Khu tưởng niệm Bác Hồ của người cựu chiến binh già

(PLVN) - Đến Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở TP Nha Trang do cá nhân ông Bùi Xuân Phước đầu tư xây dựng, du khách sẽ nhìn thấy tượng Bác Hồ đứng trên hoa sen ở trước sân. Bên trong là không khí trang nghiêm với bàn thờ Bác luôn tỏa khói hương. Ở đó có tượng chân dung Bác bằng đồng được Bộ Tư lệnh Bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng năm 2016.   

Tại Khu tưởng niệm có hơn 150 hình ảnh, hiện vật về Bác được cựu chiến binh Bùi Xuân Phước cất công sưu tầm, phiên bản, xếp đặt trang trọng trong khung kính, tủ kính với chú thích rõ ràng.

Bán nhà để theo đuổi tâm nguyện

Cách trung tâm TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) khoảng 7km về phía Tây Nam, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh của cụ Bùi Xuân Phước (SN 1935, ngụ thôn Phước Tân, xã Phước Đồng, TP.Nha Trang) là một khuôn viên rộng 2.000m2 có tường rào bao quanh, được xây dựng với họa tiết hoa văn hình chim lạc, trống đồng.

Ngồi trò chuyện, cụ Phước bảo, cụ sinh ra ở Đà Nẵng nhưng lại lớn lên ở Phú Yên. Sau ngày đất nước thống nhất, cụ chuyển ngành và được giao giữ chức Trưởng phòng Bảo tồn của Bảo tàng tỉnh Phú Khánh (2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa bây giờ). Năm 1989, khi tách tỉnh, cụ được cử giữ chức Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Yên cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1995. 

Khi còn nhỏ, cụ Phước được học và rất ngưỡng mộ Bác Hồ. Bắt đầu năm 1976, cụ quyết định đi sưu tầm những tư liệu, hiện vật liên quan đến Bác. Hồi ấy, nghe ở đâu có hiện vật hay các tư liệu liên quan đến Bác là cụ tìm đến để xin được in sao thành nhiều bản, đưa về trưng bày ở bảo tàng nơi mình làm việc, số còn lại mang về tích lũy ở nhà.

Sau ngày nghỉ hưu, không lựa chọn ở nơi phố thị ồn ào, cụ Phước lui về giữa vùng quê xã Phước Đồng, mua lô đất rộng hơn 2.000m2 để thực hiện tâm nguyện xây Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh của mình. Trước khi bắt đầu xây Khu tưởng niệm, cụ ngược xuôi khắp các địa phương trong cả nước để sưu tầm hình ảnh hiện vật về Bác, cũng như học tập cách trưng bày, thuyết minh về Bác ở các bảo tàng khác để về xây dựng và áp dụng tại Khu tưởng niệm.

 

Sau khi được tư vấn, giúp đỡ của các cựu đồng nghiệp, các chuyên gia về bảo tàng, tháng 10/1997, cụ bắt đầu khởi công xây dựng từng bước theo quy hoạch. Những ngày đầu khởi công xây dựng, cụ gặp muôn vàn khó khăn, nhất là vấn đề kinh phí. Rồi khi công trình được xây dựng hơn một tháng thì vợ cụ bị bệnh nặng phải đi cấp cứu. Hàng ngày, cụ vừa có mặt để kiểm tra công trình, vừa tất tả ngược xuôi chăm lo cho vợ.

Vợ bệnh nặng, công trình dang dở vì thiếu kinh phí, buộc cụ phải bán đi căn nhà ở đường Trương Định (TP Nha Trang) để có tiền chi trả nhưng cũng không đủ, cụ phải bàn với người con gái bán đi mảnh đất mà vợ chồng cụ đã hứa cho con trước đó.

“Bảo tàng Hồ Chí Minh thu nhỏ”

Đến năm 2002, cụ Phước hoàn thành công trình đầu tiên của Khu tưởng niệm là đền thờ Bác Hồ. Mãi đến năm 2010, cụ mới chính thức khánh thành Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà theo cụ lúc này đã đủ khái quát những điểm son về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác.

Bên trong Khu tưởng niệm, cụ Phước trưng bày những hình ảnh, tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác được sắp xếp theo cụm chủ đề như: quê hương, gia đình và thời niên thiếu; những ngày đầu tham gia phong trào yêu nước; hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam…

Bên cạnh đó, trong Khu tưởng niệm còn có mô hình ngôi nhà sàn được phục chế từ chính ngôi nhà sàn Bác đã sống và làm việc ở Phủ Chủ tịch sau năm 1954; mô hình tàu Amiral Latouche Tréville, người thanh niên Văn Ba - Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911; bản sao viên gạch Người đã dùng để sưởi ấm trong thời gian ở Pháp những năm 1919 - 1923; mô hình ngôi nhà số 9 ngõ Compoint mà Bác đã sống và làm nghề thợ ảnh những năm 1921 - 1923; bản sao micro Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng để đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội)…

“Cái nhà sàn cùng vali dây da, thau rửa mặt, chiếc áo kaki, đôi dép cao su, chiếc mũ cát, viên gạch hồng… tôi phải đặt hàng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam làm”, cụ Phước cho biết.

Tư liệu cụ Phước tâm đắc nhất ở Khu tưởng niệm là tấm ảnh thời khắc Bác lâm chung. Tấm ảnh được cụ phục chế khổ lớn rồi trưng bày ở gian chính của Khu tưởng niệm. Đây là tấm ảnh do một cán bộ cao cấp gần gũi với Bác chụp. Khi người này mất, người vợ biết được nguyện vọng của cụ sưu tầm kỷ vật về Bác nên đã tặng lại.

“Suốt thời gian dài tôi sưu tầm hình ảnh về Bác, muốn có một tấm ảnh Bác yên nghỉ để phóng to, đặt trang trọng tại nơi dâng hương, để những ai chưa có dịp ra lăng Bác khi đến đây vẫn có cảm giác đang được vào lăng viếng Bác. Rồi ngày tôi nhận tấm ảnh, cả tuần không sao chợp mắt, cứ mãi ngắm hình ảnh Bác và nghĩ là Bác đang ngủ”, cụ Phước chia sẻ.

Góp phần giáo dục thế hệ trẻ

Ở Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoài các hiện vật, hình ảnh về Bác Hồ được đặt trang trọng trong gian chính, cụ Phước còn xây dựng một tượng về các đồng đội năm xưa và một bức tượng về Mẹ Việt Nam Anh hùng đặt phía trước sân Khu tưởng niệm để quanh năm hương khói, tưởng nhớ, nhất là vào các dịp lễ, Tết, các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước.

Từ năm 2002, khi đền thờ Bác Hồ trong Khu tưởng niệm hoàn thành cho đến nay, cụ Phước luôn mở cửa đón mọi người khắp nơi đến dâng hương, tưởng nhớ Bác. Sau khi chính thức khánh thành vào năm 2010, du khách đến Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày một đông.

Nhiều cựu binh đến tham quan Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh của cụ Phước. 

“Khi đến Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh của cụ Phước, thắp nén hương dâng lên bàn thờ Bác Hồ, tôi rất xúc động. Đặc biệt, khi nhìn tấm ảnh thời khắc Bác lâm chung, tôi tưởng chừng như đang được vào lăng viếng Bác. Tôi tin rằng, những hình ảnh, kỷ vật về Bác được cụ Phước dày công sưu tầm, phiên bản sẽ giúp mỗi người dân, thế hệ hôm nay và mai sau hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Bác”, ông Nguyễn Văn Thành (du khách đến từ TP HCM) cho biết.

Đặc biệt, lớp lớp học sinh các cấp trên địa bàn TP Nha Trang, các thầy cô thường liên hệ cho học sinh đến đây học ngoại khóa. Sau mỗi buổi học, học sinh lại thích thú được nhìn tận mắt, nghe tận tai về những gì mà các em chỉ mới biết đến trên những trang giấy, qua lời truyền đạt nên rất thích thú.

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh của cụ Phước được khách tham quan và ngay cả những chuyên gia bảo tàng cũng cho rằng, đây thật sự là một “Bảo tàng Hồ Chí Minh thu nhỏ” giữa lòng phố biển Nha Trang.

“Khi tôi qua đời, Khu tưởng niệm sẽ giao lại cho con cháu quản lý. Ý nguyện của tôi là mọi người dân đều có quyền tới đây tham quan, tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác và tất cả đều được phục vụ miễn phí. Khu tưởng niệm cũng góp phần vào việc tuyên truyền, giáo dục các thế hệ trẻ về cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức của Bác Hồ”, cụ Phước chia sẻ.

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho biết: “Tỉnh ủy, UBND tỉnh trân trọng, ghi nhận, đánh giá cao tấm lòng và những việc làm có ý nghĩa sâu sắc của cụ Bùi Xuân Phước. Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện để Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh của cụ Phước ngày càng phong phú hơn, thông qua việc người dân, các đoàn tham quan gửi tặng tư liệu về cuộc đời hoạt động của Bác. Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành xây dựng Khu tưởng niệm là điểm đến của du lịch về truyền thống cách mạng”.
 

Đọc thêm