Không nên 'thả nổi' việc xếp hạng cơ sở lưu trú

(PLO) - Với mục tiêu đưa ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước thì việc sửa đổi Luật Du lịch được ban hành từ năm 2005 là rất cần thiết. Tuy nhiên, dù định hướng là sẽ quy định thông thoáng hết mức để ngành công nghiệp “không khói” này phát triển thì trong bối cảnh hiện nay thiết nghĩ chưa nên để các doanh nghiệp tự xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch mà Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) đang đề xuất.
Không nên 'thả nổi' việc xếp hạng cơ sở lưu trú

Số liệu từ Tổng cục Du lịch cho thấy, hệ thống cơ sở lưu trú ở Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ. Cả nước hiện có hơn 20.100 cơ sở, với 400.000 phòng, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9%/năm. Trong đó, phân khúc khách sạn 3-5 sao có tốc độ tăng trưởng cao, 16% với 5 sao và 14% với 4 sao. Đến tháng 5/2016, cả nước đã có 101 khách sạn 5 sao, 229 khách sạn 4 sao và 463 khách sạn 3 sao. 

Có điều, chất lượng không đồng đều, không tương xứng với hạng “sao” đã được xếp. Vì vậy, vấn đề quy định về xếp hạng cơ sở lưu trú được chuyển từ bắt buộc sang tự nguyện để các doanh nghiệp tự xếp hạng khách sạn của mình và đăng ký hạng của khách sạn, phù hợp với xu hướng của thế giới, đồng thời giúp khách du lịch có quyền lựa chọn, đánh giá. 

Cụ thể, cơ sở lưu trú du lịch quy định trên được xếp hạng theo tiêu chuẩn chất lượng, bao gồm: Khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch và tàu thủy lưu trú du lịch được xếp theo 5 hạng: hạng 1 sao, hạng 2 sao, hạng 3 sao, hạng 4 sao, hạng 5 sao. Cơ quan nhà nước về du lịch cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ đăng ký hạng cơ sở lưu trú du lịch từ 1 đến 3 sao. Tổng cục Du lịch tiếp nhận hồ sơ đăng ký hạng cơ sở lưu trú du lịch từ 4 đến 5 sao. Việc đề nghị xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện (phương án 1).

Đại diện Ban soạn thảo Dự án Luật Du lịch sửa đổi cho biết, quy định như trên chặt chẽ hơn so với hiện hành. Vì nếu khách sạn không đủ chuẩn như công bố thì cơ quan quản lý sẽ tiếp nhận thông tin từ du khách và có thể rút hạng sao khách sạn ngay mà không phải chờ theo định kỳ như trước. 

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp kinh doanh các cơ sở lưu trú tự mạo nhận xếp hạng và tự quảng cáo sai với thứ hạng so với thực trạng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch nên cần quy định theo phương án bắt buộc. Có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu quy định theo hướng bắt buộc tất cả các cơ sở lưu trú du lịch đều phải được xếp hạng, không loại trừ bất kỳ một đối tượng nào.

Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo cần xác định cụ thể các loại hình cơ sở lưu trú du lịch, kèm theo các quy định về điều kiện, về tiêu chuẩn để xác nhận phân loại từng loại cơ sở lưu trú du lịch để có cơ sở pháp lý thực hiện công tác quản lý và nếu có sai phạm thì cũng có cơ sở pháp lý để xử lý. Có như vậy mới đảm bảo công bằng, tránh gian lận, tránh tiêu cực trong kinh doanh và nhằm góp phần bảo vệ cho quyền lợi của người kinh doanh cũng như khách du lịch. Đặc biệt để khi luật này được ban hành thì vấn đề xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch được lập lại nền nếp, trật tự. 

Đọc thêm