Không quên những lần "du mục"

(PLO) - Là một trong những cán bộ đầu tiên xây dựng Tòa báo, tôi nhớ lại những ngày đầu của năm 1985, khi Bộ Tư pháp quyết định thành lập Báo Pháp luật Thường thức từ một bộ phận của Vụ Tuyên truyền và Giáo dục Pháp luật, rất nhiều cán bộ lo ngại: làm gì đây khi tất cả mọi người chỉ có chuyên môn luật?  
Sau nhiều tháng họp bàn, suy nghĩ, tìm tòi, học hỏi các báo lớn, hơn chục cán bộ, nhân viên do ông Lê Sỹ làm Tổng Biên tập đã vật lộn, đầu tư công sức, dồn tâm huyết bắt tay vào xây dựng, chuẩn bị nội dung cho báo.
Ngày 10/7/1985, số báo đầu tiên Pháp luật Thường thức ra đời, được độc giả quan tâm, đón đọc. Trong một ngày, một vạn tờ báo đã phát hành hết, đem lại niềm vui và là sự động viên lớn cho Tòa soạn và lãnh đạo Bộ Tư pháp.
Ngày 10/7/1985 trở thành ngày lịch sử, đánh dấu sự ra đời của Báo Pháp luật Thường thức - cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, tại số 5 Ông Ích Khiêm, Hà Nội. Chập chững, vững bước vào “làng Báo” không phải chỉ có hơn chục cán bộ, nhân viên trong Tòa soạn mà còn có công sức của “Đại gia đình Báo Pháp luật Thường thức”, tất cả mọi người từ già đến trẻ nô nức một tháng 2 kì đến Bộ Tư pháp để lồng báo. Cùng Công ty Phát hành báo chí Trung ương, những chiếc xe đạp của cán bộ, nhân viên Tòa soạn rong ruổi chở báo đi phát hành tại các quầy lẻ quanh Hà Nội, giúp cho Báo nhanh đến tay bạn đọc, góp phần tăng số lượng báo từ một vạn đầu tiên lên đến hai vạn, ba vạn. Từ một tháng hai kì lên mỗi tuần một kì và một số ấn phẩm chuyên đề.
Mười ba năm sau, thế hệ thứ hai của Tòa soạn được tuyển chọn, đó là 10 phóng viên được đào tạo chuyên môn báo chí, giúp cho Tòa soạn chủ động về nội dung, vững vàng trong nghiệp vụ làm báo. Đến nay họ đã trưởng thành, trở thành những Trưởng, Phó ban của Tòa soạn.
Ông Trịnh Đức Tiến nguyên Trưởng ban Trị sự báo Pháp luật Việt Nam.
Ông Trịnh Đức Tiến nguyên Trưởng ban Trị sự báo Pháp luật Việt Nam.
Từ “cuộc đời du mục”: số 5 Ông Ích Khiêm, 25A Cát Linh, 158 Thái Hà, số 5 Quốc Tử Giám, 56 Phan Văn Trị, No2 Trần Quý Kiên, Tòa soạn Báo Pháp luật Việt Nam đã có Trụ sở riêng tại số 42 ngõ 29 Nguyễn Chí Thanh, tuy không rộng, chưa đủ chỗ làm việc nhưng Báo Pháp luật Việt Nam đã có “ngôi nhà riêng” của mình.
Sau 2 lần đổi tên, từ Báo Pháp luật Thường thức, Báo Pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam, từ hơn chục cán bộ nhân viên đến nay có hơn 100 cán bộ, phóng viên, nhân viên khẳng định sự trưởng thành và lớn mạnh của Tòa soạn Báo Pháp luật Việt Nam.
Ba mươi năm, chặng đường không ngắn, nhưng với nghiệp làm báo, Tòa soạn chúng ta đang ở tuổi thanh xuân. Tôi chúc Báo Pháp luật Việt Nam vững bước đi lên, chúc các bạn đồng nghiệp trẻ Dũng cảm – Trung thực – Sáng tạo vững vàng chèo lái “con thuyền” Pháp luật Việt Nam vượt qua mọi thử thách, mọi khó khăn, phát huy truyền thống, làm tốt nhiệm vụ chính trị, công tác tuyên truyền pháp luật, đáp ứng yêu cầu bạn đọc để Báo Pháp luật Việt Nam không thể thiếu trong tâm tưởng của bạn đọc và xã hội.

Đọc thêm