Kom Tum: “Thả nổi” cho rừng phòng hộ Đăk Long bị “xẻ thịt”

(PLO) -Những cây gỗ to bị cưa đổ ngổn ngang, từng hộp gỗ lớn đã bị những tên “lâm tặc” xẻ thịt và vận chuyển ra khỏi rừng phòng hộ. Đó là khung cảnh hoang tàn mà phóng viên báo Pháp luật Việt Nam ghi nhận được trong quá trình thâm nhập vào rừng phòng hộ thuộc xã Đăk Long, huyện Đăk-Glei, tỉnh Kon Tum.
Rừng phòng hộ “chảy máu”.

Trong quá trình thâm nhập, tiếp cận nhiều nhà dân tại xã Đăk Long, nhóm phóng viên không khỏi ngỡ ngàng khi phát hiện, hầu như nhà nào cũng đều chứa gỗ lậu trước nhà.

Người ít thì 3-4m3, người nhiều thì 9-10m3. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Có hay không việc cơ quan chức năng huyện Đăk-Glei “làm ngơ” cho việc phá rừng và tàng trữ gỗ trái pháp luật?.

“Máu rừng” vẫn chảy

Sau khi báo Pháp Luật Việt Nam, Câu chuyện Pháp luật có những loạt bài điều tra về tình trạng phá rừng ngang nhiên, công khai trên địa bàn các huyện của tỉnh Kon Tum.

Mới đây nhất, đường dây nóng của báo lại nhận được những thông tin phản ánh về việc phá rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Đăk-Glei (Kon Tum).

Theo thông tin từ một người chuyên làm gỗ (nay đã giải nghệ) phản ánh, xã Đăk Long là địa bàn “nóng” về tình trạng phá rừng, bởi đây là xã nằm xa trung tâm huyện Đăk-Glei, địa hình bị chia cắt. Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, do xã Đăk Long nằm biệt lập nên bất kỳ người lạ nào đi vào đều sẽ bị chú ý.

Để vào được trung tâm xã, chúng tôi phải cải trang thành những người đi buôn bò. Từ trung tâm huyện Ngọc Hồi, chúng tôi di chuyển bằng xe máy xuôi theo QL14C, đi khoảng 20km thì đến được ngã 3 Đăk Long (huyện Đăk-Glei). Từ đây, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình hơn 15km nữa mới vào được đến Đồn biên phòng 673. 

Khi thấy những mái nhà nằm nép mình bên những dãy núi xanh tươi bạt ngàn rừng cây, chúng tôi ngỡ tưởng cuộc sống ở đây vô cùng yên bình. Nhưng một thực tế cho thấy rằng, bên dưới những rừng cây đó, có không ít thế lực đã “một tay che trời’ và đang từng ngày, từng giờ “rút ruột” những cánh rừng xanh tươi để kiếm lợi một cách bất chính. 

Chúng tôi cũng đặt ra một câu hỏi: “Nếu như một số cán bộ không tha hóa về mặt đạo đức, làm ngơ cho lâm tặc thì liệu những cây gỗ đó có ra nổi khỏi rừng hay không?”.

Theo lời hướng dẫn, chúng tôi phải gửi xe máy để tiếp tục đi bộ khoảng 10km nữa mới lên được hiện trường vụ phá rừng phòng hộ. Khi đôi chân đã thấm mệt với bao cố gắng nhằm phanh phui sự việc, làm rõ trách nhiệm của những cán bộ có thẩm quyền khi để xảy ra phá rừng, cuối cùng, chúng tôi cũng đã tiếp cận được cửa rừng phòng hộ. 

Tại đây, theo ghi nhận của phóng viên, đã có lác đác vài ba cây gỗ, đường kính nhỏ đã bị cưa đổ ngay “cửa rừng”. Bên cạnh đó, dấu vết mùn cưa và từng phách gỗ đã bị cưa xẻ còn rất mới.

Tiếp tục đi sâu vào rừng, theo ghi nhận, tại tiểu khu 129, thuộc thôn Pêng Blong, xã Đăk Long, huyện Đăk-Glei có một số cây đường kính lớn đã bị cưa hạ, vết cưa rất ngọt và sắc, cành và lá bắt đầu héo úa,  tuy nhiên, không hiểu vì sao mà gỗ vẫn chưa được chuyển ra khỏi rừng. Để tránh bị “lâm tặc” phát hiện, chúng tôi đành phải quay ra khỏi rừng.

Sau khi quay lại “cửa rừng” phòng hộ, chúng tôi tiếp tục thâm nhập vào các khu vực lân cận. Không thể tin nổi vào mắt mình, một cây gỗ có đường kính khoảng 2 người ôm đã bị cưa hạ. Tại hiện trường, nhiều hộp gỗ đã bị cưa xẻ và vận chuyển đi, còn sót lại các phách gỗ nhỏ, phần ngọn và 1 phiến gỗ tròn dài khoảng 1m.

Hiện trường vụ phá rừng phòng hộ.

Theo dấu xe sắt

Càng về chiều, cơn mưa rừng càng nặng hạt, chúng tôi đành quay trở lại trung tâm xã Đăk Long. Khi ra chưa được bao xa, chúng tôi phát hiện tiếng xe sắt đang đi về hướng cửa rừng phòng hộ. Bất ngờ gặp mặt người lạ, 3 thanh niên đi trên 2 xe sắt bỗng dưng đứng khựng lại với ánh mắt dò xét nhìn chúng tôi. 

Theo quan sát, 3 thanh niên này mang theo cưa lốc, xăng dầu và lương thực đi theo hướng rừng phòng hộ. Khi được hỏi, 3 thanh niên trả lời lúng túng là đi lấy phong lan rừng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại xã Đăk Long, do nằm sát “cửa rừng” nên lượng xe sắt độ chế một ngày một nhiều. Đây là phương tiện chính dùng để chở gỗ từ rừng ra. Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Đăk Long đã có không dưới 50 xe sắt hoạt động rầm rộ khắp các cánh rừng trên địa bàn.

Để biết được hoạt động khai thác gỗ trắng trợn như thế nào, chúng tôi bắt đầu theo dấu các xe sắt. Khi những chiếc xe sắt hướng theo con đường vành đai biên giới (từ Đồn biên phòng 673 lên Đồn biên phòng 671 Rơ Long), trên đường đi, chúng tôi vô tình bắt gặp 2 khúc gỗ đã được cưa xẻ, dài khoảng 2m và có đường kính hơn 1 người ôm, nằm sát với con đường vành đai biên giới. 

Tiếp tục đi theo các tay “lâm tặc” xe sắt, để vào được rừng phòng hộ, chúng tôi phải đi qua 1 trạm quản lý bảo vệ rừng phòng hộ.

Khi khoảng cách sắp gần đến Đồn biên phòng 671 Rơ Long, chúng tôi đi sâu vào các con đường nhỏ rẽ vào rừng phòng hộ, đi chưa được bao xa, phóng viên phát hiện 2 gốc cây to đã bị những tay “lâm tặc” đốn hạ. Tại hiện trường, những phách gỗ đã được xẻ và đã vận chuyển đi.

Hơn 10m3 gỗ không có giấy tờ để ngay mặt đường mà cơ quan chức năng “không thấy”. (Ảnh: Thiên Phong).

Ngang nhiên chứa gỗ lậu

Trong vai một tay buôn gỗ, chúng tôi tiếp cận nhiều nhà dân trên địa bàn xã Đăk Long, huyện Đăk-Glei, Kon Tum và ngỏ lời muốn mua gỗ để về làm nhà. Thấy một nhà dân chứa nhiều gỗ tròn trước nhà, nằm sát ngay con đường bê-tông, chúng tôi ghé vào hỏi thăm. 

Qua nói chuyện, 2 vợ chồng trẻ giới thiệu tên là A Khiển. Khi chúng tôi ngỏ lời có ý định mua về làm cột nhà thì A Khiển khước từ bảo để làm nhà và nhất quyết không bán.

Trò chuyện với chúng tôi, 2 vợ chồng A Khiển, cho biết: “Ngày trước 2 vợ chồng có viết giấy tay với trưởng thôn, rồi trưởng thôn đưa lên xã xác nhận, đóng dấu cho rồi cứ thế lên rừng chặt gỗ nhưng tối đa chỉ được 3-4m3. Hiện tại nhà mình có khoảng 4m3 gỗ giổi nhưng để làm nhà nên không bán”.

Vợ chồng A Khiển còn cho hay: “Sau khi xã đóng dấu thì phải nộp đơn đó cho kiểm lâm và bên rừng phòng hộ thì mới được vào rừng làm. Còn nếu đi đường kia thì phải nộp đơn cho đồn biên phòng (ĐBP 673 và ĐBP 671 Rơ Long-PV)”. 

Nằm cách nhà A Khiển không xa, chúng tôi phát hiện một ngôi nhà gỗ chứa rất nhiều gỗ hộp nằm ngay trước nhà. Hỏi gia chủ chúng tôi được biết, đây toàn bộ là gỗ của nhà Hải Mun (người Kinh) gửi nhờ. 

Theo quan sát của phóng viên, có không dưới 20 hộp gỗ, tất cả đều là gỗ giổi, chiều dài trên 2m, đường kính 40x60. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người đồng bào Xê-Đăng nên Hải Mun đã để nhờ số gỗ trên, tránh việc cơ quan chức năng “sờ gáy”. 

Tiết lộ thêm với chúng tôi, người phụ nữ (chưa rõ tên), cho biết: “Toàn bộ số gỗ Giổi này được làm từ 6h sáng và gần 0h đêm mới về và đã được một người ngoài huyện Ngọc Hồi đặt mua”.

Theo chỉ dẫn của gia chủ ngôi nhà này, chúng tôi di chuyển xuống thôn Pêng Blong. Nằm sát ngôi nhà rông của thôn Pêng Blong, theo quan sát của chúng tôi, rất nhiều nhà dân chất từng đống gỗ lớn trước nhà. 

Trò chuyện với một người đàn ông đang bốc các hộp gỗ để trước nhà, người này tiết lộ: “Hiện tại có khoảng 4m3 gỗ sến, sao xanh nhưng không bán. Ngày trước lâm trường còn cho vào rừng xẻ, giờ lâm trường không cho xẻ nữa. Ngay bên cạnh nhà cũng có người chuyên xẻ gỗ hộp dài 2m để bán”.

Người này còn khẳng định với phóng viên: để vào rừng làm gỗ và đưa gỗ về bắt buộc phải viết đơn trình lên xã và được xã ký, đóng dấu thì mới được vào rừng chặt gỗ. 

“Ngày trước nhà mình viết đơn lên cho thôn trưởng là ông A Mốc và bây giờ thay thôn trưởng là A Tăng. Rồi thôn trưởng sẽ trình lên xã”, người dân cho biết.

Chúng tôi tiếp tục đi sâu thẳng theo con đường vành đai biên giới (hướng lên đồn biên phòng 671 Rơ Long) và vô cùng sửng sốt khi bắt gặp một ngôi nhà chất nhiều đống gỗ lớn trước nhà. 

Theo quan sát của phóng viên, ngôi nhà vắng chủ và có khoảng trên 10m3 gỗ giỗi, sao xanh… đã được cưa xẻ theo quy cách.

Tìm hiểu từ một người dân tên A Hùng, chúng tôi được biết, ngôi nhà chứa nhiều gỗ đó tên là A Quyến, trú tại thôn Đăk Xây và tất cả số gỗ trên đã có người mua, nhưng do cơ quan chức năng đợt này làm gắt nên số gỗ trên 10m3 chưa được đưa ra.

Những sập gỗ mặt lớn được xếp trước nhà dân (Ảnh: Thiên Phong).

Cơ quan chức năng “không thấy” hay cố tình làm ngơ

Để làm rõ những vấn đề liên quan đến việc phá rừng và tàng trữ gỗ trái pháp luật, phóng viên đã liên lạc với ông Nguyễn Văn Hải-Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Đăk-Glei để thông báo sự việc. Qua điện thoại, khi phóng viên phản ánh thì ông Hải hết sức bất ngờ và hứa sẽ cho người đi kiểm tra để trả lời báo chí.

Khi phóng viên đặt câu hỏi: “Các anh có nắm được thông tin phá rừng và tàng trữ gỗ trái pháp luật xảy ra tại các thôn được xã Đăk Long hay chưa?”. Ngay sau đó, ông Hải cho biết:

“Tại xã Đăk Long không có trạm kiểm lâm địa bàn nên thông tin này chúng tôi cũng chưa nắm được. Sắp tới, chúng tôi sẽ kết hợp với các cơ quan chức năng, thông báo sự việc cho chính quyền để phối hợp với quý báo làm rõ những vấn đề trên”.

Trong những ngày vào cuộc điều tra tại xã Đăk Long, huyện Đăk-Glei, tình trạng phá rừng, tàng trữ gỗ trái pháp luật dường như đã trở thành chuyện thường tình và diễn ra công khai.

Nhưng điều chúng tôi băn khoăn, ai là người đứng sau để ký, đóng dấu cho người dân ngang nhiên phá rừng?”. Ông trưởng thôn, vị lãnh đạo xã nào lại cho mình cái quyền được “cấp phép” cho người dân “xẻ thịt” đại ngàn như lời người dân cung cấp?

Đã đến lúc UBND tỉnh Kon Tum cần nhanh chóng đề nghị cơ quan CSĐT vào cuộc làm rõ từng cá nhân, tập thể liên quan đến việc “cấp phép” cho người dân công khai phá rừng một cách bất chính?

Báo Câu chuyện Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin đến quý độc giả về vấn đề này!

Trả lời phóng viên, ông Lương Văn Phường-Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ xã Đắk Long, cho biết: “Tại lâm phần chúng tôi quản lý không có việc khai thác rừng theo quy mô, tổ chức.

Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi việc người đồng bào dân tộc thiểu số lợi dụng sơ hở của cơ quan chức năng để vào rừng khai thác trộm. Sắp tới chúng tôi sẽ cho kiểm tra toàn bộ, nếu phát hiện sẽ cương quyết xử lý”.

Về phía kiểm lâm, ông Nguyễn Văn Hải khẳng định: “Sau khi được phóng viên phản ánh, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện Đăk-Glei và huyện đã thành lập đoàn liên ngành trực tiếp xuống kiểm tra và bắt giữ một số lượng lớn gỗ lậu được chứa trong nhà dân. Con số cụ thể thì tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin cho quý báo”.

Đọc thêm