Khuyến cáo gây bão: "Nên phi hình sự hóa hoạt động mại dâm”

(PLO) - Đại diện UNFPA cho rằng việc hợp pháp hóa, phi hình sự hóa mại dâm giúp quản lý tốt hơn, hạn chế nguy cơ lây nhiễm các bệnh xã hội. Ngược lại cơ quan quản lý cho rằng việc hợp pháp hóa mại dâm sẽ “chưa xuôi”.
Hình minh họa
Hình minh họa

Khó loại trừ, chỉ bàn đến giảm thiểu

Chủ đề quản lý mại dâm thu hút đông đảo ý kiến chuyên gia, cơ quan quản lý trao đổi tại hội thảo do Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội phối hợp với Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức tại Hà Nội ngày 28/3 vừa qua. 

Nhiều ý kiến tham luận cùng chung nhận định mại dâm tồn tại đã lâu. Việc hợp pháp hóa hay ngăn cấm mại dâm còn nhiều tranh luận. Ở một số nước mại dâm được hợp pháp hóa. Họ cho rằng như thế dễ kiểm soát hơn, quản lý tốt hơn.

Còn ở Việt Nam mại dâm là bất hợp pháp, làm mất nhân phẩm phụ nữ, kéo theo các tệ nạn xã hội khác, làm mất hạnh phúc gia đình. Việt Nam coi mại dâm theo quan điểm này.  

Các diễn giả chỉ ra rằng mỗi quốc gia có mô hình quản lý mại dâm riêng. Tới nay chưa mô hình nào tuyệt đối, kể cả hợp pháp hóa hay cấm tuyệt đối. Ngay với các nước hợp pháp hóa vẫn nhận thức mại dâm có những hậu quả lâu dài phát triển văn hóa.

Bên cạnh đó nhiều đại biểu cho rằng vấn đề không phải chấp nhận hay không chấp nhận mại dâm. Điều cốt lõi ở chỗ có nên hình sự hóa mại dâm? Thực tế một số nước chấp nhận mại dâm như một vấn đề xã hội. Hệ thống luật pháp của họ tập trung giải quyết giảm thiệt hại, hỗ trợ người bán dâm trên tinh thần tôn trọng quyền con người.

Ông Trần Văn Đại, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về Xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) trình bày quan điểm không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới đặc biệt quan tâm tới phòng, chống mại dâm cũng như các tệ khác như ma túy, cờ bạc.

“Đã nói tệ nạn xã hội thì rất khó loại trừ mà chỉ hướng đến giảm thiểu. Pháp lệnh Phòng chống mại dâm ra đời từ năm 2003, thực tế mại dâm vẫn diễn ra chắc chắn có nguyên nhân pháp luật”, ông Đại nói và cho biết đồng tình với quan điểm không hình sự hóa mại dâm. Riêng các hành vi liên quan tới mại dâm gồm tổ chức mại dâm, môi giới mại dâm, mua dâm với người chưa đủ tuổi thành niên, vẫn bị xử lý hình sự.

Ông Đại nêu ý kiến tiếp tục nghiên cứu, xem xét các vấn đề nào của pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung. Chẳng hạn như quy định phạt tiền từ 100-300 ngàn đồng với người mua dâm; người nào mua dâm nhiều lần cũng chỉ bị phạt từ 500 ngàn - 1 triệu đồng là chưa đủ sức răn đe.

Kinh nghiệm quản lý mại dâm trên thế giới

Bà Trần Quỳnh Anh đến từ  UNFPA chia sẻ đến hội thảo kinh nghiệm quốc tế trong giải quyết vấn đề mại dâm. Trên thế giới hiện có bốn mô hình quản lý gồm: Hình sự hóa, hình sự hóa một phần, hợp pháp hóa và phi hình sự hóa mại dâm.

Bà Quỳnh Anh đến từ UNFPA cho rằng nên phi hình sự hóa mại dâm
Bà Quỳnh Anh đến từ UNFPA cho rằng nên phi hình sự hóa mại dâm

Khu vực Châu Á, Thái Bình Dương có 37/38 nước áp dụng hình sự hóa toàn phần, hình sự hóa một phần mại dâm. Qua thực tế áp dụng thấy gây ra một số điểm bất lợi như tăng kỳ thị, phân biệt đối xử với người bán dâm vì bị xem là vi phạm pháp luật, từ đó làm giảm khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội. Người bán dâm  bị phân biệt đối xử phải hoạt động trong bóng tối, lo sợ không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ dẫn tới xây dựng chính sách chưa đầy đủ. 

Đối với mô hình hợp pháp hóa mại dâm tức đưa các hoạt động mại dâm vào các khu vực để quản lý, kinh nghiệm khi áp dụng cũng cho thấy nhiều bất lợi bởi đa số người hành nghề tập trung ngoài khu vực được quản lý.

Với mô hình phi hình hình sự hóa, đại diện UNFPA lưu ý việc bãi bỏ các quy định xử lý hình sự không có nghĩa buông lỏng quản lý. Riêng các hoạt động mại dâm liên quan đến mua bán người, mua bán dâm với người chưa thành niên vẫn bị xử lý hình sự. 

Bà Quỳnh Anh đưa ra ví dụ, cho rằng New Zealand áp dụng mô hình phi hình sự hóa từ năm 2003 cho thấy nhiều lợi ích. Ví dụ trước đây New Zealand e ngại phi hình sự hóa sẽ tăng mại dâm, nhưng đánh giá của nước này không tăng; các tệ nạn xã hội khác cũng không tăng lên. Ngược lại người hành nghề mại dâm được tiếp cận thông tin, tiếp cận các dịch vụ y tế. Họ cảm thấy thoải mái nên dễ báo cáo khi bị bạo lực.

Từ những phân tích trên, UNFPA khuyến cáo các nước nên tính toán tiến tới phi hình sự hóa mại dâm; cần xây dựng luật trên tinh thần tôn trọng quyền con người, chống phân biệt đối xử. Các dịch vụ y tế phải sẵn sàng tiếp cận người hành nghề mại dâm, tăng cường hỗ trợ nhóm đối tượng này về thủ tục pháp lý như giấy tờ thân nhân.

“Những người coi mại dâm là nghề vẫn chiếm thiểu số” 

Trước những ý kiến cho rằng nên công nhận mại dâm là một nghề để quản lý chặt chẽ hơn, nguyên thứ trưởng Bộ Lao động, ông Nguyễn Trọng Đàm chia sẻ tới nay không có quốc gia nào phi hình sự hóa hoàn toàn mại dâm.

Ông Đàm cho rằng nếu cấm mại dâm thì nên nâng pháp lệnh lên thành luật, quy định chặt chẽ hơn. Và tương lai vẫn như cũ, có nghĩa mại dâm tồn tại, nguy hại vẫn cao. Còn nếu luật mới công nhận mại dâm là một nghề thì liệu đã “xuôi” được chưa? 

“Tôi đoán là chưa “xuôi” bởi  những người coi mại dâm là một nghề vẫn chiếm thiểu số. Muốn thay đổi thái cực rất khó, chúng ta tự hình dung các chị em ngày nay đi làm công nhân, mai không thích đi làm mại dâm”, ông nói và chỉ ra nếu xem mại dâm là nghề thì cần giải quyết một loạt vấn đề kèm theo. Đó là điều kiện hành nghề, hoạt động ở đâu, đã là nghề phải có giới thiệu, quảng cáo.  

Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập: “Không phát triển, không thể thành lập phố đèn đỏ, không có nghề mại dâm ở Việt Nam”
Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập: “Không phát triển, không thể thành lập phố đèn đỏ, không có nghề mại dâm ở Việt Nam”

Tỏ rõ lập trường hơn, Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội Nguyễn Xuân Lập khẳng định: “Quan điểm cá nhân của tôi trên cương vị Cục trưởng là không phát triển, không thể thành lập phố đèn đỏ, không có nghề mại dâm ở Việt Nam tới 2020. Trong quá trình nghiên cứu, đánh giá, áp dụng những điều kiện cụ thể đã có những bước tiến nhưng cần khẳng định cần loại bỏ những hình thức tổ chức mại dâm bất hợp pháp, liên quan đến buôn bán bóc lột tình dục với phụ nữ và trẻ em”.

Nhấn mạnh về việc không thể cho tồn tại “phố đèn đỏ”, cục trưởng Lập nói cần nghiên cứu thấu đáo, nên thành lập các khu vui chơi giải trí chứ không phải cứ thành lập đặc khu là phải có “phố đèn đỏ” mới phát triển kinh tế: “Nếu công nhận mại dâm là một nghề rất khó vì theo luật giáo dục nghề nghiệp phải có giáo trình dạy nghề, thang bảng lương, rồi ông tổ nhà nghề, quá phức tạp”.

Nói về việc có nên hình sự hóa mại dâm, ông Lập trả lời: “Hình sự hóa hay phi hình sự quan trọng phải phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam”. Vị cục trưởng nhấn mạnh tới việc huy động cộng đồng, xã hội tăng cường công tác giảm hại đối với người bán dâm và gia đình họ. Cụ thể như nâng cao dịch vụ, khả năng tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội của người bán dâm, hỗ trợ tài chính - pháp lý với các nhóm đồng đẳng để qua đó tiếp cận tốt hơn với người bán dâm.

Nguyên thứ trưởng Bộ Lao động Nguyễn Trọng Đàm, người từng phụ trách lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội đề xuất hai tên gọi nếu nâng pháp lệnh Phòng chống mại dâm lên thành luật. Có thể gọi là “Luật phòng ngừa và giảm thiểu tác hại của mại dâm”, hoặc “Luật phòng ngừa và giảm thiểu mại dâm”. “Tên gọi chỉ rõ mục tiêu hướng đến là phòng ngừa và giảm thiểu tác hại. Nếu như quy định thành luật chúng ta sẽ có nhiều quy định để phòng ngừa. Ví dụ như cấm tuyệt đối mại dâm đứng đường”, ông Đàm nói.