Dấu tích Chăm Pa sót lại ở Hà Nội
Bước chân vào làng Phú Gia, khách sẽ thấy ngay đầu làng là cụm di tích đình Phú Gia, chùa Bà Già, miếu Lục Tôn. Mặc dù đã trùng tu nhiều lần, lối kiến trúc nghệ thuật ở nơi đây vẫn thể hiện rõ sự giao thoa mạnh mẽ của văn hóa Chăm – Việt hàng ngàn năm trước.
Chúng tôi may mắn có dịp gặp các bậc cao niên thuộc Ban quản lý di tích. Ông Quách Ngọc Phong cho biết: “Khác với các ngôi đình cổ Việt Nam thường làm theo hình chữ “Nhất”, chữ “Tam”, đình Phú Gia đặc biệt được xây theo kiểu chữ “Đinh” theo lối “nội Công, ngoại Quốc”. Ví như đình được xây theo kiểu chữ “Nhất” thì đình chỉ có một tòa đại đình. Còn “nội Công, ngoại Quốc” có nghĩa là kiến trúc có hai hành lang dài nối liền nhà tiền đường ở phía trước với nhà hậu đường ở phía sau làm thành một khung chữ nhật. Kiểu nhà này phía trong có hình chữ Công, còn phía ngoài có khung bao quanh như ở chữ Quốc trong tiếng Hán”.
Cho biết thêm về lối kiến trúc độc đáo, ông Phong nói: “Năm ngoái tôi đọc trên mạng, có người nói về đình Phú Gia có cổng đình rất to. Thực ra phải gọi đó là “cửa Nghè”. Vì phải là những làng có văn hóa đặc biệt, người ta mới xây cửa Nghè”.
Nói về di tích Chăm, ông Hy Phú, một bậc cao niên trong làng cho biết: “Ngoài tên “Bà Già” và hai dòng họ cổ có nguồn gốc từ người Chăm là họ Hy và họ Công, Phú Gia hiện còn một pho tượng Hộ pháp cổ mang phong cách Chăm ở bàn Thánh hiền của chùa. Chùa Bà Già hiện cũng lưu giữ bức hoành phi có khắc chữ hán “Bà Già tự” và tấm bia cổ có từ năm 1638”.
Trong đình chùa hiện còn có đôi phỗng đá sa thạch mặc áo đỏ có nét đặc trưng của người Chăm. Ngay ở cửa Nghè, mọi người có thể thấy hai pho tượng đó. Đôi phỗng đá được làm bằng đá sa thạch, chiều cao 1m. Đầu tượng có búi tóc, bụng phệ, mặt vuông. Mắt nhìn thẳng, trán ngắn, mũi to, má bạnh, môi dày và đang mỉm cười hồn hậu. Dáng dấp tròn bầu của tượng được nhận định là điển hình của văn hóa Chăm ngày xưa. Ông Hy Phú chia sẻ: “Hai pho tượng đó không biết các cụ đem ở đâu về. Nhưng ngày xưa, pho tượng được đặt ở đầu hai cái cầu trên con mương để người dân đi qua đi lại”.
Tại đình Phú Gia hiện nay, nhiều đồ thờ có giá trị về mặt lịch sử và nghệ thuật vẫn được các bậc cao niên lưu giữ cẩn thận. Đáng chú ý là hai cuốn thần phả bằng chữ Hán ghi công tích của thần Khai Nguyên và các đạo sắc phong. Thêm vào đó là các di tích cổ như đôi hạc, đôi lân, đôi kim kê và tấm bài vị thời Mạc.
Tượng phỗng |
Sắc phong cổ được nhặt bởi bà bán xôi
Nằm trước tam quan chùa Bà Già cổ kính, theo lối kiến trúc “tiền Thánh hậu Phật”, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, qua 2 cuộc tàn phá của chiến tranh, đình không còn giữ được cấu trúc như ban đầu. Năm 1995 đình được công nhận Di tích quốc gia và được trùng tu lớn nhân dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng trước đó, chỉ vì cho rằng Thành hoàng làng là vị thần ngoại lai mà di tích đã bị người ngoài tàn phá nặng nề.
Ông Phong cho biết: “Quá trình trùng tu gặp phải rất nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên là tư duy cũ của thế hệ trước. Đây là một ngôi đình rất đẹp và cổ, tuy nhiên chỉ vì hiểu nhầm mà đình bị phá đi nhiều. Tôi cho rằng lỗi là do sự hiểu nhầm mà thôi.
Việc này bắt nguồn từ một tích xa xưa. Đó là khi nhà Đường đô hộ nước ta, có một khoảng thời gian đình bị xâm lược. Một vị tướng Tàu có tên là Lư Anh đã đóng quân tại đây. Ông muốn xây dựng nhiều công trình nhưng không làm được. Một đêm ông nằm mộng thấy một người đường bệ, áo mũ chỉnh tề, vị thần nói ông phải tu nhân tích đức đi. Thế rồi, Lư Anh chăm lo cho đời sống nhân dân, nhân hậu, từ bi với dân chúng, việc xây dựng nhà cửa đều thuận lợi. Thấy vị thần linh thiêng, ông phong cho thổ thần ấy là thần Khai Nguyên.
Vào thời chiến tranh biên giới, mọi người đồn đại đình thờ thần Tàu nên đã phá đi. Các cụ trong làng có ý thức muốn gìn giữ văn hóa đã đem giấu đồ thờ tự vào trong nhà thờ. Thực chất, thần Khai Nguyên mà chúng tôi thờ tự là một vị tướng thời Hùng Vương thứ 6. Tên húy của ông là Nhự, còn gọi là thần Già La - một vị Tối linh Thượng đẳng thần. Ông có công đánh giặc Ân giữ nước, trị nạn hồng thủy, đem lại bình yên cho dân làng nên được suy tôn là Thành hoàng làng, chứ không phải là ông tướng Tàu.
Sang đến đầu thời Nguyễn, do bãi sông Hồng bị sạt lở, cư dân sau một thời gian ly tán đã trở về bắt tay vào xây dựng lại vào năm 1258 để ghi nhớ công đức của thần dựa trên tờ quy ước và thần tích cổ trong đình, thống nhất đặt tên là đình Phú Gia. Đến thời kì đổi mới, khi mọi người mong muốn tìm về cội nguồn, sử sách, các đồ thờ tự được đem trở lại đình”.
Tiếp chuyện, ông Hy Phú hào hứng kể thêm: “Xuất phát từ thần Nhự, có tục lệ trong làng như thế này: Trên đường đi đánh giặc Ân, thần Nhự bị giặc chém vào cổ, đầu ngả về một bên nhưng vẫn phi ngựa về làng. Đến đoạn vườn Hồng tại ngã ba Nhật Tân có một quán hàng nước, ngài bèn hỏi bà hàng nước: “Cổ tôi thế nay liệu còn sống được không?”.
Bà hàng nước xem và trả lời: “Ngài có là người nhà trời mới sống được!”. Sau đó ngài phi ngựa đi được một quãng, về đến đầu làng Phú Gia thì chết. Sau khi chết, dân làng Phú Gia lập đền thờ để ghi nhớ công lao. Dân làng không được nói chữ “chết” mà phải nói chệch đi thành chữ “chít”. Giờ đi đâu nghe ai bảo “chít tôi rồi” thì đích thị là người làng Phú Gia. Hiện tại chúng tôi vẫn nói như thế”.
Lại nói thêm, còn có một câu chuyện dở khóc, dở cười về công cuộc cứu các di tích cổ ở đình Phú Gia. Ông Phong kể: “Đáng lẽ các sắc phong cổ đã mất từ lâu. Có một dạo đình bị trộm lẻn vào.Các sắc phong được đựng trong các ống đồng cổ. Nghĩ ống đồng dễ bê lại bán được tiền, chúng mới lấy trộm. Bên trong là mấy tờ giấy cũ nát trộm vứt đi. Chua xót thay, một bà bán xôi thấy mấy tờ giấy đã giữ lại để bọc xôi, có bô lão nhận ra đã đem về đình.
Từ những sắc phong đó, ta nghiên cứu ra rất nhiều sử tích về làng. Nếu nói về giá trị, những sắc phong đó không tiền bạc nào có thể mua được. May thay trộm chỉ biết đến tiền bạc thôi, chứ nếu lấy bán giấy vụn thì chúng tôi đã mất đi một kho sử vô giá”. Hiện nay, đình lưu giữ 25 sắc phong từ các thời Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Các bản được treo trong đình được phô tô lại, còn bản chính được cất giữ cẩn thận.
Để tưởng nhớ công ơn của thần Khai Nguyên, theo lệ hàng năm vào mùng 8/1 (âm lịch), dân làng Phú Gia lại mở hội để tưởng nhớ tới ngài. Lễ hội bao gồm Lễ tế thần, dâng hương rước kiệu, thổi xôi, ca hát, đấu võ, chọi gà… Lễ mở cửa bắt đầu từ sáng sớm ngày 8/1, các cụ ông trong đội tế lễ làm lễ Bao Sái (lau tượng).
Nhân ngày giỗ Tổ, phóng viên được nghe các bậc cao niên tụ họp tại đình bàn chuyện xưa, các cụ trải lòng: “So với các làng khác ven hồ Tây, làng Phú Gia có nét riêng biệt hơn cả vì lưu giữ gốc tích của người Chăm từ ngàn đời trước. Nhưng ngày nay có mấy người quan tâm tới các giá trị truyền thống? Dấu tích cổ có giữ được, nếu không được thế hệ trẻ tiếp nhận và tìm hiểu cũng sẽ trở thành “nhà kho” mà thôi”./.