Không chỉ chuyện “Nhà Lang“

(PLO) - Vào cuối năm 2013, ngôi nhà Lang lâu đời nhất cuối cùng tại Hoà Bình đã bị cháy bởi sự thiếu ý thức của một nhóm khách tham quan đã khiến dư luận bàng hoàng, xót xa trước một di sản đã mất không thể lấy lại được… Những ngày này, câu chuyện chung tay phục dựng ngôi nhà 130 tuổi chỉ còn lại những chiếc cột đang truyền đi thông điệp của nó về những hành xử thô thiển với di sản của không ít người…
Ảnh trong bài: Nhà Lang sẽ kể tiếp câu chuyện của nó
Ảnh trong bài: Nhà Lang sẽ kể tiếp câu chuyện của nó
Bật khóc khi ngôi nhà thành tro bụi
Ngôi nhà lang tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường được xây dựng từ ý tưởng của họa sĩ Vũ Đức Hiếu. Tuy làm việc và sinh sống tại Hà Nội nhưng Hiếu lại có niềm đam mê cháy bỏng với văn hóa Mường. Điều đó thôi thúc anh một mình lặn lội “chín châu, mười Mường” đi khắp các xứ Bi, Vang, Thàng, Động (4 xứ Mường nổi tiếng Hòa Bình xưa), âm thầm cắm cúi sưu tầm, gom nhặt, ghi chép, cất giữ. Cái tên Hiếu Mường cũng gắn bó với anh từ đó…
Tối 24/10/2013, một nhóm du khách (gồm 2 nam, 2 nữ) đến thăm bảo tàng (cơ quan công an xác minh đó là 4 cán bộ, công chức của tỉnh Hòa Bình) đã nướng ngô bùng lên ngọn lửa trong nhà, thiêu rụi ngôi nhà Lang hàng trăm năm tuổi, tàn phá gần 200 hiện vật nguyên bản của nền văn hóa Mường như bộ cồng chiêng, bộ sưu tập súng săn, đồ đồng sinh hoạt… Cho tới nay, cơ quan chức năng đã tạm đình chỉ điều tra vụ án liên quan đến vụ hỏa hoạn nhưng chưa có kết luận cuối cùng.
Vũ Đức Hiếu cho biết, anh rất buồn vì ngôi nhà Lang bị cháy không chỉ là một tài sản mà còn là một di sản có giá trị lịch sử, được lưu giữ qua nhiều thế hệ. “Ngôi nhà Lang cháy rụi khiến khoảng 200 cổ vật khác của văn hóa Mường được tôi tìm kiếm, sưu tầm gần 20 năm nay cũng thành tro bụi. Người ta có thể mô phỏng và phục dựng giống với hình dạng các cổ vật nhưng giá trị văn hóa của chúng làm sao so sánh được với những cổ vật thật sự, không thể tái hiện được nữa?” .
Nhà Lang là nơi cư ngụ của quan Lang, chức vị cao nhất trong cộng đồng người Mường. Nhà Lang được truyền lại theo hình thức cha truyền con nối theo tính kế thừa huyết thống của các quan Lang. Ngôi nhà Lang bị cháy tại Bảo tàng Không gian Mường là ngôi nhà Lang trên trăm tuổi cuối cùng tại Hòa Bình. Trước đây nó thuộc sở hữu của gia đình mế Hà Thị Lợi ở Mường Chậm (Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình).
Mế Lợi đã mất cách đây bốn năm vì tuổi già. Trước sự việc đau lòng này, con trai mế Lợi là ông Hà Công Tiêu, khi được báo tin vụ cháy, đã bật khóc vì biết bao kỷ niệm của gia đình ông trong ngôi nhà Lang ấy đã thành tro bụi. 
“Tôi buồn lắm khi nghe nhà Lang cháy và có đề nghị anh Vũ Đức Hiếu giữ lại cho tôi số tro tàn từ vụ cháy. Gia đình tôi đồng ý để Bảo tàng Không gian văn hóa Mường gìn giữ ngôi nhà Lang ấy vì mục đích bảo tồn văn hóa lâu dài để con cháu người Mường nhớ về truyền thống và du khách xa gần biết đến. Giờ Nhà Lang cháy rồi thì phải tìm cho được thủ phạm để xét xử theo pháp luật chứ!”.
Cực chẳng đã
Gần 2 năm sau buổi tối định mệnh, những người gây dựng bảo tàng vẫn nỗ lực không ngừng để kể tiếp câu chuyện Nhà Lang. Hiếu Mường cho biết, từ những mảnh đồng, mảnh sành hay những gì còn sót lại, bảo tàng đã dựng lại một không gian ngay bên cạnh Nhà Lang giới thiệu những sáng tác nghệ thuật để mọi người có một bài học ứng xử với các di sản văn hóa. 
Điều may mắn là trước đó, Bảo tàng cũng đã tư liệu hóa tất cả các hiện vật trong Nhà Lang và đây chính là công cụ để phục dựng lại di sản này. Dự kiến kinh phí xã hội hóa để phục dựng Nhà Lang vào khoảng 600 triệu đồng. Ngoài việc huy động kinh phí, đến thời điểm này, có nhiều phương án phục dựng khả thi được đưa ra. 
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, có 2 phương án, một là có thể đi tìm một Nhà Lang thuộc vùng khác còn nguyên bản để dựng thay thế vào vị trí Nhà Lang bị cháy. Phương án này đòi hỏi nhiều nghiên cứu và nỗ lực tìm kiếm kỳ công. Thứ hai là phục dựng dựa trên nền móng cũ. 
Không chỉ quý trọng ngôi nhà Lang cổ hay cá nhân Hiếu, mọi người đều cảm thông với nỗi ấm ức của anh, khi mà sau gần 2 năm, Hiếu Mường vẫn không hề nhận được chút đền bù nào từ nhóm người gây hỏa hoạn. 
Hoạ sỹ Thành Chương bày tỏ: “Dựng lại Nhà Lang không còn là việc riêng của Hiếu nữa. Đó là mong mỏi của chúng ta, để đáp lại cái cách mà người ta đối xử với bảo tàng tư nhân, với văn hóa dân tộc trong câu chuyện này”. Ông khẳng định: “Để xây dựng những bảo tàng có giá trị phải lọ mọ, cặm cụi gom nhặt từng tí. Tiền bạc đổ hết vào đó. Giờ nó cháy, số tiền bỏ ra để làm quá lớn so với khả năng của anh Hiếu. Vì thế, việc vận động sự hỗ trợ của mọi người, của cộng đồng là cực chẳng đã”.
Trước sự việc này, ông Dương Trung Quốc cũng băn khoăn rất nhiều về cách ứng xử của cấp quản lí khi quyết định tạm dừng điều tra hình sự vì không xác định được thủ phạm. Tuy nhiên, ông chia sẻ với những khó khăn của anh Hiếu khi đang ở trên địa bàn tỉnh Hòa Bình phải giữ được mối quan hệ thân thiện để tiếp tục duy trì bảo tàng tư nhân về dân tộc Mường đầu tiên của anh.
Ông Dương Trung Quốc cũng cho rằng: Cần tận dụng lại tối đa những gì còn sót lại của ngôi nhà Lang. Bởi khi ấy, chúng ta không xóa sổ ngôi nhà đã cháy, mà lưu giữ nó dưới một phiên bản khác để gìn giữ phần hồn còn lại. Bản thân câu chuyện Nhà Lang bị cháy làm dày nên truyền thống của Nhà Lang. Cần phải dựng lại tối đa nguyên bản. Có thể nhiều người sẽ thú vị trước những biến cố của Nhà Lang. Bởi theo ông: “Sau này, quanh ngôi nhà sẽ có rất nhiều câu chuyện để kể về lịch sử của nó, về đám cháy, về sự nhiệt tình và tâm huyết của họa sĩ Vũ Đức Hiếu, cũng như của cộng đồng những người ủng hộ anh”. 
Việc phục dựng Nhà Lang tại đúng vị trí cũ, bằng những nguyên vật liệu truyền thống địa phương, do chính những người thợ đồng bào Mường lắp dựng theo kỹ thuật thủ công truyền thống là hoàn toàn có thể khi có… kinh phí. 
Để nguyện vọng hồi sinh được thành hình trên tro than, đổ vỡ. Để Nhà Lang trở lại, tiếp nối âm hưởng văn hóa những trăm năm xưa và đồng hành cùng hiện tại. Để niềm tin vào lòng trân trọng của cuộc sống trước di sản tiền nhân, vẫn được giữ gìn, lan tỏa không ngừng. 
Và chúng ta đang “tệ” với di sản
Có thể nói, hàng trăm năm trước, ngôi nhà Lang đã hoàn thành tốt nghĩa vụ là ngôi nhà chở che cho những người sống trong nó. Những năm sau đó, ngôi nhà gánh nghĩa vụ là biểu tượng của một cộng đồng dân tộc anh em, một hiện vật lý tưởng để nghiên cứu. Rồi đến khi mồi lửa bùng lên và thiêu trụi nó, ngôi nhà cũng kết thúc sứ mệnh của mình bằng một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ tới những người đã đi qua nó, nghe về nó, nhưng vẫn luôn chỉ coi nó là một điểm dừng chân bình thường trong những chuyến phượt. 
Dẫu cho việc cháy Nhà Lang không do những nhóm phượt, nhưng khi đến bất cứ di tích nào, chúng ta cũng gặp những dấu tích đau lòng thế này: “Nhóm abc đã đến chỗ này”, “Xyz mãi bên nhau ở đây”... đó là những dòng chữ khắc xuất hiện thường xuyên trên bãi đá cổ Sa Pa (Lào Cai), ngôi nhà của Vua Mèo Vương Chí Sình (Hà Giang), một vài cung điện ở Huế,... 
Và nói như nỗi đau xót tới bi hài của nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng thì ngay ở di tích  Bút Tháp (Bắc Ninh) quê ông la liệt những “thề nguyền son sắt” của các cô cậu học sinh, sinh viên trên bức tường 120m2 thế này: “Anh yêu em”, “Không lấy được Lan chắc chết…”…
Trở lại câu chuyện Nhà Lang, dù chưa có phương án cụ thể, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng việc huy động sức mạnh cộng đồng này nhằm đạt đến cái đích cao hơn: “Trong vòng mấy chục năm qua, chúng ta công đức rất nhiều nhưng chủ yếu dành cho đền chùa, tâm linh. Cuộc vận động này có thể giúp đánh động xã hội có ý thức bảo tồn, giữ gìn, phục hồi giá trị di sản, văn hóa phi vật thể hơn nữa”.
Chia sẻ về việc cư xử tệ với di sản văn hoá, với “chảy máu” cổ vật, họa sĩ Thành Chương cho biết: “Một nhà sàn của Việt Phủ Thành Chương cũng từng bị cháy rụi chỉ vì những du khách hút thuốc lá không chịu cho mẩu thuốc vào cái gạt tàn mà vứt ngay lên sàn. Nhà sàn thì nhiều vật liệu dễ cháy”. 
Và cũng chính tay họa sĩ nhặt từng mẩu thuốc của du khách thiếu ý thức vứt lung tung và ông cũng nhắc nhở tương đối gay gắt với họ về ý thức nơi công cộng. Rồi nữa, chính ông đã từng chứng kiến, có người đã từng mua bằng được một chiếc thạp cổ với hoa văn vô cùng tinh xảo, độc đáo. 
Thế nhưng, khi có cổ vật trong tay, người đó lại đập đi, xuống Bát Tràng thửa ngay một chiếc thạp mới… y hệt bản gốc. Điều này cũng đau xót như người ta sẵn sàng đập thành cổ Sơn Tây để… xây thành mới sáng choang (?!)… Bởi cái mới bao giờ cũng long lanh hơn nhưng hồn cốt thì đã ở một nơi nào xa lắm…
Hoạ sỹ Thành Chương mong muốn, chuyện Nhà Lang sẽ còn được kể tiếp...  Cùng với họa sĩ Thành Chương, một số họa sĩ và nhiếp ảnh gia khác đã đăng kí sẽ ủng hộ tác phẩm để tham gia các hoạt động gây quỹ hồi sinh Nhà Lang trong thời gian tới như tổ chức triển lãm hoặc bán đấu giá tranh ảnh.
Ngày 9/5, hoạt động đầu tiên gây quỹ “tái sinh” Nhà Lang bắt đầu với buổi trình diễn thời trang kết hợp triển lãm sắp đặt tại Module 7 (83 Xuân Diệu, Hà Nội)…
Nhà nghiên cứu văn hóa Mường Bùi Huy Vọng cho biết: “Lang là thủ lĩnh cộng đồng của người Mường. Vị thủ lĩnh này hướng dẫn con dân của mình trong sản xuất, nâng cao duy trì đời sống. Dân khi hết cái ăn thì Lang phải bỏ của ra để nuôi dân. Nhà Lang được xây dựng với những quy định ngặt nghèo. Nhà dân thường dù có giàu đến mấy cũng không được xây dựng như vậy”. 
Năm 1954, chế độ Nhà Lang kết thúc. Ngôi nhà Lang cuối cùng còn sót lại này là một công trình kiến trúc nguyên bản, được làm bằng những loại gỗ đặc biệt quý hiếm và được đưa về Bảo tàng Không gian văn hoá Mường từ năm 2007. 

Đọc thêm