Không thể kết tội người ta bằng được

(PLO) - Ở Cao Bằng đang có một chuyện lạ: Bố chồng 5 năm trời ròng rã kêu oan cho con dâu, trong khi nạn nhân là vợ mình, con dâu bị buộc tội giết mẹ chồng. 
Hiện trường vụ án xảy ra sáng 5/2/2012
Hiện trường vụ án xảy ra sáng 5/2/2012

Vụ án xảy ra từ năm 2012, vào lúc rạng sáng người chồng bắt gặp vợ đang đau đớn quằn quại dưới đất, nói rằng có người đột nhập, sau đó anh phát hiện bà mẹ bị sát hại trong nhà giấu trong thùng các tông. Nghi vấn tập trung vào cô con dâu, chị bị bắt giam vì tội “Không tố giác tội phạm”, khởi tố tội “Che giấu tội phạm” và bị truy tố tội “Giết người”.

Đã 2 lần Tòa án tỉnh Cao Bằng xét xử tuyên phạt tù chung thân, 2 lần Tòa phúc thẩm TAND Tối cao hủy án, trả hồ sơ điều tra lại từ đầu vì không đủ chứng cứ, duy nhất chỉ có lời nhận tội của bị cáo nhưng sau đó thì chị ta phản cung, nói là bị ép phải nhận tội. Về phía người chồng, cũng bị khởi tố về tội “Che giấu tội phạm” bị bắt tạm giam 7 tháng trong khi anh đang là Trưởng phòng của Sở KH&ĐT. Sau đó, anh được tha và cơ quan đã phục hồi công tác cho anh, giờ làm Phó phòng.

Về vụ án này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có văn bản yêu cầu đối với các cơ quan tư pháp tỉnh Cao Bằng và đang được điều tra lại, hẳn mọi việc sẽ sáng tỏ trong thời gian tới.

Tại một vụ án khác tại Bình Thuận. Vừa rồi, Tòa án huyện Hàm Thuận Nam vừa xét xử hai nông dân vì tội “Nhận hối lộ” 14,5 triệu đồng từ những người trong xã để đi vay tiền ngân hàng giúp họ. Cũng giống như trường hợp ông bố chồng kêu oan cho nàng dâu, bà con “bị hại “ này ra sức kêu oan cho hai bị cáo kia, họ làm đơn đi khắp nơi khẳng định đó là món tiền họ tự nguyện đóng góp để xăng xe, bồi dưỡng cho những người này giúp họ vay tiền.

Tuy nhiên, hai nông dân đó vẫn bị khép tội, mỗi người nhận hình phạt 7 và 8 năm tù giam. Sau đó, phiên tòa phúc thẩm tuyên hủy và trả lại hồ sơ điều tra lại. Công an sở tại đã ra quyết định đình chỉ vụ án nhưng VKSND Tối cao lại yêu cầu phải tiếp tục điều tra và họ lại bị truy tố với tội danh này. Phiên sơ thẩm vừa xong nhận định họ có tội nhưng miễn trách nhiệm hình sự cho họ vì “tình hình đã thay đổi”. Các bị cáo này sẽ tiếp tục kháng cáo vì vẫn cho rằng mình không có tội.

Tuy diễn biến, nội dung của 2 phiên tòa kể trên có khác nhau, cả về tính chất và mức độ song tương tự nhau ở chỗ, các bị hại đều đồng thanh kêu oan cho bị cáo và bản thân bị cáo không nhận tội nhưng đều bị quy đến cùng là “có tội”. Có một nguyên tắc là nếu ranh giới có tội và không có tội còn chưa rõ ràng thì cần tuyên cho người ta vô tội. Nguyên tắc này rất phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp, tiếc rằng trên thực tế, nguyên tắc này còn chưa được những người tiến hành tố tụng coi trọng!