Chùa Thái Sơn linh thiêng
Ở vùng miền Đông Nam Bộ, tỉnh Bình Dương nổi tiếng với địa danh hồ Dầu Tiếng và núi Cậu, hai thắng cảnh vốn nằm cạnh bên nhau. Ngoài đặc trưng là cảnh núi rừng xanh thẳm, nước non thơ mộng, vùng đất này còn được nhiều người biết đến với ngôi chùa Thái Sơn linh thiêng, bên cạnh những bí ẩn cho đến nay vẫn chưa có lời giải. Đây chẳng những là chốn tâm linh đông đảo người dân địa phương lui tới hương khói gửi gắm nguyện vọng mà còn là nơi nhiều du khách thập phương thăm viếng.
Khu vực núi Cậu thuộc ấp Tha La (xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng) với diện tích hơn 1.600 ha, gồm 21 ngọn núi, có dạng hình chữ U. Trong quần thể ấy có 4 ngọn núi chính, cao nhất là Cửa Ông cao 295m, đến núi Ông cao 285m, Tha La cao 198m, núi Chúa cao 63m. Bốn ngọn núi này gắn liền với nhau tạo thành một dải núi nhấp nhô, như bốn cái bát úp giữa lưng chừng trời, soi mình xuống mặt hồ Dầu Tiếng mênh mông con nước.
Đến với núi Cậu, du khách sẽ đến thăm chùa Thái Sơn nằm lưng chừng dưới chân núi, nơi có độ cao chừng 50m. Tương truyền chùa do hòa thượng Thích Đạt Phẩm, còn gọi là Thầy Sáu, xây dựng năm 1988. Khuôn viên chùa rộng chừng hơn 5ha, với những công trình mang đậm nét kiến trúc phương Đông, nằm lọt thỏm giữa màu xanh bạt ngàn núi rừng. Đằng sau cổng tam quan bề thế, lợp ngói xanh giả cổ, là ngôi Cửu Trùng Đại Tháp cao 36m có 9 tầng và tượng Nam Hải Quán Thế Âm Bồ Tát cao 12m, chánh điện kiến trúc theo phong cách cổ lầu phương Đông.
Quần thể chùa lặng lẽ giữa nơi hẻo lánh nhưng ngày thường vẫn khá đông du khách và người dân địa phương lui tới lễ Phật. Còn vào những ngày lễ Phật đản, ngày Tết cổ truyền, ngày rằm hàng tháng, đặc biệt là rằm tháng giêng, tháng bảy, tháng mười, số lượng Phật tử, du khách về chùa đông nghẹt. Đặc biệt vào các mồng 13, 14, 15 tháng tám âm lịch là ngày lễ “Mẹ”, đây là lễ hội lớn nhất ở núi Cậu và tòa thánh bên Tây Ninh.
|
Hình tướng cậu Bảy đang được thờ trên núi Cậu. |
Du khách đến núi Cậu ngoài tham quan cảnh chùa có thể thưởng lãm cảnh đẹp núi non. Ở phía sau chánh điện, có một con đường lên núi với hơn 1.000 bậc tam cấp đá. Đường lên núi quanh co, dích dắc nhưng khá dễ đi. Hai bên đường là rừng cây rậm rạp, không khí tươi mát, hăng hắc mùi lá ải. Thỉnh thoảng dọc đường có những tảng đá rất to che chắn. Ở lưng chừng núi có quán giải khát bán nước ngọt, nước suối và có võng cho khách nằm nghỉ mệt.
Khi đặt chân lên đỉnh núi, từ đây có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát hồ Dầu Tiếng trắng xóa, rộng mênh mang xa tít đến tận chân trời. Hồ Dầu Tiếng là một trong những công trình thủy nông lớn nhất nước ta và Đông Nam Á.
Truyền thuyết về “cậu Bảy”
Dân gian truyền rằng, tên gọi quần thể núi Cậu xuất phát từ nhân vật thường được gọi là cậu Bảy. Nơi phát tích cậu Bảy được cho là nằm trên đỉnh cao nhất trong quần thể núi Cậu. Tuy nhiên gốc tích thật của cậu Bảy thì cho đến bây giờ vẫn còn là bí ẩn. Từ thuở khai hoang, người ta đã thấy trên đỉnh núi Cậu có một cái hang đá được gọi là miếu thờ cậu Bảy. Bên trong ngôi miếu có bức tượng cậu Bảy đứng thủ bộ võ.
Miếu thờ cậu Bảy bây giờ vẫn còn đó, trở thành nơi thu hút khách thăm viếng khi đến quần thể núi này. Bên trong miếu, tượng cậu Bảy mặc áo nhà võ, thủ tấn, đi quyền trông rất oai phong, lẫm liệt. Dân gian vẫn quen gọi ông là “cậu Bảy Tây Ninh”, dù cụm núi thuộc địa phận tỉnh Bình Dương. Nguyên do có thể là ngày xưa núi Cậu thuộc địa phận Tây Ninh, sau này chia tách địa giới hành chính lại, núi Cậu thuộc về tỉnh Bình Dương.
Trong khi chính sử dường như không đề cập đến nhân vật cậu Bảy thì trong tâm thức dân gian địa phương lại có nhiều truyền thuyết và giai thoại nhắc đến nhân vật bí ẩn này. Như hàng trăm năm qua, cậu Bảy Tây Ninh được nhiều môn phái huyền thuật và giới pháp sư tôn kính, nhiều môn phái vẫn cầu tên cậu Bảy trong các nghi lễ hay lúc thi triển bùa phép. Nơi phát tích của cậu Bảy cho đến ngày nay vẫn được coi là đất thiêng.
Có chuyện kể rằng, cậu Bảy và bà Lý Thị Thiên Hương (bậc thánh trấn núi Bà Đen, Tây Ninh) có liên quan đến nhau. Vào khoảng thế kỷ XVIII, núi Bà Đen lúc bấy giờ có tên gọi là núi Một. Một võ quan của nhà Nguyễn ẩn tu và là trụ trì tại một ngôi chùa trên lưng chừng núi, tức nhà sư Trí Tân. Trong một chuyến xuống núi hóa trai, trên đường trở về, sư Trí Tân gặp cảnh tượng một bé trai sơ sinh còn sống nằm khóc giữa 2 tử thi vợ chồng. Nhà sư đem đứa bé về đặt tên là Lê Sĩ Triệt, nuôi dưỡng và truyền võ nghệ.
Trong khi đó, Lý Thị Thiên Hương xuất thân từ một trong 4 dòng họ gốc Bình Định di dân vào phương Nam theo chiếu khẩn hoang của chúa Nguyễn. Gia đình bà cùng đoàn di dân định cư, khai hoang vùng đất Quang Hóa, nay là huyện Trảng Bàng (Tây Ninh). Quan trấn nhậm đương thời là Hà Đảnh thấy mẹ bà Thiên Hương xinh đẹp nên sát hại cha bà rồi bắt người mẹ làm hầu thiếp, mặc dù lúc bấy giờ bà đang mang thai.
Người vợ nhẫn nhục chờ ngày sinh con và tìm cách báo thù giết chồng. Bà sinh một bé gái, đặt tên là Lý Thị Thiên Hương. Lớn lên Thiên Hương rất xinh đẹp, được nhiều chàng trai ngỏ lời cầu hôn nhưng cô chưa dám nghĩ đến chuyện gia thất khi lòng còn mối thù chưa trả. Trong một lần lên núi Một lễ Phật, Thiên Hương bị băng cướp chặn đường, lúc bấy giờ xuất hiện tráng sĩ giải vây, đó là Lê Sĩ Triệt. Hai người có tình cảm với nhau từ đó.
Lê Sĩ Triệt sau đó cưới Thiên Hương làm vợ. Thiên Hương mới kể rõ mối thâm thù giữa mình với cha ghẻ Hà Đảnh, biết được ngọn nguồn câu chuyện, Lê Sĩ Triệt đã thay vợ báo thù, cũng từ đó mang án sát nhân. Khi đó đương lúc Nguyễn Ánh tuyển mộ binh lính để chống lại sự tấn công của nhà Tây Sơn, Lê Sĩ Triệt gia nhập binh ngũ để trốn án. Sau khi chồng tòng quân thì Thiên Hương bỗng dưng mất tích.
Sư Trí Tân trong một lần thiền định đã được linh hồn Thiên Hương về báo cho biết mình đã bị thuộc hạ của cha ghẻ giết hại, ném xác nơi triền núi. Nhà sư theo chỉ dẫn linh hồn cô gái đã tìm thấy thi thể, Thiên Hương lúc này thân người đã sạm đen. Sư Trí Tân đem thi thể cô về gần chùa an táng. Về phần Lê Sĩ Triệt, vì lập nhiều công trạng nên đã trở thành võ quan cận thần của vua Gia Long.
Nhiều lần thoái lui trước sức mạnh của nhà Tây Sơn, quân đội nhà Nguyễn phải dạt về phương Nam. Lê Sĩ Triệt đưa vua Gia Long chạy vào vùng núi Một trốn tránh sự truy lùng của quân Tây Sơn. Khi tàn quân đói lả trong rừng, Gia Long thiếp đi dưới tán cổ thụ, mơ màng thấy một người con gái đen đúa xuất hiện bảo những quả chín trên cây có thể cứu đói. Vua tỉnh giấc cho người ăn thử, quả nhiên loại quả vừa chua vừa chát này giúp binh sĩ tạm thời cầm cự.
Vua Gia Long biết được cô gái báo mộng kia chính là Thiên Hương, ban sắc chỉ phong cho Thiên Hương chức Linh Sơn Thánh Mẫu. Từ đó, người ta gọi núi Một là núi Bà Đen cho đến ngày nay. Trước khi xuôi Nam, Gia Long giao cho Lê Sĩ Triệt nhiệm vụ nhang khói cho Thiên Hương đồng thời chiêu binh chờ vua phục quốc. Sau quân Tây Sơn tràn lên núi nhằm tiêu diệt tàn quân nhà Nguyễn, Lê Sĩ Triệt phải rời núi Một lánh sang núi Yên Ngựa, là núi Cậu sau này.
Tại đây, ông tìm đến ngọn núi cao nhất ẩn thân tu luyện phép thuật, âm thầm tuyển mộ binh lính rèn luyện đao kiếm. Để che giấu tông tích, Lê Sĩ Triệt chỉ xưng là cậu Bảy, chính là nhân vật được thờ phụng tôn kính đến bây giờ. Đây chỉ là một trong nhiều câu chuyện lưu truyền lý giải về gốc tích cậu Bảy. Các dị bản dù có một số chi tiết khác nhau nhưng mô típ giống nhau và đều thể hiện sự tôn kính đối với bà và cậu.
(Còn nữa)