Không phải là “lấn chiếm đất công”!

(PLO) -  Thực tế cuộc sống cho thấy dù đủ điều kiện nhưng chỉ vì̀ một khiếu nại hay tố cáo không đúng sự thật kèm theo thiếu hiểu biết pháp luật nên nhiều trường hợp người sử dụng đất gặp trở ngại trong việc xin hợp thức hóa quyền sử dụng. Trường hợp của vợ chồng bà Nguyễn Thị Phi là ví dụ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Năm 1980 bà Nguyễn Thị Phi mua của ông Phạm Văn Phan diện tích nhà đất khoảng hơn 100m2  tại số 2 Vũ Đỗ Long, tổ 16, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thông qua giấy viết tay. Năm 1985 bà Phi nhượng bán một phần diện tích nhà, đất cho em trai là Nguyễn Công Uẩn giá 40.000 đồng, cũng chỉ có giấy viết tay. Năm 1996, khi Nhà nước lấy đất làm đường Trần Khát Chân, toàn bộ diện tích 63m2 nhà đất (cả ngõ) của gia đình bà Phi bị lấy hết và được đền bù diện tích khác tại khu vực Đền Lừ. 
Tháng 9/1998, ông Uẩn cần tiền xây nhà ở đường Trương Định nên nhượng lại cho bà Phi toàn bộ diện tích 46,3m2 nhà, đất trước đây từng mua của gia đình bà; giữa hai bên vẫn chỉ lập giấy viết tay; nhà, đất này hiện  mang 2 số nhà  511 - 513 đường Trần Khát Chân. Chủ số nhà mới 511 và 513 đường Trần Khát Chân ghi tên ông Nguyễn Công Uẩn; ông Uẩn cũng là người trực tiếp nộp thuế sử dụng nhà, đất từ trước đến nay. 
Năm 1999 ông Uẩn kê khai xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSDĐ), nói rằng ông đứng tên kê khai “sổ đỏ” hộ bà Phi chỉ nhằm giúp chị gái có lợi được giảm thuế. Đến nay việc xin Giấy CNQSDĐ vẫn chưa được giải quyết do có đơn tố cáo, đề nghị thu hồi toàn bộ diện tích 46,3m2 nhà đất 511 - 513 Trần Khát Chân; người tố cáo cho rằng đây là “đất công” bị gia đình bà Phi tái lấn chiếm năm 1996 (sau khi họ bị thu hồi đất, đã nhận đền bù, được tái định cư). 
Về vấn đề này, Luật gia Nguyễn Chấn bình luận như sau: Năm 1996, khi thu hồi 63m2 đất, Nhà nước phải bồi thường cho bà Phi hàng trăm triệu đồng và cấp đất tái định cư, nhưng chính quyền phường, quận lại… buông lỏng quản lý để cho người bị thu hồi đất “lấn chiếm” thêm tới 46,3m2 nữa (sau khi đã được bồi thường, được tái định cư) mà không xử lý gì là điều vô lý. Càng vô lý hơn khi Nhà nước vẫn thu thuế sử dụng nhà đất, cấp biển số nhà 511 - 513 Trần Khát Chân bị cho là “lấn chiếm” đứng tên ông Nguyễn Công Uẩn. Vì vậy, ông Uẩn, bà Phi có thể đề nghị UBND quận Hai Bà Trưng, UBND phường sở tại giải thích rõ vấn đề này để tránh hiểu lầm (có thể hiểu lầm do người tố cáo bị hạn chế về hiểu biết pháp luật?). 
Các quyết định của cơ quan nhà nước, nhất là quyết định liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân đều phải có căn cứ pháp lý rõ ràng, minh bạch. Theo pháp luật, “lấn chiếm đất công” thì phải thu hồi; hành vi tố cáo xảy ra đến nay đã hàng chục năm nhưng việc thu hồi nhà, đất không xảy ra chứng tỏ cơ quan nhà nước có thẩm quyền biết được rằng không có căn cứ pháp lý để quyết định thu hồi.
Đối với nhà, đất số 511 - 513 Trần Khát Chân được xây dựng, được cấp biển số nhà, đứng tên ông Uẩn kê khai nộp thuế liên tục nhiều năm từ trước ngày 1/7/2004, pháp luật đất đai không gọi là “đất lấn chiếm” mà gọi là “đất đang sử dụng ổn định”; theo luật, người sử dụng nhà, đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất.
Đặc biệt, khi quyết định “xử lý” người “lấn chiếm đất”, cơ quan nhà nước còn phải xác định chính xác thời điểm xảy ra hành vi vi phạm. Cùng một hành vi vi phạm “lấn chiếm đất” nhưng nếu xảy ra ở những thời điểm khác nhau thì pháp luật cũng quy định biện pháp xử lý khác nhau. Vì vậy, căn cứ Khoản 3 Điều 15 Nghị định 84/2007/NĐ-CP thì 2 biện pháp “thu hồi đất” và  “không cấp giấy CNQSDĐ” chỉ áp dụng đối với hành vi lấn chiếm đất “kể từ ngày 1/7/2004 trở về sau”. Tại Nghị định số 43/2013/NĐ-CP, Chính phủ còn quy định “thoáng” hơn: cấp Giấy CNQSDĐ cho người sử dụng có hành vi lấn chiếm đất đai trước ngày 1/7/2004 trong trường hợp “đã có điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà nay diện tích đất lấn, chiếm không còn thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng; không thuộc chỉ giới xây dựng đường giao thông; không có mục đích sử dụng cho trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp và công trình công cộng khác...” (Khoản 1 Điều 22).
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm