Kiểm tra, xử lý văn bản QPPL: Không làm theo kiểu “được chăng hay chớ”

 “Từ năm 2011, công tác thể chế hóa được đặt ở tầm cao mới, nên công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật  phải nghiêm để phát huy hiệu quả” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhắc nhở. Đó cũng là định hướng để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác này.

“Từ năm 2011, công tác thể chế hóa được đặt ở tầm cao mới, nên công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật  phải nghiêm để phát huy hiệu quả” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhắc nhở. Đó cũng là định hướng để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác này.

Theo đánh giá của Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), hạn chế lớn nhất trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) chính là việc xử lý VB theo thông báo của cơ quan kiểm tra. Thực tế hiện nay, hầu hết các cơ quan, địa phương có VB bị “nhắc nhở” rất chậm trả lời (so với thời hạn 30 ngày để tự kiểm tra, xử lý VB theo qui định của Luật Ban hành VBQPPL). Hoặc có xử lý thì lại không đúng pháp luật như ban hành VB mới sửa đổi, bổ sung hay thay thế VB trái pháp luật, trong khi theo qui định thì phải hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ VB đó.

Hậu quả lớn nhất của cách xử lý theo kiểu “chiếu lệ” này như nhận định của ông Đồng Ngọc Ba - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL- cũng như nhiều chuyên gia pháp lý là “không giải quyết được dứt điểm những vấn đề phát sinh, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức, do suốt thời gian dài áp dụng VB trái pháp luật”. Bên cạnh đó, sẽ tạo ra tiền lệ xấu, không đảm bảo trật tự kỷ cương trong xây dựng, ban hành VBQPPL “cũng khiến các Bộ, ngành, địa phương “nhờn” vì có thể áp dụng VB trái pháp luật mà không có vấn đề gì”.

Từ những hạn chế trong công tác kiểm tra VBQPPL, các chuyên gia pháp lý còn nhận thấy, hệ thống pháp luật về công tác này còn nhiều “lỗ hổng”. Nổi lên là chưa có qui định về thời hạn phải kiểm tra VBQPPL sau khi ban hành. Nên trong thực tế là thường kiểm tra chậm (như nhiều VB ban hành từ năm 2006 nhưng đến 2010 mới được kiểm tra) dù đáng lẽ phải kiểm tra ngay để hạn chế hậu quả (nếu có).

Theo số liệu của 9 Bộ, ngành và 62 địa phương, năm 2010, qua tự kiểm tra, các Bộ, ngành và địa phương đã phát hiện 237/10.078 VB có dấu hiệu trái pháp luật (chiếm 2,3% số VB đã tự kiểm tra).

(nguồn: Cục Kiểm tra VBQPPL – Bộ Tư pháp)

Trong các VBPL về công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL có các qui định liên quan đến “xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức tham mưu, đề xuất xây dựng VBQPPL”. Song theo ông Nguyễn Thái Sơn (Văn phòng Chính phủ), qui định này chưa được hướng dẫn thực hiện, nhưng cũng không nên được đặt ra. Tán thành quan điểm này, bà Nguyễn Thúy Hạnh (Vụ Pháp luật Hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp) cho rằng, rất khó xác định trách nhiệm này, mà xử lý sẽ không khuyến khích công tác tham mưu, trừ trường hợp xác định có hành vi vi phạm pháp luật trong việc tham mưu, đề xuất...

Góp ý về công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, “công tác kiểm tra VBQPPL là công cụ rất quan trọng để tăng tính pháp quyền trong hoạt động của Nhà nước và tăng vị thế của Bộ, ngành Tư pháp”. Trước những kết quả của công tác này, trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng, cần đổi mới cách tiếp cận việc thực hiện nhiệm vụ này, không thực hiện theo kiểu “được chăng hay chớ”, mà phải gắn với các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của từng thời kỳ và thực hiện kiểm tra, xử lý “cuốn chiếu” theo các nội dung trọng tâm trong năm. Như vậy, “sẽ tránh được tình trạng bỏ ngỏ VB, do chưa xác định được trọng tâm về công tác kiểm tra VBQPPL trên cả nước, khi hệ thống VBPL “bao la như biển cả”.

Đặc biệt, để tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL, các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến vai trò của lãnh đạo các cơ quan có chức năng ban hành VBQPPL và chính quyền địa phương trong việc nghiêm túc thực hiện xử lý VB trái pháp luật, tạo điều kiện về kinh phí, nhân lực cho công tác VB, pháp chế...

Huy Anh

Đọc thêm