Không chỉ là mạng… ảo

(PLVN) - Không thể phủ nhận, thời 4.0 - Facebook (FB), Zalo, Lotus... đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền, quốc gia, làm các mối quan hệ trở nên gần gũi, và trong những ngày bão lũ chồng chất tang thương này… những nỗi đau, những mất mát về người và của có thể chạm tới trái tim tất cả chúng ta. Trong cuộc “hòa mạng” chung đó, hoạt động nhân đạo, từ thiện có hiệu ứng tức thời vô cùng tích cực… 
Nghệ sỹ Quyền Linh ngỡ ngàng vì thu hơn 2 tỷ sau một giờ livestream.

Nhận được tiền tỷ sau vài giờ kêu gọi

Trong lúc hoạn nạn vì dịch bệnh, thiên tai, người Việt Nam đã sát cánh bên nhau, khẳng định tinh thần đoàn kết, đùm bọc, tương thân tương ái. Nếu như hơn 10 năm trước, vào những thời khắc khó khăn, sự sẻ chia của người Việt chủ yếu qua các tổ chức xã hội, đoàn thể quyên góp tài trợ qua thư tay kêu gọi và quyên góp trực tiếp.

Sau đó tiền, hàng được chuyển đi có thực sự hiệu quả hay không, chúng ta không thể “nhìn thấy” qua các hình thức như livestriem, chụp ảnh đăng facebook như hiện nay. Thế nên, những năm gần đây, qua các trang facebook, zalo… việc thiện nguyện đã trở thành một nghĩa cử thường xuyên như một mệnh lệnh bản năng từ tâm của rất nhiều cá nhân và những tổ chức nhỏ, tất cả những ai có lượng người theo dõi lớn, có hoạt động tích cực trên cộng đồng mạng đều có thể mau chóng kêu gọi tài trợ và những bàn tay chìa ra tức thì với người hoạn nạn kịp thời hơn bao giờ hết.

Và ở góc độ gây quỹ thời 4.0 của các tổ chức chính thống cũng có những con số “biết nói”. Theo thống kê ban đầu, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, chỉ trong một thời gian ngắn, tổng đài 1400 thuộc Cổng thông tin nhân đạo điện tử quốc gia đã tiếp nhận gần 2,6 triệu tin nhắn, tương ứng với số tiền quyên góp lên đến hơn 150 tỷ đồng.

Tại TP Hồ Chí Minh, đến ngày 13/5, Ban vận động Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố đã tiếp nhận tổng cộng số tiền và hàng hóa ủng hộ trị giá hơn 180 tỷ đồng từ 6.861 đơn vị, cá nhân…

Với các cá nhân, rõ nét nhất là hình ảnh các nghệ sỹ kêu gọi quyên góp nhanh và thần tốc qua các trang cá nhân của mình, họ có thể kêu gọi tiền tỷ trong một giờ. Dù nhiều nghệ sĩ đứng ra kêu gọi quyên góp tiền từ thiện cho miền Trung nhưng Thủy Tiên đến thời điểm này đã đạt kỷ lục, lần thứ hai trở lại miền trung, số tiền cô nhận được đã là 150 tỉ đồng.

Sự công khai, minh bạch, trách nhiệm khi nhận tiền từ thiện và giúp đúng người, đúng thời điểm là những lý do khiến ngày càng có nhiều người đóng góp vào quỹ từ thiện của Thủy Tiên. Trước đó, hồi tháng 3, với hơn 14 tỷ đồng kêu gọi được, cô giúp bà con miền Tây lắp 29 trạm lọc, cấp nước cho vài trăm nghìn hộ dân.

Trấn Thành kêu gọi 8,7 tỷ đồng sau ba ngày kêu gọi, trong đó có 300 triệu đồng tiền mặt của anh. Số tiền quyên góp được, Trấn Thành gửi MC Đại Nghĩa, Thủy Tiên và mẹ Hồ Ngọc Hà giúp bà con miền Trung vì bận ghi hình phim mới cho kịp Tết Nguyên Đán. Cụ thể, anh gửi Đại Nghĩa 3 tỷ đồng mua xuồng cứu hộ, thức ăn, nước sạch, giúp đỡ người dân Quảng Bình. Anh chuyển cho mẹ Hồ Ngọc Hà 1 tỷ đồng.

Toàn bộ số tiền còn lại, anh gửi Thủy Tiên cứu trợ bà con những khu vực chịu ảnh hưởng nặng bởi lũ lụt. Nói về lý do lựa chọn ba người này để gửi lại số tiền đã kêu gọi, Trấn Thành nói: “Ai là người làm từ thiện chuyên nghiệp nhất trong mùa lũ năm nay? Không ai khác là ba “ứng cử viên” xuất sắc của làng nghệ thuật: Đại Nghĩa, Thuỷ Tiên và một nhân vật mới toanh là mẹ ruột của ca sĩ Hồ Ngọc Hà - cô Ngọc Hương.

Sở dĩ em chọn 3 người này vì họ là những người tình nguyện xuống tận nơi, trao tận tay bà con. Anh Nghĩa với Thủy Tiên quý vị biết rồi, hai người này đang là quán quân với á quân của mùa lũ năm nay. Còn riêng cô Ngọc Hương, sở dĩ Trấn Thành chọn để gửi tiền cho cô là vì quê cô ở miền Trung, cô là người chuyên đi làm thiện nguyện, và có trong tay rất nhiều, thậm chí là chi tiết những hộ nghèo ở dưới đó”.

Chưa đầy 1 giờ đăng livestream kêu gọi quyên góp, MC Quyền Linh đã nhận được 2,3 tỷ đồng, trong đó, một mạnh thường quân còn chuyển khoản nóng 1 tỷ 434 triệu đồng để cứu trợ bà con miền Trung, khiến MC Quyền Linh không khỏi ngỡ ngàng.

Trước diễn biến mưa bão phức tạp đang đe dọa cuộc sống của đồng bào miền Trung, mới đây, NSƯT Hoài Linh đã bắt đầu chiến dịch quyên góp ủng hộ miền Trung vào đêm 20/10. Cụ thể, NSƯT Hoài Linh làm thơ kêu gọi: “Tôi đây cần lắm những bàn tay/ Góp sức miền Trung lúc ngặt này/ Công đức ơn Trên đà thấu tỏ/ Ban cho quý vị nhiều điều may”.

Khởi điểm cho đợt cứu trợ đồng bào miền Trung cùng NSƯT Hoài Linh là 1.000 thùng mì do một công ty trao tặng. NSƯT Hoài Linh cho biết chính anh sẽ trực tiếp đi trao quà từ thiện cho bà con các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Sau vài giờ kêu gọi, số tiền nhận được đã lên đến con số tiền tỉ đồng.

Trước khi gây quỹ ủng hộ miền Trung, NSƯT Hoài Linh còn tham gia đêm nhạc ủng hộ Quảng Nam - Đà Nẵng chống dịch Covid-19. Bài thơ của anh sáng tác đã được bán đấu giá để thu về 700 triệu đồng…

Cùng với đó, chúng ta luôn gặp những thông tin thiện nguyện ấm lòng. Trên trang cá nhân, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ cũng lên tiếng sẽ gây Quỹ để nhận đỡ đầu khoảng 20 em bé bị mất cha mẹ trong bão lũ ở Tà leng (Quảng Nam).

Anh viết: “Thực sự thì tôi không thể cầm lòng được khi nhìn thấy cảnh những đứa trẻ, sau một trận mưa lớn, các em chạy thoát thân và khi trở về, ngôi nhà của các em đã bị đất đá san phẳng và bố mẹ của các em đã nằm lại dưới đống đổ nát ấy. Cuộc sống bình thường của các em đã bị đổ nát và nếu không có sự giúp đỡ của chúng ta, tương lai của các em cũng có thể đổ từ đây.

Bao nhiêu năm lăn lộn với miền Trung, tôi hiểu thế nào là bão tố, hiểu thế nào là mưa lũ, hiểu thế nào là những phận người bấp bênh ở đó những khi bão lũ xảy đến. 5 năm qua tôi thành lập Quỹ Bò, mang bò giống đến cho người dân sau bão lũ để giúp họ một tay tái thiết cuộc sống. Hơn 200 con bò đã được trao sau khi khảo sát kỹ càng và cuộc sống của người dân cũng có nhiều biến chuyển.

Chính vì thế, từ nay, Quỹ Bò của tôi sẽ được chuyển thành Quỹ Chữa Lành. Tôi muốn dùng những chân tình thiện nguyện của tôi và các bạn, cùng giúp những đứa trẻ tội nghiệp phần nào chữa lành những thương tổn mà thiên tai và số phận đã gây ra cho các con. Năm nay, tôi sẽ nhận tầm 20 em để đỡ đầu”....

Trên trang cá nhân, cô giáo Chung Lê ( ĐH Sư phạm Hà Nội) thông tin: Sau khi đăng bài về “Phiên chợ áo dài 0 đồng” cho các cô giáo ở huyện Hải Lăng, Quảng Trị, mình nhận được rất nhiều tin nhắn từ bạn bè muốn chung tay ủng hộ. Do đó, nhóm “Vì ta cần nhau “ quyết định khởi động chương trình tặng áo dài cho 10 ngàn cô giáo miền Trung nhân dịp 20/11.

Với yêu cầu áo tặng phải còn mới, sạch sẽ, không bị ố, bẩn hay sứt chỉ. Áo chưa mặc lần nào càng tốt. Áo tặng phải đi kèm với quần. Nếu có thêm khăn quàng nữa càng đẹp. Mỗi bộ được đóng riêng từng túi ni lông, ghi rõ chiều cao, cân nặng, vòng eo (mới bổ sung) để áo đến tay đúng người cần nó. 

Các cụ có câu: “Của cho không bằng cách cho”. Sẽ thật ý nghĩa nếu bạn gửi thêm một tấm thiệp hoặc lời nhắn trong mỗi bộ áo dài. Hãy để cho các cô giáo miền Trung cảm nhận được sự chia sẻ ấm áp từ món quà này, cô Chung viết…

Và những “góc khuất” núp bóng mạng xã hội

Mặc dù từ đầu năm đến nay, Việt Nam liên tục phải đối mặt với những thách thức, khó khăn không nhỏ. Trong bối cảnh đó, bên cạnh các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội của Chính phủ, sự nhập cuộc của các nhà hảo tâm trên cả nước đã mang đến nhiều hiệu quả tích cực. Thế nhưng, cùng với những nghĩa cử cao đẹp, đã và đang xuất hiện không ít hình ảnh, hành vi phản cảm, tiêu cực nhân danh hoạt động quyên góp, từ thiện, dù không phổ biến.

Thủ đoạn quen thuộc thường được kẻ gian sử dụng là giả mạo website, tổng đài, thư điện tử với nội dung quyên góp từ thiện nhằm chiếm đoạt tài sản, ăn cắp thông tin... từ những người nhẹ dạ. Bên cạnh đó, một số đối tượng lại núp bóng mạng xã hội giả danh các tổ chức “từ thiện thật” để trục lợi.  Chưa kể, thiên tai và dịch bệnh cũng là cơ hội để một số người lười lao động, ỷ lại vào lòng tốt từ các nhà hảo tâm ra sức lợi dụng.

Dù không thực sự khó khăn nhưng một số người vẫn xông vào nơi phát đồ từ thiện để tranh thủ giành giật, vơ vét. Cá biệt, một số đối tượng còn bịa đặt về hoàn cảnh sống của mình bằng cách dùng hình ảnh người khác đăng tải lên mạng xã hội kêu gọi lòng thương từ những nhà hảo tâm. 

Và dù hiện nay, mạng xã hội đã kết nối rộng rãi nhưng lý do hạn chế các nhà hảo tâm chủ yếu vì lo ngại về tính công khai, minh bạch, chưa trúng đối tượng cần đến. Có thể nói, trong thời đại bùng nổ thông tin dễ dàng như hiện nay, nếu chính quyền ở cơ sở minh bạch thông tin, công khai danh sách những trường hợp cần được cứu trợ trên những website công cộng, thì sẽ rất dễ dàng cho cả người đi cứu trợ, và người cần cứu trợ, lại giúp cho người dân sở tại kiểm soát sự công tâm của cán bộ nhà nước tại cơ sở.

Mỗi huyện lập nên một website công khai, nếu là .gov thì rất tốt, hạn chế bị lừa đảo lợi dụng. Trên đó sẽ có danh sách các địa điểm cần cứu trợ. Tại mỗi địa điểm, có danh sách các vật dụng cần cứu trợ, danh sách các gia đình hoặc tên họ từng người dân cần được cứu trợ, họ cần cái gì. Các đoàn cứu trợ tự phát đăng kí giúp cụ thể trường hợp nào, giúp cái gì (tiền, vật dụng...), cụ thể bao nhiêu. Tất cả đều công khai, tiện cho việc kiểm soát…

“Đơn cử, nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phan Anh,… trong những hoạt động quyên góp cho một biến cố gì đó, họ thông báo thẳng số tiền, danh tính người ủng hộ. Họ cấp số tài khoản của người sắp nhận cho những người ủng hộ. Tiền chảy từ trái tim đến trái tim, ít khả năng thất thoát”, một trang facebook chia sẻ…

Đọc thêm