- Thưa ông, tại sao vấn đề hôn nhân đồng tính có hệ quả pháp lý nhưng vẫn là không được thừa nhận về mặt pháp lý trong Dự thảo này?
- Thực tế, có nhiều thứ không thừa nhận về mặt pháp lý nhưng giải quyết hậu quả. Đối với vấn đề hôn nhân đồng tính cũng vậy, trong Dự thảo Luật không thừa nhận về mặt pháp lý mối quan hệ này nhưng chúng ta vẫn phải xử lý về mặt hậu quả.
- Nhưng người dân vẫn cho rằng như vậy là không thỏa đáng vì người dân được làm những gì pháp luật không cấm?
- Nói như thế thì vô cùng, vì có những điều pháp luật không cấm nhưng muốn làm thì phải xin phép như xây nhà, kinh doanh... Như vậy, trong từng lĩnh vực cụ thể không nói đơn giản được. Nếu nói “pháp luật không cấm là được làm là không đúng” nên hiểu dự thảo “không cấm hôn nhân đồng tính” là cho phép kết hôn đồng tính là không đúng. Không có chuyện đó.
- Nhưng vấn đề là khi luật không cấm mà vẫn chưa giải quyết được những vấn đề trong thực tiễn khi người đồng tính chung sống?
- Hai người đồng tính thích nhau cứ chung sống thoải mái, họ có thể coi nhau là vợ chồng là việc của họ. Về mặt xã hội thì có thể thừa nhận nhưng về mặt pháp lý không thừa nhận là sự khác nhau hoàn toàn.
- Ông có cho rằng trong tương lai Việt Nam sẽ thừa nhận vấn đề này?
- Hôn nhân đồng tính là vấn đề cực kỳ phức tạp, liên quan đến những quan niệm rường cột của hôn nhân và gia đình, nên không thể là một sớm một chiều được. Trên thế giới không có nước nào hôm nay cấm mà mai thừa nhận cả, mà luôn luôn có một quá trình.
Những nước tiên tiến như Hà Lan, Pháp đều phải qua một quá trình dài, và văn bản phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, và quan niệm về hôn nhân. Phương Tây quan niệm về hôn nhân hoàn toàn khác Việt Nam. Còn Việt Nam, như hiện tại theo tôi nghĩ đã là quá nhân đạo. Từ chỗ cấm chúng ta đến thừa nhận. Nhưng thừa nhận về quan hệ thôi, chứ không thừa nhận hôn nhân, hôn nhân tức là có đăng ký, thừa nhận thành vợ chồng thì chưa đến mức đó.
Quy định như Dự thảo là hợp lý. Hiện vẫn có hai quan điểm, một quan điểm "cứng" cho rằng đây là quan niệm tự nhiên, giữ nguyên như luật hiện hành. Thế giới có 195 nước, thì có 16 nước thừa nhận, và trong 16 nước này để thừa nhận phải trải qua hàng trăm năm.
- Tức là từ khi thừa nhận đăng ký dân sự đến cho phép kết hôn phải trải qua thời gian dài?
- Phải hàng trăm năm, tùy thuộc từng nước. Châu Áchưa có nước nào thừa nhận hôn nhân đồng tính, văn minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan cũng chưa thừa nhận. Tôi hỏi rất kỹ, người ta bảo đấy là vấn đề rất phức tạp, rất nghiêm trọng, vấn đề là tôn trọng quyền chung sống của họ, thích nhau họ được chung sống với nhau, có thể coi nhau là vợ chồng.
Điều quan trọng là chúng ta không kỳ thị, không phân biệt đối xử, không nhìn họ bằng cặp mắt khác, coi thường, mà phải hết sức tôn trọng.
Tôi nghĩ Việt Nam cần một quá trình, còn là bao nhiêu thì do sự thay đổi quan niệm, tùy thuộc vào sự phát triển kinh tế xã hội. Tôi không hy vọng lần này Quốc hội sẽ thay đổi.
- Trân trọng cảm ơn ông!