Kích cầu du lịch bằng dân ca, dân vũ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1039/QĐ-BVHTTDL về việc xây dựng Đề án "Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030". 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nỗi lo mai một

Việt Nam có sự đa dạng về bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số với 54 dân tộc anh em, trong đó mỗi dân tộc lại mang một màu sắc riêng, có dân nhạc riêng. Tuy nhiên, nhiều dân tộc đang chật vật với nỗi lo mai một dần những giá trị dân nhạc, những âm điệu truyền thống của dân tộc mình. Nhiều dân tộc nhỏ lẻ với số dân dưới một nghìn người như Si La (Lai Châu), Pu Péo (Hà Giang), Ơ Đu (Nghệ An)… khó có khả năng và điều kiện tự bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Những giá trị về dân nhạc nổi bật như tính tẩu của người Tày, Thái; tơ rưng, cồng chiêng của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên; khèn của người Mông… là những nhạc cụ điển hình của từng dân tộc. Tương tự, những điệu múa sạp, múa chiêng của đồng bào Mường, Thái; múa trống, múa xúc tép của dân tộc Cao Lan; múa chèo thuyền, múa hoa sen của đồng bào Khmer Nam Bộ… đều là những di sản văn hóa tinh thần đặc biệt của các dân tộc. Tuy nhiên, tất cả những loại hình nghệ thuật này đều đang dần ít xuất hiện.

Nói về vấn đề này, nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam cho rằng: “Mặt trái của quá trình giao lưu văn hóa là yếu tố bản sắc dân tộc rất có thể bị mất đi. Các hình thức nghệ thuật, những điệu múa cổ truyền cũng ngày càng vắng bóng. Những người lớn tuổi trong mỗi cộng đồng dân tộc không còn điều kiện truyền lại các kỹ năng, hiểu biết của mình cho lớp trẻ, bởi nhiều người cho rằng, việc giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống này ít có giá trị trong cuộc sống hiện đại”.

Mặt khác, những giá trị tinh thần của dân tộc thiểu số đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch. Sự thiếu hụt những hoạt động trải nghiệm, những làn điệu âm nhạc, dân nhạc, dân vũ của đồng bào dân tộc thiểu số khiến hoạt động du lịch phần nào nhàm chán, thiếu màu sắc đặc trưng. Trong khi đó, thực tế cho thấy nhiều địa phương nhờ việc bảo tồn tốt những giá trị tinh thần, bản sắc văn hóa của dân tộc cũng đã phát triển tốt du lịch, thu hút nhiều du khách tham quan, trải nghiệm. 

Chính vì vậy, Đề án "Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị của dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" là cơ hội để người dân tộc thiểu số giữ được những giá trị tinh thần bản sắc. Thông qua việc phục dựng và bảo tồn những giá trị đó, âm điệu dân tộc sẽ tạo nên màu sắc riêng, đặc trưng và tạo nên dấu ấn nổi bật đối với việc phát triển du lịch, đặc biệt các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái…

Bảo tồn giá trị văn hoá đặc sắc

Trong mỗi gia đình dân tộc, việc lưu truyền và gìn giữ âm nhạc cổ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cũng là cách để họ bảo tồn giá trị di sản của dân tộc mình. Chẳng hạn như làn điệu H’ri - một làn điệu dân ca Chăm xuất phát từ trong lao động, sản xuất được đồng bào Chăm sử dụng rộng rãi trong ngày hội làng, đám ma, đám cưới…

Trong sinh hoạt gia đình, làn điệu H’ri là lời ru người mẹ dùng căn dặn con về điều hay, lẽ phải và dạy con sau này lớn lên làm người có ích cho xã hội. Trong những đêm trăng và đêm hội làng, các chàng trai, cô gái cũng sử dụng làn điệu H’ri để hát đối đáp, trao lời thề, lời nguyện ước…

Việc bảo tồn các giá trị dân vũ, dân ca của đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề đã được nhắc đến từ lâu, trong đó chính bản thân những người dân tộc thể hiện vai trò tiên phong trong các hoạt động này. 

Anh Rmah Mich, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) là một trong những thanh niên dân tộc thiểu số tiêu biểu được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tại Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc tiêu biểu toàn quốc năm 2020.

Với ý thức giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc, anh Mich đã tìm đến các vị già làng, người uy tín trong làng để nghe kể về văn hóa, lịch sử, nhạc cụ của người Bahnar. Để thanh niên Bahnar trong làng không quên lãng những bài chiêng, những bài hát kể, hát khan giao duyên hay những điệu cồng chiêng cộng đồng, anh đã truyền dạy những kiến thức của mình cho họ, từ đó gìn giữ được những âm điệu dân ca, dân vũ của dân tộc mình. 

Theo GS Hoàng Chương, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, thời gian qua, để âm nhạc dân tộc đến gần công chúng, nhiều loại hình nghệ thuật đã có những cách làm mới để hút khán giả, nhưng vấn đề là chúng vô tình lại làm mờ dần bản sắc dân tộc. Chẳng hạn, hát quan họ thì hát theo đĩa, hát xẩm thì lại minh họa bằng… múa lửa; đánh cồng chiêng thì minh họa bằng làm xiếc, ảo thuật.

Vì thế, có thể nói, việc đưa vào xây dựng Đề án “Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030” tạo cơ chế để giữ giá trị âm nhạc truyền thống dân tộc trong sự bão hòa của thị trường hiện nay. 

Đọc thêm