"Kiểm chặt" thu nhập cán bộ mới chống được tham nhũng

Một số ĐBQH phản ánh một mâu thuẫn trong thực tế là “thu nhập công khai của nhiều cán bộ không cao, nhưng mức sinh hoạt rất cao” nên đề nghị phải có qui định để làm rõ các “khoản thu nhập ngoài lương”. Đó sẽ là biện pháp ngăn chặn các khoản thu nhập bất chính – “con đường” dẫn đến tham nhũng.

Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) mới đây, cùng với việc khẳng định sự cần thiết của việc sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng (PCTN) để đáp ứng yêu cầu công cuộc PCTN hiện nay, các ĐBQH vẫn không khỏi băn khoăn khi dự thảo Luật vẫn còn thiếu nhiều quy định cụ thể…

Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, kiểm soát thu nhập là cách thức chống tham nhũng có hiệu quả

Kê khai tài sản: Sao cho thực chất

Đa số ĐBQH đều nhận định, “nếu không kiểm soát được thu nhập, chống tham nhũng sẽ khó khăn” nên những quy định về kê khai tài sản trong dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) là cần thiết. Điều các ĐBQH quan tâm là biện pháp để qui định này được thực hiện một cách thực chất.

Theo dự thảo Luật, đối tượng phải kê khai tài sản được mở rộng hơn so với Luật hiện hành, nhưng không nhận được sự đồng tình của nhiều ĐBQH vì “mở rộng ra sẽ càng hình thức, không kiểm soát quản lý được” như ý kiến của ĐB Nguyên Đình Quyền (TP.Hà Nội), nhất là khi “việc thực hiện quy định công khai tài sản trong cán bộ lãnh đạo, Đảng viên hiện nay còn đang rất hình thức” như hiện nay. Tán thành quan điểm này, ĐB Bùi Sỹ Lợi (tỉnh Thanh Hóa) cũng cho rằng, “mở quá rộng trong khi chưa quản lý được việc kê khai tài sản sẽ chỉ khiến cho việc thực hiện hình thức, không hiệu quả, mà chế tài đưa ra chưa đủ…”.

Nhưng cũng có những ĐBQH đồng tình với qui định mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản đối với tất cả công chức, viên chức, Đảng viên để “kiểm soát, phòng ngừa những sai phạm dễ mắc trong quá trình công tác”. Lý do để ĐB Huỳnh Văn Tiếp TP.Cần Thơ) tán thành quan điểm trên là: “Hiện nay, cán bộ công chức không phải là Đảng viên, mà thực hiện thẩm tra dự án, liên quan nhiều đến “hoa hồng”, tham nhũng.

Thế nên, đề nghị thêm cán bộ, công chức, viên chức kê khai cho minh bạch góp phần theo dõi thủ trưởng của mình, không phân biệt Đảng viên hay không”. Và biện pháp để việc kê khai tài sản được thực hiện thực chất khi “người thủ trưởng cơ quan thể hiện trách nhiệm người đứng đầu và gương mẫu thực hiện yêu cầu đó”.

Quan tâm đến mức độ công khai tài sản, một số ý kiến cho rằng cần có sự cân nhắc làm sao “vừa bảo đảm để nhân dân giám sát, nhưng không xảy ra hiện tượng "quá tả", hoặc phát sinh tiêu cực, trù úm, bôi nhọ vì mục đích cá nhân”. ĐB Nguyễn Viết Nhiên (TP.Cần Thơ) đề nghị, kê khai tài sản gộp cả tài sản của những người có huyết thống với người phải kê khai tài sản và cần qui định trách nhiệm của người kê khai tài sản giải trình trong cơ quan, đơn vị về nguồn gốc những tài sản đó.

Một số ĐBQH phản ánh một mâu thuẫn trong thực tế là “thu nhập công khai của nhiều cán bộ không cao, nhưng mức sinh hoạt rất cao” nên đề nghị phải có qui định để làm rõ các “khoản thu nhập ngoài lương”. Đó sẽ là biện pháp ngăn chặn các khoản thu nhập bất chính – “con đường” dẫn đến tham nhũng.

Giữ “đường” cho báo chí chống tham nhũng

Đề cao đến vai trò của xã hội, báo chí, truyền thông trong công tác PCTN, nhiều ĐBQH nhấn mạnh, đại đa số vụ việc phát hiện tham nhũng là do báo chí, người dân, rồi cơ quan chức năng mới vào cuộc. Vì thế, ĐB Bùi Thị An (TP.Hà Nội) lo lắng về cơ chế bảo vệ người phát hiện tham nhũng bởi “hiện nay cơ chế này chưa rõ ràng khiến người dân e ngại”.

Theo dự thảo, cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp nội dung thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Viện trưởng VKSND hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng, nhưng ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhận xét, qui định như vậy là “bước lùi” khi yêu cầu báo chí phải cung cấp nguồn tin để phục vụ điều tra xét xử trong mọi trường hợp, không phải chỉ đối với tội phạm nghiêm trọng như Luật PCTN hiện hành.

Bên cạnh đó, qui định này còn khiến Điều 7 Luật Báo chí (“Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng VKSND hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”) trở nên lạc lõng.

Do đó, giữ nguyên như luật hiện hành sẽ có lợi cho việc phát huy sức mạnh của báo chí trong công cuộc PCTN bởi “bảo vệ nguồn tin là yếu tố cực kỳ quan trọng để báo chí phát huy vai trò tích cực của mình trong PCTN”- ông Nghĩa khẳng định. Một số ĐBQH cũng có cùng đề nghị điều chỉnh qui định về trách nhiệm cung cấp thông tin của báo chí trong dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) theo hướng tránh xung đột với Luật Báo chí như vậy…

Ngoài ra, nhiều đại biểu cho rằng, một số vấn đề khác cũng chưa được dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) đề cập hoặc chưa được quy định cụ thể như trách nhiệm giải trình của người có chức vụ, quyền hạn trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; công khai, minh bạch trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội và trên một số lĩnh vực quan trọng khác, trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác PCTN, về các biện pháp bảo đảm thực hiện như về trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch trong một số lĩnh vực, hoạt động, xử lý tài sản tham nhũng, kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, xác định trách nhiệm của người đứng đầu…

Hương Giang

Đọc thêm