Không thể “hy sinh nhân dân vì “tư duy nhiệm kỳ”

(PLVN) - Việc thu phí nội đô đã được cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu từ lâu nhưng đến nay chưa thực hiện. Tuy nhiên, nhiều ý kiến nói rằng việc làm này là khó khả thi, khó đảm bảo được các mục tiêu đề ra là làm giảm phương tiện đi vào những chỗ ùn tắc, giảm ô nhiễm.
ảnh minh họa
ảnh minh họa

Cách đây 15 năm Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã làm “dậy sóng” dư luận khi đề xuất xe đi ngày chẵn, ngày lẻ có tính chất “ngăn sông, cấm chợ”. Thưa vâng, qua gần 35 năm tính từ sau đổi mới (năm 1986) đến nay, nhìn bộ mặt các đô thị, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, ai cũng dễ nhận ra chúng đã bị “phá nát” bởi tư duy nhiệm kỳ: hở đất ra là bán để xây dựng trung tâm thương mại, kết hợp chung cư...

Rất nhiều đại gia, tỷ phú đô la xuất hiện nhờ “cạp đất” đô thị. Trong các hội thảo về quy hoạch đô thị, ai cũng biết đô thị Việt Nam đang bị “băm nát” và “ùn tắc” ngày càng nghiêm trọng do “hội chứng nam châm” nhưng rồi đô thị vẫn thành các cục “nam châm” khổng lồ, hút người. 

Trở lại với thu phí: việc thu phí trên các hoạt động giao thông hiện nay chỉ có trên đường BOT là hợp pháp. BOT là do người ta tổ chức làm riêng, bằng kinh phí khác mà không liên quan đến hệ thống đường tạm gọi là của “cha ông chúng ta để lại”.

Một số con đường mà đường “cha ông ta để lại” bị xuống cấp (như quốc lộ 5 chẳng hạn) thì Nhà nước và doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư, nâng cấp để đi lại thuận lợi. Doanh nghiệp được quyền thu phí ở mức độ thấp hơn để bù đắp số tiền đã bỏ ra nhằm nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội. Còn những con đường khác, nhất là đường cho thành phố, chúng ta chưa được quyền thu. 

Chỉ riêng TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có thể được áp dụng do cơ chế đặc thù của đô thị đặc biệt để giải quyết vấn đề thu phí nội đô. Quốc hội, Chính phủ cũng muốn ủy quyền cho hai thành phố dưới góc độ mong muốn hai thành phố được quyền tự quyết những vấn đề nóng, để giải quyết nhanh chóng, kịp thời, mang lại hiệu quả phát triển kinh tế bền vững cho hai thành phố. 

Không gian xanh, giao thông tĩnh thì bị năng nổ bán. Tuy nhiên khi ùn tắc thì tư duy hành động chỉ là “ngăn sông cấm chợ”, nã lên đầu dân, trốc lên lưng nhân dân. 

Một chính thể “của dân, do dân, vì dân” không thể chấp nhận hành động “hy sinh nhân dân” và lợi ích của cá nhân. Phá nát quy hoạch đô thị là do “tư duy nhiệm kỳ” nhưng không thể “hy sinh nhân dân vì “tư duy nhiệm kỳ”.