Không thể và không để lạm quyền!

(PLO) - Xã hội chúng ta chủ trương thượng tôn pháp luật, xây dựng nếp sống văn minh, đặc biệt là hướng tới một Nhà nước pháp quyền XHCN thì dứt khoát không có chỗ cho sự lạm quyền và biểu hiện rõ nhất là cả xã hội chống lại những hành vi có dấu hiệu lạm quyền.
Ảnh từ internet
Ảnh từ internet

Mới đây, một sự việc gây bão dư luận, cả báo chí và mạng xã hội đều lên tiếng phản ứng về chuyện này. Đó là việc Công an thị trấn Dương Đông, Phú Quốc (Kiên Giang) “bêu tên” những người bị cho là có hành vi mua bán dâm giữa phố.

Những người này bị bắt đứng xếp hàng ngang, một Công an trong sắc phục chỉnh tề cầm loa đọc “cáo trạng” nêu rõ hành vi vi phạm hành chính của các “đương sự” này, gọi đến tên ai thì người đó phải bước lên trình diện. Phản cảm và lạm quyền, có dấu hiệu làm nhục người khác – đó là nhận xét chung của mọi tầng lớp xã hội khi nhận định về việc làm này của Công an Phú Quốc. Trước áp lực của dư luận xã hội, Giám đốc Công an Kiên Giang đã lập Tổ thẩm định để xem xét, đánh giá về hành vi “bêu riếu” gây phẫn nộ dư luận, ảnh hưởng đến quyền nhân thân con người.

Trong một diễn biến khác, sau 5 ngày ban hành một quy định cấm xe trên 12 chỗ ngồi qua phà Gót ra đảo Cát Bà, Sở  Giao thông Hải Phòng buộc phải cho phép trở lại trước phản ứng của người dân và doanh nghiệp. Dư luận đặt câu hỏi, đây là sự “ngăn sông cấm chợ” hay là “lợi ích nhóm”, biểu hiện rõ ràng hơn cả đó là sự lạm quyền. Tại Lạng Giang (Bắc Giang) có chuyện những rào chắn bằng tôn lượn sóng trên quốc lộ 1A bị dỡ bỏ từng đoạn, dẫn lối vào tư gia hoặc công trình, gây mất an toàn giao thông cũng như mỹ quan đường sá. Người ta đã lạm dụng sự thi công để làm chuyện này và dứt khoát dư luận không để yên.

Trong thời điểm hiện tại, khi chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, củng cố hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan nhà nước thì việc chống lại các biểu hiện lạm quyền càng mạnh mẽ hơn. Bộ Công Thương nói “không” với cấp “hàm” và sự dư thừa vụ phó. Tòa án giờ đây có thể triệu tập đến tòa Điều tra viên, Kiểm sát viên và cả Thẩm phán nữa nếu thấy cần làm rõ vấn đề gì đó thuộc quyền hạn của những chức danh này. Đó là những động thái tích cực từ phía các cơ quan nhà nước.

Sự lạm quyền thể hiện bằng cách hành vi ưu ái, nâng đỡ người thân, con cháu trong lĩnh vực bổ nhiệm cán bộ đang bị xử lý quyết liệt đã tác động mạnh mẽ sang các lĩnh vực khác, ngăn chặn kịp thời các hành vi lạm quyền, đảm bảo sự công bằng cho xã hội cũng như quyền và lợi ích công dân. Đó là những chuyển biến rất đáng mừng trong lĩnh vực quản lý nhà nước.