Không được tắm 3 ngày sau khi kết hôn- Chuyện chỉ có ở người Tidong

(PLO) - Đối với người Tidong ở thành phố Sandakan, Sabah, Malaysia, đây là cách để thử thách cặp đôi trẻ bắt đầu bước qua ngưỡng cửa giữa cuộc sống độc thân bắt đầu cuộc sống hôn nhân của mình.
Những cặp vợ chồng người Tidong trong lễ cưới của mình.
Những cặp vợ chồng người Tidong trong lễ cưới của mình.

Thành phố bình yên 

Sandakan là thành phố lớn thứ hai ở bang Sabah, Malaysia, nằm bên bờ biển phía đông bắc của hòn đảo Borneo với dân số ước tính khoảng 501.195 người tại thời điểm năm 2010. Đây là thành phố đông dân thứ 12 Malaysia theo dân số.  

Sandakan là một trong những thị trấn sầm uất nhất ở Đông Malaysia. Nó luôn khiến khách du lịch cảm thấy bất ngờ bởi một cuộc sống đường phố vô cùng thú vị. Bạn có thể lang thang cả ngày không chán với những khám phá về sự đối nghịch giữa cổ xưa và hiện đại, giữa kỳ bí và hiện thực, không chỉ bởi thiên nhiên tươi đẹp, mà còn bởi vì những giá trị xưa cũ rất được trân trọng nơi đây. 

Sandakan ngày nay không quá lớn, nhưng cũng không nhỏ để bạn phải mỏi chân khám phá. Thành phố được bố trí như những ô bàn cờ, là sự kết hợp giữa những tòa nhà cũ từ thời thuộc địa, với lác đác công trình mới, hiện đại.

Sandakan đáng yêu bởi sự không đông đúc, ồn ào nhưng đầy màu sắc trên các con phố, nơi chợ trung tâm, bến cảng, khu chợ cuối tuần, dọc bờ biển… mang lại cho bạn cảm giác thú vị không ở đâu có được. 

Sandakan từng nổi tiếng trên bản đồ hàng hải của các thương gia quốc tế từ nhiều thế kỷ trước. Có thời kỳ, miền đất này được gọi là “nơi tập trung nhiều triệu phú nhất trên thế giới”.

Sở dĩ người ta nói như vậy bởi nơi đây tấp nập những thương gia giàu có buôn bán các loại gỗ quý, lâm sản hiếm và lạ từ những cánh rừng già Borneo, rồi ngọc trai, hải sâm dưới biển, tổ yến trên những hang đá ngoài khơi cách đất liền không xa. 

Không những thế, Sandakan còn là cửa cảng quan trọng thứ hai của Sabah về xuất khẩu dầu, thuốc lá, cà phê, đặc biệt là rất phát triển về xuất khẩu gỗ và nhiều sản phẩm xuất khẩu khác. Hoạt động kinh tế khác bao gồm câu cá, đóng tà và là cửa ngõ của du lịch sinh thái...

Những tập tục hài hước

Không chỉ là một thành phố yên bình mà Sandakan còn có rất nhiều điều đặc biệt vô cùng thú vị, trong số đó không thể không nhắc tới cộng đồng người Tidong sinh sống nơi đây.

Được biết, hầu hết người Tidong đều là nông dân. Họ sống chủ yếu dựa vào việc trồng  khoai lang, sắn, đậu lăng, sản xuất cả lúa, dừa, các loại trái cây và rau quả và khai thác gỗ. Ngoài ra, người Tidong cũng là ngư dân và dựa vào biển để sinh sống. 

Tidong thường theo đạo Hồi và thường thực hiện các nghi lễ tôn giáo của mình theo cách Hồi giáo. Họ tin rằng linh hồn người chết vẫn có ảnh hưởng đến cuộc sống trần gian. Thầy phù thủy đóng một vai trò quan trọng trong xã hội Tidong. Các nghi lễ truyền thống của họ thường là sự mong muốn được thần linh bảo vệ, tránh mọi điều xui xẻo và cầu mong sự may mắn. 

Minh chứng cho điều này là nghi thức  chào đón sự ra đời của một đứa trẻ. Người Tidong thường tổ chức một buổi lễ sau khi đứa bé ra đời được 2 tuần, dưới sự dẫn dắt của giáo chủ của người Tidong. Hàng xóm xung quanh sẽ được mời đến ăn mừng và cùng nhau chúc phúc cho đứa trẻ.

Trong buổi lễ, đứa bé sẽ được đặt tên và người ta sẽ cắt một lọn tóc của đứa trẻ, với ý nghĩa chào đón đứa trẻ đến với một cuộc sống mới, cầu mong mọi điều tốt đẹp và may mắn sẽ đến với đứa bé. 

Nghi thức cưới xin kỳ lạ 

Nghi thức cưới xin của cộng đồng người Tidong cũng rất khác lạ và khá hài hước. Đó là những cặp đôi mới cưới sẽ phải nhịn đi vệ sinh và tắm rửa trong vòng 3 ngày sau lễ kết hôn. Nghe thì thật buồn cười nhưng phong tục này là có thật và tất cả các cặp đôi mới cưới của người Tidong đều phải trải qua nghi lễ này. Đối với người khác thì có lẽ đây là điều không thể, nhưng dường như người Tidong ở thành phố Sandakan, Sabah, Malaysia đã quá quen với phong tục từ lâu này của mình. 

Những cặp vợ chồng người Tidong trong lễ cưới của mình.
Những cặp vợ chồng người Tidong trong lễ cưới của mình. 

Trước tiên khi nói về phong tục hài hước này, còn có một số nghi thức vô cùng thú vị liên quan đến việc cưới hỏi của người Tidong.

 Đầu tiên là việc lựa chọn đối tượng kết hôn, những cô gái và chàng trai đến tuối kết hôn, họ thường sẽ nghe theo lựa chọn của người lớn, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Dĩ nhiên cũng có những đôi trai gái yêu nhau, và hai bên gia đình cũng đồng ý với cuộc hôn nhân của đôi trẻ. 

Ngoài ra, kỳ lạ hơn nữa là, bản thân chú rể không được phép nhìn thấy mặt cô dâu cho tới khi nào chú rể hát tặng những bản tình ca cho cô dâu nghe. Tấm màn ngăn cách giữa cặp đôi chỉ được vén lên khi cô dâu cảm thấy ưng ý với bài hát mà chú rể đáp ứng theo đúng yêu cầu của cô.

Trong ngày cưới, nghi thức đeo nhẫn cho cô dâu không phải do chú rể trao mà thay vào đó là mẹ của chú rể.  

Trong suốt thời gian trước khi diễn ra đám cưới, cô dâu không được rời khỏi nhà nửa bước, việc này nhằm tránh những rủi ro có thể xảy đến. Ngày rước dâu, chú rể sẽ được khênh bằng cáng hình chiếc thuyền buồm tới nhà cô dâu. Nếu chú rể đến muộn đồng nghĩa với việc chú rể sẽ phải nộp phạt cho bên nhà gái (thông thường là các món đồ trang sức bằng vàng bạc). 

 3 ngày không được đi vệ sinh

Điều đặc biệt nhất trong nghi thức đám cưới của người Tidong đó là, sau lễ cưới cả chú rể và cô dâu không được phép vào nhà tắm để đi vệ sinh hay tắm rửa trong suốt thời gian 3 ngày, 3 đêm liền.

Trong 3 ngày đôi vợ chồng trẻ chỉ được cung cấp một ít thức ăn và nước uống ít ỏi để duy trì sự sống. Sau 3 ngày, đôi uyên ương sẽ được đi vệ sinh và tắm rửa để bắt đầu một cuộc sống bình thường.

Có thể bạn sẽ nghĩ đây là để trừng phạt những cặp vợ chồng mới cưới nhưng thực ra đối với những người Tidong đây là cách để thách thức những cặp đôi trẻ, giúp họ bước qua ngưỡng cửa của cuộc sống độc thân để bắt đầu cuộc sống hôn nhân, muốn cho họ có những trải nghiệm khó khăn để bắt đầu chào đón một cuộc sống hoàn toàn mới. 

Theo quan niệm của người Tidong, những cặp vợ chồng trẻ nếu như có thể vượt qua thách thức này chứng tỏ họ cũng có thể vượt qua những khó khăn trong cuộc sống mới và mọi điều tốt đẹp, may mắn sẽ đến với cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ.

 Nhưng nếu như ngược lại, cặp vợ chồng trẻ không thể cùng qua vượt qua được thử thách đầu tiên này thì mọi bất hạnh sẽ đến với họ. Hôn nhân sẽ không được lâu dài mà sẽ tan vỡ sau đó, không có sự chung thủy giữa 1 trong hai người, hoặc con cái của họ khi mới chào đời sẽ bị chết yểu...

Chính vì vậy, để đảm bảo không có bất kỳ sơ suất này xảy ra trong suốt thời gian diễn ra lễ cưới, một vài người trong gia đình sẽ được cử để theo dõi và giám sát cẩn thận cặp vợ chồng trẻ. 

Thật khó có thể tượng tượng được nếu như chúng ta nhịn đi vệ sinh trong vòng 3 ngày, 3 đêm chỉ để chứng minh một điều gì đó trong cuộc hôn nhân của chính mình. Đối với nhiều người, đây là có lẽ là hành động tra tấn hơn là chúc phúc, hôn nhân có nghĩa là tình yêu, sự tự nguyện, biết quan tâm chia sẻ hơn. Nhưng có lẽ ở mỗi vùng miền sẽ có những nét văn hóa và phong tục độc đáo riêng của mình, phong tục cưới xin của người Tidong cũng không phải là ngoại lệ. 

Đọc thêm