Kịp thời, công bằng và minh bạch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 13/7, Phiên họp thứ 58 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV.
Kịp thời, công bằng và minh bạch

Trong rất nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước có việc mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương khẩn trương thực hiện gói 26.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ, góp phần duy trì, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho nhân dân.

Có thể nói, gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng là sự trợ giúp kịp thời của Chính phủ, thể hiện tính chất ưu việt của chế độ, luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của quốc kế.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến sản xuất và thị trường lao động nước ta. Hậu quả khiến hàng trăm nghìn lao động bị mất việc làm, hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc và giảm thu. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã buộc phải ngừng hoạt động.

Trên cơ sở bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, rút kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 nhằm kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tổng giá trị gói hỗ trợ vào khoảng 26.000 tỷ đồng.

Hàng triệu người bị giảm sâu thu nhập sẽ được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt để đảm bảo mức sống tối thiểu. Qua đó nhằm mục tiêu góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định lao động, việc làm, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động, duy trì mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Vấn đề lúc này là làm sao để gói 26.000 tỷ đồng kịp thời đến tay đối tượng được hỗ trợ? Nhiều địa phương đã thành lập “đường dây nóng” và tổ công tác gồm lãnh đạo các sở phối hợp với ban văn hóa xã hội của HĐND để kịp thời hướng dẫn. Bước quan trọng nhất vẫn là rà soát, phân loại các nhóm đối tượng được hỗ trợ. Riêng với nhóm lao động tự do, các tỉnh, thành phố cũng đang lên kế hoạch để rà soát số lượng cụ thể, xem xét, cân đối ngân sách để có thể hỗ trợ sớm nhất...

Vì COVID-19 nên mới có gói hỗ trợ, do vậy không thể đổ lỗi cho dịch bệnh để chậm triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. Tục ngữ Việt Nam có câu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Giữa khó khăn do đại dịch gây ra, những tấm lòng “nhường cơm, sẻ áo” với bà con nghèo đang lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” của người Việt khắp nơi. “Không để ai bị bỏ lại phía sau” là phương châm hành động của Chính phủ. Vấn đề là cần đảm bảo kịp thời, công bằng, minh bạch.

Đọc thêm