Khu bảo tàng sinh thái tre độc nhất vô nhị Đông Nam Á

(PLVN) - Khu Bảo tàng sinh thái tre và bảo tồn thực vật Phú An (Làng tre Phú An, xã Phú An, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) được xem là khu bảo tồn tre tự nhiên lớn nhất cũng như sớm nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á, với khoảng 1.500 bụi tre với nhiều giống loài khác nhau. Đây còn là điểm du lịch sinh thái lý tưởng, mang đến nhiều điều lý thú cho những người yêu thiên nhiên và làng quê Việt Nam.
Làng tre Phú An là một “bảo tàng tre” lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Làng tre Phú An là một “bảo tàng tre” lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Hệ sinh thái xanh từ hàng trăm loài tre

Làng tre Phú An bây giờ là thành quả từ dự án xây dựng khu bảo tồn sinh thái tre, bắt đầu triển khai từ năm 1999. Dự án được hình thành dựa trên ý tưởng khoa học của Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh (giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP. HCM).

Theo TS. Mỹ Hạnh chia sẻ, năm 1999, trong một lần trở lại quê hương Phú An, người dân nơi đây nhắc nhở bà, dù làm gì, ở đâu cũng đừng quên quê nhà. Điều đó đã thôi thúc bà nảy sinh ý tưởng xây dựng một vùng sinh thái từ cây tre tại đây.

Từ ý tưởng ban đầu, bà không ngừng nghiên cứu, nâng tầm quy mô dự án và đến năm 2003, Dự án Khu bảo tàng sinh thái tre và bảo tồn thực vật Phú An (Làng tre Phú An) ra đời. Đây là chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh Bình Dương, vùng Rhône - Alpes (Pháp), Vườn thiên nhiên Pilat (Pháp) và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP. HCM.

Mục đích phát triển Làng tre Phú An là nghiên cứu khoa học về sưu tập, bảo tồn tre; chế tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường từ cây tre và nâng cao giá trị cây tre Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, tổ chức đào tạo, hướng dẫn cho sinh viên trong và ngoài nước về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường thông qua Chương trình Lớp học Xanh. Tạo ra nơi tham quan cho cộng đồng, giúp tăng cường truyền thông về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Đường làng Phú An bốn mùa rợp bóng tre xanh.
Đường làng Phú An bốn mùa rợp bóng tre xanh.  

Dự án cũng là một món quà TS. Mỹ Hạnh dành cho quê hương khi còn hướng đến mục đích hướng dẫn người dân địa phương trồng và chăm sóc tre đúng kỹ thuật, biến khu tam giác sắt (vùng đất 3 xã: An Điền, An Tây, Phú An thuộc khu vực phía Tây Nam thị xã Bến Cát, nơi có vai trò đặc biệt quan trọng trong hai cuộc kháng chiến, nhất là trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước) - nơi bị bom đạn cày xới thành vùng tam giác được phủ xanh bởi tre và các loài thực vật.

Khu Làng tre Phú An được khởi công xây dựng từ năm 2004. TS. Mỹ Hạnh khi đó đã lặn lội khắp cả 3 miền Bắc - Trung - Nam để sưu tập các loại tre, nghiên cứu đặc tính của từng loại, rồi nhân giống và trồng tại Phú An, từ đó hình thành làng tre phong phú như bây giờ. Năm 2008, làng tre Phú An bắt đầu mở cửa phục vụ khách tham quan và nghiên cứu khoa học.

Làng tre được thiết kế theo không gian thoáng đãng với hai khu độc lập: khu bảo tàng tre và khu vực nghiên cứu. Trong đó, khu bảo tàng tre (ngoài trời) thực hiện nhiệm vụ lưu giữ và bảo tồn, hiện có trên 1.500 bụi tre của 17 giống, với hơn 300 mẫu tre, trúc, nứa thu thập khắp trong Nam ngoài Bắc, chiếm gần 90% giống tre ở Việt Nam, hình thành bộ sưu tập tre xanh độc nhất vô nhị. Trong đó, có nhiều giống qúy như Phyllostachys, Bambusa, Teinostachyum, mai ống, vàng sọc, tre vuông, mạy muồi, luồng, vầu, trúc Cao Bằng, tre mét, hóp…

Tại khu bảo tàng, tre được trồng theo đúng thổ nhưỡng và khí hậu từng loài, như các giống tre từ cao nguyên được trồng trên gò đất cao. Nhiều bụi lại được trồng quanh ao, đầm ngập nước, kênh nhân tạo vì là loài sống ở đồng bằng và khu vực miền Tây Nam Bộ. Đến khu bảo tàng ở Làng tre An Phú, du khách sẽ thấy được sự đa dạng, phong phú của hệ sinh thái tre và các sản phẩm độc đáo từ tre được làm bởi đôi tay khéo léo của người thợ như giường, bàn ghế, nôm, thúng, rổ, rá đến các món quà lưu niệm vô cùng đẹp mắt.

Ngoài ra còn có khu vực nghiên cứu trong nhà dành cho sinh viên và các nhà nghiên cứu tìm hiểu về tre, cách thức nuôi trồng, gây giống tre thông qua hình ảnh và phim tư liệu… Để thuận tiện cho việc nghiên cứu, các bộ sưu tập tre được bố trí theo từng khu vực, từ khu tre đồng bằng sông Cửu Long, Tây nguyên đến Đông Nam bộ, Bắc Bộ… Với những chỉ dẫn cụ thể như tên địa phương, tên khoa học, tọa độ tìm thấy, thời gian, tên người sưu tập…, và bảng mô tả khoa học bằng 3 thứ tiếng Việt, Pháp, Anh.

Bên cạnh việc nghiên cứu khoa học và tạo môi trường làm du lịch sinh thái, chủ nhân ngôi làng còn thực hiện nhiều hoạt động mang ý nghĩa cộng đồng. Làng tre Phú An đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện mô hình trồng rau an toàn và nghiên cứu, phát triển mô hình trồng nấm từ cây lục bình, vừa có thực phẩm sạch, vừa giải quyết vấn đề lục bình dày đặc trên sông, gây ô nhiễm nguồn nước.

Đồng thời tổ chức các buổi hội thảo nhằm giúp người dân nhận thức tác hại của rác thải và lý do phải bảo vệ môi trường, hướng dẫn họ cách cải tạo môi trường cùng đất trồng trọt. Giúp người dân địa phương ý thức trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, giúp họ làm du lịch sinh thái từ những sản vật địa phương. Hình thành những câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, qua việc trồng rau an toàn hay làm các sản phẩm từ cây tre, tổ chức dạy tiếng Pháp miễn phí cho trẻ em từ môi trường thực tế…

TS. Mỹ Hạnh hiện đang mong muốn phát triển phong trào trồng tre cảnh cho mọi gia đình trên địa bàn TP HCM. Ước tính, trung bình mỗi chậu tre cảnh đặt ở góc nhà, hay hành lang, có thể hấp thu khoảng 3 kg khí CO2. Nếu vận động được 1 triệu người trồng tre, sẽ giảm được 3 triệu kg CO2, giải phóng 18.000 tấn oxygen.

Cùng với đó, thông qua chương trình giáo dục yêu mến thiên nhiên và kỹ năng sống, Lớp học Xanh, giới thiệu cây tre, phương pháp trồng và bảo tồn các giống tre xanh, giúp  học sinh nâng cao khả năng quan sát, yêu thiên nhiên với hình bóng cây tre quê nhà.

Điểm nghiên cứu, tham quan lý tưởng

Làng tre nằm tại số 124, đường 744, xã Phú An, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Những năm qua, là một trong những địa điểm du lịch xanh rất được yêu thích ở Bình Dương. Nơi đây không chỉ thu hút những người yêu khoa học đến tìm hiểu về nghiên cứu về hệ sinh thái tre xanh phong phú, đa dạng giống loài mà còn hấp dẫn được nhiều người yêu thiên nhiên, thích sự tĩnh lặng thanh bình. Bước vào khuôn viên làng tre, du khách như lạc bước vào thế giới miền quê yên ả với những rặng tre xanh trải dài bạt ngàn.

Những năm qua, nơi đây là một trong những địa điểm dã ngoại được người dân địa phương và đông đảo du khách yêu thích. Làng tre được ưa thích bởi đơn giản cho người ta những cảm giác bình lặng, thư thái. Đơn giản như trong một ngày đầy nắng dạo bước dưới những hàng tre xanh rì rào trong gió, hay ngồi dưới vòm cây rộn tiếng chim thưởng thức bữa trưa bên gia đình và người thân, hay chỉ là tìm chút hoài niệm thơ ấu trong không gian gần gũi, ấm áp của làng quê Việt Nam qua những hình ảnh cây cầu khỉ, vó lưới cá, những hàng rào đơn sơ, những vật dụng mộc mạc được đan kết từ cây tre.

Dưới những vòm tre quanh năm xanh mát có những con đường sinh thái, nơi mà cái nắng gay gắt của miền Đông Nam Bộ không thể xuyên qua, du khách như lạc vào vào mê cung tre với nhiều giống tre lạ, qúy hiếm. Làng tre có tấm bản đồ Việt Nam khổng lồ xanh biếc điểm sắc hoa vàng từ loài thực vật họ đậu phủ đất (Arachis Pintoi), có khả năng cải thiện đất. Trên đó mỗi một địa phương đều được cụ thể thành đồi, núi tương ứng giới thiệu các loại tre đặc trưng của mỗi vùng.

Nhiều năm qua, làng tre còn trở thành “phim trường” để các đạo diễn thực hiện các tác phẩm điện ảnh, truyền hình. Mỗi năm làng tre còn thu hút hàng trăm đôi uyên ương tìm đến để chụp ảnh cưới. Đây còn là nơi thu hút nhiều nhiếp ảnh gia, các câu lạc bộ nhiếp ảnh và cho ra đời những tác phẩm mang đậm dấu ấn của đời sống người dân Việt Nam gắn bó với lũy tre làng chân thực, mộc mạc.

Hàng năm, làng tre Phú An đón tiếp gần 30.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập, nghiên cứu về công tác bảo tồn tre xanh Việt Nam. Đây cũng là nơi cung ứng cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng tre, cây cảnh cho các trường học, cơ quan, doanh trại quân đội, góp phần cải thiện môi trường và tạo mảng xanh tại địa phương và các vùng lân cận.

Năm 2010, làng tre Phú An đã được Liên hợp quốc trao giải thưởng Xích đạo (Equator Prize) về đa dạng sinh học, trở thành một trong số 21 ngôi làng trên thế giới được trao giải thưởng này. Đây là một giải thưởng dành cho những sáng kiến trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển cộng đồng, phát triển bền vững gắn với mục tiêu giảm nghèo… Năm 2016 được công nhận là thành viên của Hiệp hội các Vườn thực vật nói tiếng Pháp trên thế giới.

Đọc thêm