Cách ứng xử này hẳn là biểu hiện một thái độ bất hợp tác và bị sự tức giận chi phối, gây bất ngờ cho nhiều người, kể cả Hội đồng xét xử. Tuy nhiên, diễn biến tiếp theo lại gây bất ngờ nhiều hơn khi những người dự khán phiên tòa đuổi theo ông này, lôi ra khỏi ô tô và bắt trở về ngồi tại “ghế nóng” của mình để phiên tòa tiếp tục. Các luật sư và những người dự khán đề nghị Chủ tọa lập biên bản về chuyện này nhưng không được chấp nhận, họ tự lập biên bản rồi ký với nhau.
Phiên tòa này cũng có điều bất thường là kéo dài qua giờ hành chính, cho đến tận đêm, do phần tranh tụng giữa các luật sư và đại diện Viện kiểm sát căng thẳng. Việc này đã có tiền lệ, khi một phiên tòa xử vụ “đại án” tại Hà Nội đã kéo dài đến đêm bởi Tòa tôn trọng tranh tụng, muốn mọi người tham gia tố tụng có thể trình bày hết ý kiến và tranh luận cho ra nhẽ.
Văn hóa pháp đình từng chứng kiến nhiều chuyện không ngờ như Chủ tọa yêu cầu luật sư ra khỏi phòng xử hoặc luật sư tự bỏ ra về, việc tranh tụng vượt khỏi giới hạn trở thành cãi nhau tay đôi, có cả sự cáu kỉnh và lời lẽ mạt sát, thậm chí, có những hành vi quá khích đuổi đánh người tiến hành tố tụng, chửi bới lăng mạ Hội đồng xét xử..., nhưng căng thẳng đến nỗi Kiểm sát viên giữ quyền công tố bỏ ra về thì chưa và bị mọi người kéo lại bắt ngồi trở lại đúng chỗ của mình thì cũng chưa!
Chắc chắn, sau những gì xảy ra bởi thái độ hành xử của Kiểm sát viên thì ông ta sẽ buộc phải giải trình với cơ quan của mình, lý giải tại sao lại có thái độ bất hợp tác đến như vậy. Tuy nhiên, dư luận không chờ đợi vào sự giải trình đó mà đã có “kết luận” ngay.
Đó là thái độ coi thường Hội đồng xét xử, thiếu tôn trọng chính cái cương vị của mình đang đảm trách, tạo nên một hình ảnh xấu cho cơ quan mà mình đang là người đại diện và làm tổn hại đến sự uy nghiêm pháp đình, nơi mà không thể tùy tiện ứng xử theo cảm tính cho tất cả mọi người.
Nhân vụ việc này, liên quan tới cách ứng xử của các kiểm sát viên tại phiên tòa, một luật sư cho hay, khi đang dự một phiên tòa, ông chứng kiến cái động thái khó hiểu và khó chịu của một người dự khán, liên tục viết giấy “tuồn” cho nữ đại diện Viện kiểm sát đang ngồi ghế công tố của phiên tòa. Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử ngăn chặn hành vi đó, hóa ra cái người dự khán mặc thường phục đó là Kiểm sát viên cấp trên của nữ Kiểm sát viên kia, ông ta “chỉ đạo” cô ta theo cách “nhắc bài” như vậy!
Những cách ứng xử khó hiểu và khó chịu như vậy cần có biện pháp xử lý kịp thời, tránh làm mất đi sự nghiêm trang cần thiết của một phiên tòa!