Kim sách Triều Nguyễn - di sản vô giá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) vừa phối hợp tổ chức Không gian trưng bày “Châu bản Triều Nguyễn - Ký ức một triều đại”. Tại đây, công chúng được chiêm ngưỡng kim sách bằng vàng, niên hiệu Gia Long năm thứ 18 (năm 1819) ghi chép việc lên ngôi Hoàng đế của Vua Minh Mệnh.
Kim sách bằng vàng, niên hiệu Gia Long năm thứ 18 (năm 1819) ghi chép việc lên ngôi Hoàng đế của Minh Mệnh. (Ảnh: Bảo Châu)
Kim sách bằng vàng, niên hiệu Gia Long năm thứ 18 (năm 1819) ghi chép việc lên ngôi Hoàng đế của Minh Mệnh. (Ảnh: Bảo Châu)

Thư tịch cổ đặc biệt

Triều Nguyễn tồn tại gần 150 năm (1802 - 1945) với 13 triều vua, đã cho đúc số lượng kim sách vô cùng lớn. Sự ra đời, mục đích, nội dung của kim sách hầu hết được ghi chép đầy đủ trong các thư tịch cổ đương thời như “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam liệt truyện”, “Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ”...

Kim sách Triều Nguyễn là một loại thư tịch cổ đặc biệt để ghi lại sắc mệnh, chiếu dụ vua ban về các việc chính sự, lễ nghi triều đình. Việc chế tạo kim sách giao cho Hữu ty thuộc bộ Lễ thực hiện. Lời sách do đích thân các hoàng đế tự biên soạn hoặc sai các danh nho, đại thần đương thời chấp bút.

Lâu nay nhiều người vẫn nghĩ số kim sách này đã bị thất lạc hết hoặc không rõ số phận ra sao. May mắn thay, hiện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đang lưu giữ một sưu tập gồm những kim sách quí nhất, quan trọng nhất và linh thiêng nhất của vương Triều Nguyễn. Đặc biệt, trong sưu tập có nhiều quyển kèm theo kim bảo (ấn vàng, ấn bạc) được ban phong trong cùng thời điểm, cùng sự kiện.

Kim sách Triều Nguyễn thường được làm bằng vàng hoặc bạc mạ vàng, theo khổ chữ nhật đứng, bìa trang trí hình rồng 5 móng và hình phượng, gáy đóng 4 khuyên tròn. Bởi vậy, mỗi quyển kim sách là độc bản, không những chứa đựng các thông tin giá trị về lịch sử, văn hóa của triều đại mà còn là một di sản vô giá.

Thăng trầm kim sách

TS.Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho hay công đoạn chế tạo được tiến hành rất khắt khe ngay từ khâu tuyển chọn nghệ nhân. Những bậc thầy giỏi nhất trên toàn quốc được tuyển chọn về xưởng chế tác của triều đình. Những xưởng này nằm ngay trong Hoàng cung Triều Nguyễn, phía đông của Tử Cấm Thành, ở khu của Phủ Nội vụ - kho tàng lưu trữ những kho báu của triều đại. Do vậy, quy trình chế tác rất kỳ công và được kiểm soát nghiêm ngặt.

Ví dụ, vàng để chế tạo kim sách không phải vàng 10 tuổi mà là vàng non hơn để dễ chế tác, nhưng được tinh luyện và được giám định rất tỉ mỉ. Người thể hiện thư pháp cũng đều là bậc đại bút trong Hàn lâm Viện. Sau đó, thợ thủ công mới khắc chữ đó lên vàng hoặc bạc mạ vàng. Nếu có sai phạm dù chỉ một chút cũng bị phạt nặng. Các tác phẩm khi hoàn thiện gần như đạt mức hoàn hảo vì được chế tác và giám sát công phu. Các kim sách, kim ấn mang tính tượng trưng cao, vì bản thân kim sách và kim ấn được đúc ra để sử dụng như một vật thờ, trưng bày như là một sự tôn vinh.

TS. Phan Thanh Hải chia sẻ, những cuốn kim sách là những bảo vật độc bản, được chế tác rất tinh xảo đạt đến trình độ cao về mặt mỹ thuật và kỹ thuật. Trong suốt 143 năm của Triều đại nhà Nguyễn với chín chúa, mười ba vua và rất nhiều hoàng hậu, hoàng thái tử, hoàng tử, công chúa... chắc chắn số lượng kim sách được làm là vô cùng lớn. Đáng tiếc, những báu vật này đã bị hủy hoại gần hết.

Đặc biệt, năm 1862, sau khi ký hòa ước Nhâm Tuất với thực dân Pháp, Hoàng đế Tự Đức đã phải thu hồi nhiều kim sách, kim ấn đã ban cho các hoàng thân, công chúa trước đây, nấu thành thỏi để bồi thường chiến phí. Từ đời Vua Đồng Khánh (1885 - 1889) về sau, do tình hình quốc khố nghèo nàn, những kim sách, kim bảo theo lệ cũ làm bằng vàng đều đổi thành bạc mạ vàng.

Sinh thời, Giáo sư Nguyễn Lân từng nhắc lại kỷ niệm thời ông là thành viên Ban điều hành Chương trình Tuần lễ vàng. Theo đó, năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Tuần lễ vàng (từ ngày 4/9/1945) nhằm khuyến khích người dân đóng góp cho ngân sách quốc gia để tháo gỡ sự khó khăn tài chính của đất nước. Bấy giờ, có nhiều ý kiến là nên lấy các ấn và cuốn sách bằng vàng của Triều đình nhà Nguyễn để nấu chảy, bổ sung ngân khố quốc gia. Nhưng đề xuất này không được Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý. Người phân tích: “Đây là bằng chứng vật chất còn lại để thế hệ mai sau biết về văn hiến nước nhà, để con cháu còn có bằng chứng mà tự hào với các nước”.

Mỗi quyển kim sách không những chứa đựng những thông tin giá trị về lịch sử, văn hóa triều đại mà còn là một di sản vô giá. Thời gian tới, các nhà nghiên cứu sẽ làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận kim sách là Di sản Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đọc thêm