Kỳ 2: Hành trình gian nan để xóa bỏ hủ tục thách cưới “trên trời”

(PLO) - Bị thách cưới quá cao, nhiều cặp đôi chẳng thể đến được với nhau trong khi nhiều người chấp nhận cưới nợ, cưới chịu; thậm chí nhiều người cưới một lần nhưng phải trả nợ cả đời...
Khốn khổ vì cưới
Với những trường hợp người phụ nữ có con nhưng không thể bắt chồng vì bị thách cưới quá cao, họ phải đối mặt với bi kịch một mình nuôi con cũng như gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hạnh phúc mới. Trong khi đó, những đôi nam nữ may mắn nên vợ nên chồng sau khi cưới nợ thì cuộc sống cũng gặp rất nhiều khổ sở. Sau khi về chung sống, họ chẳng những không có vốn liếng để lo cuộc sống mà ngược lại còn gánh các món nợ trên đầu. Lúc này, trách nhiệm không chỉ riêng người phụ nữ mà đè nặng lên chính người chồng. Người đàn ông phải cùng vợ làm lụng để trả nợ cho chính cha mẹ ruột của mình, điều bi hài chính là đây...
Trở lại với câu chuyện của anh Y Nhé, sau khi buộc phải chia tay với người thương dù đã có với nhau đứa con gái, anh đã tìm đến chị Hờ Nhe (SN 1987, buôn Thu). Khi tính chuyện cưới xin, gia đình Y Nhé thách cưới con bò, 10 ché rượu, váy áo truyền thống và số tiền 5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đó gia đình chị Hờ Nhe cũng không thể nộp đủ lễ vật mà phải xin được cưới nợ. Con bò và rượu dùng mở tiệc thì chị nộp đủ, còn số tiền thì chị chỉ nộp vài trăm ngàn. Đến nay đã lấy nhau được 8 năm và có với nhau 3 đứa con nhưng vợ chồng họ vẫn chưa trả đủ số tiền cho nhà chồng.
Căn chòi vách gỗ mái tôn của vợ chồng Y Nhé nằm ở khoảnh sân trước nhà cha mẹ ruột. Chòi thấp bé và ọp ẹp, nền đất lồi lõm và trống trơn đến nỗi khách vào nhà chẳng biết ngồi vào đâu. Lẽ ra anh Y Nhé phải đi ở rể nhưng vì gia đình nhà vợ quá nghèo chẳng có nỗi mảnh đất cắm dùi, hai vợ chồng phải dắt về nhà cha mẹ ruột. Vợ chồng được chia 2 sào đất, làm lúa nhờ nước trời, không đủ gạo cho 5 miệng ăn trong nhà. Chị Hờ Nhe ở nhà trông 3 đứa con nhỏ, gánh nặng gia đình dồn lên vai anh Y Nhé. Anh làm thuê làm mướn khắp nơi nhưng kiếm được đồng nào thì lo cái ăn hết đồng nấy, đâu dành dụm được gì mà tính chuyện trả tiền thách cưới cho cha mẹ.
“Nhà mình nghèo, nhưng mình phải làm đám cưới có bò có rượu để bằng người ta. Vì làm đám cưới to nên tốn kém nhiều. Nhà vợ mình nghèo, để lo đám cưới thì phải chạy vạy vay mượn tiền, thành ra nợ nần. Vợ nợ tiền, sau này mình cũng phải cùng vợ trả nợ. Mình đã không có ruộng đất trâu bò, hàng năm phải trả nợ nên vẫn cứ thiếu đói. Lúc trước mà đám cưới nhỏ thôi, để con bò đó nuôi thì giờ cũng đỡ hơn rồi. Đằng này vợ chồng vừa nợ tiền bên ngoài, vừa nợ tiền thách cưới. Mình nghèo nhưng không thể không trả, nay mai em trai mình lấy chồng, bố mẹ mình cũng bị người ta thách nữa mà...”, anh Y Nhé tâm sự.
Phía bên kia con đường, vợ chồng chị Mí Nam (SN 1993) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Cách đây 4 năm, khi bắt chồng người ở xã Suối Trai, Mí Nam bị thách cưới 10 triệu đồng cùng 1 con bò và nhiều lễ vật khác. Nhà nghèo, chỉ đủ tiền sắm lễ vật và một con bò, Mí Nam phải xin nhà trai cho cưới nợ. Đến nay dù đã có với nhau 2 đứa con nhưng chị vẫn chưa thể nộp đủ tiền thách cưới cho nhà chồng. “Khi bắt chồng mình xin nộp một ít tiền trước nhưng nhà chồng không chịu. Nhà mình phải thuyết phục đến lần thứ 3 thì nhà chồng mới chịu. Lần đó mình nộp trước 3 triệu đồng thôi, số còn lại sau này mình có đâu thì nộp đó. Tưởng là với 7 triệu đồng thì 1-2 năm là mình trả hết. Vậy mà đến nay 4 năm mình vẫn chưa trả được đồng nào...”, chị Mí Nam buồn rầu.
Có những đôi vợ chồng lấy nhau hơn chục năm vẫn chưa thể trả hết lễ vật cho nhà chồng, trường hợp chị Hờ Ri (SN 1981, ở buôn Ly) là một trong số đó. Cách đây 16 năm, chị Hờ Ri bắt chồng và bị thách cưới số tiền 50 triệu đồng, 3 con bò, 30 ché rượu, mền áo... Vì quá nghèo, chị phải xin giảm bớt nhưng nhà trai vẫn thách số tiền 30 triệu. Để bắt được chồng, Hờ Ri xin cưới nợ đến nay đã có với nhau 4 đứa con nhưng chị vẫn chưa trả hết nợ cho nhà chồng. Nhà đông con, ruộng nương chỉ cho đủ cái ăn, bao năm qua Hờ Ri vẫn chưa thoát khỏi nỗi lo trả nợ.
Chị Hờ Ri lấy chồng đã 16 năm nhưng vẫn nợ tiền thách cưới  
“Lúc cưới mình mới nộp 5 triệu chứ mấy. Từ đó đến giờ năm nào cũng phải nộp tiền cho nhà chồng, nhưng mà đã nộp đủ đâu, mình vẫn còn nợ hơn 10 triệu nữa đấy. Nợ tiền nhà chồng lâu quá mình ngại lắm, nhưng mà làm thế nào cũng không có tiền. Mình không biết đến khi nào mới trả xong nữa. Mình có 3 đứa con gái, giờ đứa con gái lớn cũng 15 tuổi, vài năm nữa là bắt chồng rồi. Nếu mà bị thách cưới cao như mình thì chắc nhà mình cũng phải cưới nợ nữa à. Mình thì khổ lắm rồi, sau này các con cũng như mình thì tội lắm, nhưng mà biết làm sao được...”, chẳng những buồn vì bản thân, chị Hờ Ri còn lo lắng cho 3 đứa con gái sau này sẽ khổ vì chuyện bị thách cưới khi bắt chồng.
Gian nan chuyện xóa bỏ hủ tục
Hủ tục thách cưới trở thành rào cản, gánh nặng trong đời sống đồng bào Ê Đê bao đời nay, tuy nhiên việc xóa bỏ nó là vấn đề vô cùng khó khăn. Chị Hà Thị Thìn (Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ea Trol) cho biết, nhận thức của người dân còn thấp nên công tác xóa bỏ hủ tục gặp nhiều khó khăn. Ngay trường hợp gia đình chị trước đây cũng vậy, chị làm ở xã, chồng chị là thầy giáo tiểu học, hai anh chị trước đây muốn bỏ qua việc thách cưới để bớt gánh nặng cho hai vợ chồng, tuy nhiên khi biết điều này cha mẹ hai bên gia đình đều phản đối. Hai anh chị phải thuyết phục nhiều lần thì hai bên mới chấp nhận tổ chức đám cưới mà không có “thách đố” nhau như tục lệ.
Sau đám cưới, hai anh chị được gia đình giúp đỡ một số vốn làm ăn sinh sống. Không sống trong gánh nặng nợ nần, anh chị dần dần tích lũy và cuộc sống ổn định. Chị Thìn cho biết, số tiền thách cưới rất nhiều đồng nghĩa việc tổ chức đám cưới của đồng bào Ê Đê cũng rất tốn kém, lãng phí. Như vậy, thay vì thách cưới, các gia đình để số tài sản này để vun đắp cho các cặp đôi thì cuộc sống sẽ khấm khá hơn. Đằng này, các đôi vợ chồng sau khi lấy nhau về rồi thì nai lưng ra làm để trả nợ. Sau này khi con lớn lên và cưới vợ gả chồng thì họ cũng thách cưới, tiếp tục làm khổ con trẻ.
Chị Thìn cho biết, bây giờ trình độ dân trí mỗi ngày được cải thiện nhưng việc bài trừ hủ tục vẫn là chuyện nan giải. Với trách nhiệm của một Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, đầu năm 2014, chị Thìn đã đề xuất “Mô hình không thách cưới” để trình lên huyện và đã được cho phép thực hiện mô hình thí điểm tại xã EaTrol, sau đó nhân rộng ra 11 xã trong năm 2015. Theo đó, hội phụ nữ xã phối hợp cùng chính vận động các ông bố bà mẹ có con trai cam kết sẽ không thách cưới. Sau thời gian thực hiện, đã có 22 gia đình cam kết thực hiện. Tuy nhiên, trong số này lại có nhiều trường hợp phá vỡ cam kết vì không thể bỏ được hủ tục.
“Nhiều ông bố bà mẹ có con trai khi được hội phụ nữ và cán bộ xã đến nhà thuyết phục vận động thì họ đồng ý sẽ không thách cưới. Tuy nhiên, khi cưới hỏi cho con trai thì họ vẫn thách cưới, thậm cưới thách cưới nhiều lễ vật. Họ giải thích rằng mọi người xung quanh đều thách cưới, nếu họ không thách cưới thì sau này con gái bắt chồng thì sẽ không có tiền, lễ vật để nộp cho nhà trai. Nhiều người thì lý giải rằng họ nuôi con khôn lớn, tốn kém nhiều nhưng con trai đi ở rể cho nhà gái nên nhà gái phải bù đắp cho họ. Hủ tục đã ăn sâu vào đời sống và họ tự nguyện thỏa thuận thực hiện nên mình rất khó can thiệp...”, chị Thìn cho biết.
Chẳng những đồng bào Ê Đê tại miền núi Phú Yên, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên vẫn còn giữ phong tục thách cưới. Bà Linh Nga Niê Kđăm (Nhà nghiên cứu Văn hóa Tây Nguyên) cho biết, đối với người Ê đê, chàng trai phải về ở rể nhưng một số trường hợp nhà gái không có tiền thách cưới, vợ chồng phải về nhà chồng ở rồi làm kiếm tiền trả nợ. Nhiều trường hợp vợ chồng có với nhau 2 đứa con rồi mới trả hết nợ, sau đó được tổ chức đám cưới và về nhà gái ở. “Mới đây, ở Gia Lai có trường hợp vợ chồng đều là công chức nhà nước. Khi chồng già và chết đi, gia đình nhà chồng sang đòi gia đình nhà vợ 16 con bò thách cưới từ mấy chục năm trước”, bà Linh Nga kể.

Đọc thêm