“Không nên cổ súy cho hành vi phản ứng thái quá khi vi phạm pháp luật“

(PLVN) - Liên quan đến clip một người phụ nữ bán hàng rong đã khóc lóc, van xin lực lượng trật tự đô thị không thu giữ xe rau của mình, đa số dư luận đều phẫn nộ với hành động chưa chuẩn mực của vị Phó Chủ tịch UBND phường Bãi Cháy. Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng, không thể bênh vực sai phạm cho chị hàng rau. Nếu sự cổ vũ sai trái này cứ tiếp diễn, sẽ dễ trở thành một tiền lệ xấu trong việc thực thi pháp luật. 
“Không nên cổ súy cho hành vi phản ứng thái quá khi vi phạm pháp luật“

Chiều ngày 18/4, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng trật tự đô thị phường Bãi Cháy (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đã có một số lời nói, hành động chưa chuẩn mực. Cụ thể là bà Lê Thị Hiền, Phó Chủ tịch phường Bãi Cháy, với người phụ nữ bán hàng rong là chị Vũ Thị Chinh (31 tuổi, trú tại phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên), gây bức xúc trong dư luận. 

Để nhìn nhận thấu đáo về vấn đề này dưới góc độ pháp lý, báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với luật sư Vũ Công Dũng, Trưởng Văn phòng luật sư Bảo Hiến, Đoàn luật sư TP Hà Nội. 

PV: Xin chào ông! Theo thông tin báo chí, với hành vi nhiều lần vi phạm quy định về bán hàng rong, đang bán hàng rong trên địa bàn trong thời gian tỉnh Quảng Ninh thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội cùng việc chạy xe không phép. Thưa ông! Việc tổ công tác UBND phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) quyết định thu giữ số hàng hóa của chị Vũ Thị Chinh và xử phạt hành chính là có đúng quy định của pháp luật hay không?

Luật sư Vũ Công Dũng: Vấn đề này có đủ căn cứ để xác định hành vi chị Chinh bán hàng rong là vi phạm hành chính theo qui định của Luật giao thông đường bộ và vi phạm qui định về giãn cách xã hội khi đã công bố dịch bệnh trên toàn quốc …, theo qui định thì việc vi phạm phải được ngăn chặn, lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính theo đúng các qui định pháp luật liên quan.

Người phụ nữ bán rau khóc lóc, van xin lực lượng trật tự đô thi không thu rau của mỉnh (Ảnh cắt lừ clip Facebook)
 Người phụ nữ bán rau khóc lóc, van xin lực lượng trật tự đô thi không thu rau của mỉnh (Ảnh cắt lừ clip Facebook)

PV: Ông có đánh giá như nào về hành động van xin, khóc lóc nhằm tránh việc bị tổ công tác UBND phường Bãi Cháy, TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) xử lý vi phạm hành chính của người bán hàng rong – chị Vũ Thị Chinh?

Luật sư Vũ Công Dũng: Trong thực tế, đối với những người dân nghèo, chưa hiểu biết pháp luật thì khi bị xử lý vi phạm họ thường có biểu hiện xin được bỏ qua và có một số cách thức phản ứng chưa phù hợp với chuẩn mực xã hội. Do đó, hành vi của chị Chinh khi bị tổ công tác tiến hành xử lý vi phạm là không phù hợp, cần được dư luận xã hội chỉ rõ sai phạm, không nên cổ súy cho hành vi phản ứng thái quá khi vi phạm pháp luật. Mặt khác, những người thực thi pháp luật phải có cách ứng xử phù hợp, mềm mỏng nhưng cương quyết, lấy thuyết phục, giáo dục và vận động trong cộng đồng dân cư sẽ có hiệu quả hơn là là áp chế …

PV: Thưa luật sư! Qua video có thể thấy bà Lê Thị Hiền, Phó chủ tịch UBND phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, trong lúc xử lý hành vi vi phạm hành chính của chị Vũ Thị Chinh đã liên tục có những lời nói không chuẩn mực. Vậy theo quy định của pháp luật hiện hành thì bà Lê Thị Hiền có thể bị xử lý như nào, thưa ông?

Luật sư Vũ Công Dũng: Bà Hiền là cán bộ theo luật cán bộ, công chức hiện hành, về hành vi ứng xử của bà Hiền là không phù hợp với chuẩn mực của cán bộ công chức và sẽ bị xem xét hành thức kỷ luật tùy theo mức độ vi phạm. Hiện nay, UBND thành phố Hạ Long đã cho tiến hành triển khai qui trình về xem xét kỷ luật đối với hành vi của bà Hiền đã thực hiện. Theo qui định tại khoản 1 Điều 78 Luật Cán bộ, công chức thì có 04 hình thức kỷ luật gồm:  Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức; Bãi nhiệm. Do đó, tùy vào mức độ vi phạm mà bà Lê Thị Hiền có thể bị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật nêu trên.

PV: Thưa luật sư! Từ những gì được ghi lại của video, phân tích kỹ hành động cầm dao của chị Vũ Thị Chinh thì đã đủ yếu tố cấu thành tội chống đối người thi hành công vụ như lời bà Lê Thị Hiền nói trong video chưa ạ? Thưa ông! Để cấu thành tội chống đối người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam thì phải đảm bảo những yếu tố nào?

Luật sư Vũ Công Dũng: Điều 330 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội chống người thi hành công vụ như sau:

 “1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên; đ) Tái phạm nguy hiểm.”

Người phạm tội phải thỏa mãn một trong 3 hành vi khách quan sau:

- Hành vi dùng vũ lực (dùng sức mạnh vật chất tấn công, hành hung) cản trở người thi hành công vụ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.

- Hành vi đe dọa dùng vũ lực (uy hiếp tinh thần) làm cho người thi hành công vụ sợ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, hoặc ép buộc họ thực hiệm hành vi trái pháp luật.

- Hành vi dùng thủ đoạn khác (như lăng mạ, bôi nhọ hoặc vu khống…) nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.

Đối chiếu với hành vi của bà Chinh trong vụ việc vừa xảy ra thì chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu tội phạm đã nêu ra nên bà Chinh chưa đủ yếu tố để cấu thành tội chống người thi hành công vụ.

Luật sư Vũ Công Dũng
 Luật sư Vũ Công Dũng

PV: Trong sự việc này, người dân và cán bộ phường Bãi Cháy cần xử lý như thế nào để vừa đảm bảo tình và lý, thưa luật sư?

Luật sư Vũ Công Dũng: Trong bất kỳ tình huống nào thì phải thật bình tĩnh, nhất là đối với các lực lượng chức năng. Trong trường hợp này, tôi cho rằng tổ công tác của phường Bãi Cháy chưa có kế hoạch và phương pháp để xử lý những tình huống tương tự và thiếu kinh nghiệm trong hành động. Sự việc không đến mức quá căng thẳng để phải đưa ra những mệnh lệnh mang tính áp chế của chính quyền. Mặt khác, chính hành vi và phát ngôn thiếu chuẩn mực của người đứng đầu của tổ công tác đã thúc đẩy sự việc lên đến cao trào. Tôi tin rằng, sau sự kiện này, các cơ quan chức năng của tỉnh Quang Ninh sẽ có một bài học sâu sắc về các ứng xử cũng như rèn luyện, tu dường về đạo đức tang phong cho các cán bộ đảng viên lãnh đạo.

PV: Thưa luật sư! Việc cư dân mạng và dư luận khi chưa biết rõ sự việc nhưng vội vàng lên án và gây sức ép với Chính quyền trong sự việc trên, cũng như nhiều sự việc tương tự đã diễn ra trước đó tại Việt Nam. Điều này đã khiến cho các cơ quan chức năng phải đưa ra những cách xử lý làm dịu dư luận. Vậy ông có thể nói về mặt tích cực và tiêu cực của dư luận trong sự việc trên và nhiều vụ việc tương tự, nhằm đảm bảo việc sống và thực hiện theo pháp luật hay không?

Luật sư Vũ Công Dũng: Mạng xã hội vừa có mặt tích cực vừa có mặt tiêu cực của nó. Các cấp chính quyền cần gạn đục khơi trong và thu nhận, dông viên mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực mà trước tiên là các biện pháp nêu gương trong hành động, xử lý tốt những sai phạm và các bức xúc trong xã hội. Sự việc này cũng đặt ra những quyết sách phù hợp để nâng cao dân trí nhất là phổ biến pháp luật trong cộng đồng và trên không gian mạng rất yếu, từ đó định hướng và thúc đẩy tư duy của người dân có hiểu biết pháp luật và tuân thủ tốt những qui định pháp luật để xây dựng vững chắc nhà nước pháp quyền.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm