Không cấm sản xuất, hàng chục tỉ đồng vẫn 'hóa vàng' cùng vàng mã

(PLO) - Theo các chuyên gia, Nghị định 158 của Chính phủ cho phép xử phạt đốt đồ mã ở những nơi không đúng quy định, nhưng lại không quy định rõ những nơi nào không được đốt vàng mã. Nghị định 103 của Chính phủ về văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa nơi công cộng có nội dung cấm đốt vàng mã nơi công cộng nhưng lại không cấm sản xuất, vận chuyển vàng mã, nên cung và cầu vẫn “nên duyên”.
Vàng mã rải khắp đền, chùa
Vàng mã rải khắp đền, chùa

Hàng chục ngàn tỉ đồng…ra tro

Từ trước đến nay đã có nhiều bàn thảo về vấn đề này và mới đây nhất trung tuần tháng 4, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt đã phối hợp cùng Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức tọa đàm khoa học “Giải pháp và phương án quản lý nhà nước nhằm hạn chế tiêu cực trong việc đốt vàng mã, đồ mã tại di tích Đền Bà Chúa Kho, tỉnh Bắc Ninh”.

Theo PGS.TS Từ Thị Loan quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, trung bình mỗi năm có hơn 800 ngàn lượt khách thập phương đến lễ đền Bà Chúa Kho. Kết quả khảo sát của Viện cho thấy mỗi người đi lễ chi trung bình khoảng 100 ngàn đồng mua sắm đồ vàng mã. Và số tiền thật tại đền Bà Chúa Kho bị biến ra tro là… 80 tỉ đồng.

Theo các nhà nghiên cứu, mỗi năm người dân Việt Nam đốt gần 50.000 tấn vàng mã, tiêu tốn một số tiền khổng lồ. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, số tiền thật đốt cho vàng mã lên tới trên 400 tỷ đồng/năm. Cộng cả 61 tỉnh, thành khác, số tiền bị đốt ra tro lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng.

Trước số tiền “khủng” ấy, nhiều người cho rằng, đốt mã là một tội ác. Trên cả nước đang có hàng triệu người lâm vào cảnh khó khăn khốn cùng, đói cơm, thiếu áo, bệnh tật không có thuốc men, chờ chết. Hàng ngàn đứa trẻ không có đủ điều kiện để đi học. Hàng ngàn người già không có nơi nương tựa, sống lang thang cô đơn.

Ngoài lãng phí tiền của, những hệ lụy khác từ việc đốt lượng vàng mã như nạn ô nhiễm môi trường, nguy cơ gây hỏa hoạn…Thượng tọa Thích Minh Nghiêm - Ủy viên Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng nhấn mạnh, tục đốt vàng mã không phải là văn hóa dân tộc Việt và càng không phù hợp với tinh thần Phật giáo. Bởi đạo Phật là con đường của trí tuệ, giác ngộ, giải thoát, không có bóng dáng mê tín, không có sự linh thiêng trong việc đốt vàng mã.

Vàng mã chuẩn bị ra tro
Vàng mã chuẩn bị ra tro

Quy định xử phạt mơ hồ

Những năm qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chỉ đạo chấn chỉnh việc hạn chế đốt vàng mã trong hoạt động lễ hội. Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn còn đang nhức nhối. Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Bắc Ninh ông Nguyễn Văn Ảnh bộc bạch, Bắc Ninh đã rất quyết liệt để tìm giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, đối với một khía cạnh nhạy cảm, liên quan đến đời sống tâm linh tín ngưỡng như đốt vàng mã hay tâm lý “vay, trả” vốn ăn sâu vào tiềm thức người dân khi đến lễ đền Bà Chúa Kho thì quả thực, một giải pháp hiệu quả là vô cùng khó khăn.

Không riêng Bắc Ninh, nhiều nơi khác thấy khó vì ngoài vấn đề tâm linh, hiện không có văn bản nào cấm đốt vàng mã. Đến xử phạt đốt vàng mã cũng gần như vô hiệu, bởi quy định chỉ cho phạt khi đốt không đúng nơi quy định. Nghị định 103 của Chính phủ về văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa nơi công cộng có nội dung cấm đốt vàng mã nơi công cộng nhưng lại không cấm sản xuất, vận chuyển vàng mã nên cung và cầu vẫn “nên duyên”.

Đến Nghị định 158, Chính phủ cho phép xử phạt đốt đồ mã ở những nơi không đúng quy định, nhưng lại không quy định rõ những nơi nào không được đốt vàng mã. Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, ông Phạm Xuân Phúc từng than, xử phạt đốt vàng mã khó như lên trời.

Bà Từ Thị Loan cũng nêu ra khó khăn khi xây dựng đề án này là đề ra quy chế, thông tư nhưng thực thi như thế nào cho hiệu quả. Bởi đây là vấn đề tâm linh nếu làm không cẩn thận sẽ phản tác dụng. Ngoài ra, đề án này phải được xây dựng với sự phối hợp liên ngành: Công Thương, Công an, Ban tôn giáo. Trong khi Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chỉ được giao phần ngọn, được xử lý hành vi ứng xử ở nơi sử dụng vàng mã. Còn quá trình vận chuyển, sản xuất, lưu thông đồ vàng, mã lại không có bộ, ban ngành liên quan nào được giao quản lý, xử lý...

Theo các nhà nghiên cứu, để xử lý tận gốc nạn đốt vàng mã, ngoài việc tuyên truyền cho người dân về sự lãng phí và ảnh hưởng tới môi trường, các cơ quan chức năng cần làm rõ quy định trách nhiệm của ban tổ chức lễ hội, ban quản lý di tích. Ban quản lý lễ hội, Ban quản lý di tích phải có quy định rõ ràng về việc không được đốt vàng mã tràn lan, bừa bãi; đồng thời phải thường trực bám sát, nhắc nhở xử lý những trường hợp vi phạm. Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh, đốt vàng mã trên địa bàn, tại khu di tích.

Đốt vàng mã chỉ để đánh lừa tâm thức

Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt cho hay, bản chất của việc đốt vàng mã bị biến tướng đi bởi những người có hành vi vụ lợi. Nếu cho rằng việc đốt vàng mã làm người sống cảm thấy trong lòng thanh thản hơn, an lạc hơn thì chỉ là cách đánh lừa tâm thức.

Đọc thêm