn đề rất lớn, Hội LHPNVN đã có phát biểu và ý kiến bằng văn bản đến các cơ quan liên quan để đảm bảo sự bình đẳng trong quyền lợi giữa nam và nữ khi nghỉ hưu. Chúng tôi cho rằng, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng lao động ồ ạt nhận BHXH một lần đang diễn ra hiện nay”, Đại biểu Thu Hà nhấn mạnh.
Trả lời báo chí bên lề phiên họp Quốc hội sáng 24/10, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng nhận định: “Tính ra, phụ nữ bị giảm đột ngột mất 10%, là có sự thiệt thòi” .
Lại nói về câu chuyện bình đẳng giới, như đã nói trên, một trong những lý do dẫn tới sự điều chỉnh lương hưu của lao động nữ này là bình đẳng giữa nam và nữ. Mặc dù khái niệm bình đẳng giới không còn là khái niệm mới và Việt Nam đã có hẳn một đạo luật để nhằm điều chỉnh vấn đề này nhưng dường như việc hiểu đúng, hiểu đủ thế nào là bình đẳng giới vẫn là còn nhiều chuyện để nói.
Bình đẳng giới không bao giờ là việc đặt dấu bằng giữa nam và nữ, là co kéo sao cho hai bên bằng nhau. Bình đẳng giới thực chất chính là việc am hiểu về đặc tính giới để từ đó có sự điều chỉnh, tạo điều kiện sao cho đôi bên có cơ hội phát triển như nhau.
Lý giải cho việc thay đổi cách tính lương hưu mới, BHXH Việt Nam cho rằng cần thiết để đảm bảo cho quỹ hưu trí được cân đối trong dài hạn. Nhưng điều chưa hợp lý ở đây là trong khi chưa tăng tuổi nghỉ hưu cho nữ thì lại vội giảm mức hưởng lương hưu. Điều này dẫn đến hai người nam và nữ cùng đi học, cùng đi làm việc ở tuổi như nhau, nhưng do đặc điểm giới tính, số năm công tác của nữ đã phải ít hơn nam 5 năm (nữ về hưu 55 tuổi, nam về hưu 60 tuôi), do đó lương hưu của nữ cũng thấp hơn nam do nghỉ hưu trước 5 năm. Đặc tính giới là thế nhưng lại lấy lý do vì “ sự bình đẳng nam nữ” mà quy định tỉ lệ cộng cho mỗi năm đóng BHXH nam nữ như nhau là không hợp lý.
Chính vì thế mà bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM đã nhấn mạnh rằng: “Cần biết rằng những chính sách ưu tiên cho lao động nữ không phải nhằm tạo nên sự bất bình đẳng về giới mà do thực tế hiện nay bất bình đẳng đang có. Vì vậy, những chính sách ưu tiên cho lao động nữ cần phải tiếp tục duy trì để kéo giảm sự bất bình đẳng đó. Đến khi nào mà khoảng cách bất bình đẳng gần ngang nhau thì mới có thể bỏ sự ưu tiên ấy”.
Nhưng cứ thế này thì biết đến bao giờ để khoảng cách bất bình đẳng mới được kéo gần?.