Kỳ bí Sở Âm linh ở đình Nại Hiên Đông

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nại Hiên Đông - đình cổ kỳ bí giữa Đà Thành, tương truyền đây là nơi thờ tự những vong hồn cô độc...  
Đình Nại Hiên Đông - Đà Nẵng.
Đình Nại Hiên Đông - Đà Nẵng.

Đình Nại Hiên Đông là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật được hình thành khá sớm trên mảnh đất Đà Nẵng. Từ giữa thế kỷ XX, đình là nơi hội họp và là nơi đặt “hòm thư mật” của lực lượng vũ trang Khu Đông. Đình cũng là nơi thờ tự những vong hồn cô độc. Đặc biệt, ở ngay cạnh đình còn có ngôi mộ cổ bí ẩn mang hình yên ngựa.

Nơi thờ tự những vong hồn cô độc

Theo sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn viết năm 1776, làng Nại Hiên Đông thuộc tổng Hòa Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Quảng Nam. Từ lâu, mảnh đất gần cuối dòng Hàn giang này đã xuất hiện một ngôi đình, sau này dân bản địa thường gọi là Đình tổ Nại Hiên Đông.

Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, Nại là chịu đựng (còn có nghĩa khác là xứ làm muối); Hiên là mái hiên; và Đông là hướng Đông. Như vậy, Nại Hiên Đông là tiền đình hướng đông, nhẫn nại chịu đựng mưa sa, gió bão.

Đến năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, thời kỳ này thành xã Nại Hiên Đông thuộc huyện Tân Phước. Khi bước sang triều Nguyễn, Nại Hiên Đông thuộc huyện Hòa Vang, Quảng Nam.

Đến năm 1888, Pháp buộc vua Đồng Khánh phải giao các xã Hải Châu, Phước Ninh, Thạch Thang, Nam Dương, Nại Hiên Tây (một phần diện tích của Nại Hiên về phía tây sông Hàn) để hình thành Đà Nẵng. Đến năm 1901, vua Thành Thái giao tiếp phần đất một số xã thuộc huyện Diên Phước và Hòa Vang để nới rộng Đà Nẵng.

Đình Nại Hiên Đông bây giờ tọa lạc tại khu phố Nại Thịnh, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. Đình có diện tích 1.640m2, mặt quay về hướng Tây Nam. Đình được chạm trổ đắp nổi các linh vật hổ, long, phượng và các câu đối bằng chữ Hán ca ngợi vị thế nơi đình tọa lạc và công đức các vị thần, các bậc tiền nhân đã có công tạo lập nên làng.

Đình được chia làm 3 gian: Gian Chánh điện thờ Thành Hoàng; hai bên là gian Tả và Hữu thờ các vị tiền hiền, hậu hiền đã có công lập đất, dựng làng. Trong khuôn viên Đình có Sở Âm linh gồm 3 miếu thờ. Miếu thờ chính giữa ghi hai chữ Hán “Anh Linh”, hai miếu hai bên là “Tả Ban” và “Hữu Ban”.

Phía trước có một khoảng sân rộng để làm nơi cúng tế. Điều này cho thấy, tín ngưỡng thờ Âm linh (hay Cô hồn) là một tín ngưỡng truyền thống của cư dân người Việt ở Nại Hiên Đông. Tập tục này liên quan đến các tín niệm dân gian và có cả những yếu tố của Đạo giáo, Phật giáo chi phối.

Ngôi mộ cổ của Thứ đội trưởng Phan Quý Công bên cạnh đình Nại Hiên Đông.

Ngôi mộ cổ của Thứ đội trưởng Phan Quý Công bên cạnh đình Nại Hiên Đông.

Trong tâm thức dân gian, âm hồn và linh hồn đôi khi chỉ được hiểu là linh hồn của những người chết “bất đắc kỳ tử”, chết không nơi thờ tự, chết vì tự tử, tai nạn, thú dữ, chết yểu… Theo cách hiểu này, thì âm hồn hay âm linh gần nghĩa với vong hồn cô độc (cô hồn), sống lang thang vất vưởng, không nơi nhang khói nên thường gieo rắc tai họa. Đó là đối tượng mà thế nhân phải tìm cách giải trừ.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và Trương Ngọc Tường cho rằng: “Tục thờ cô hồn của dân gian có ảnh hưởng Phật giáo, nhưng quan niệm của dân gian cũng khá sâu đậm”.

Ở Nại Hiên Đông, cô hồn phần lớn là những người chết không nơi nương tựa, những chiến sĩ trận vong, vong hồn những người mất xác trên biển vì bão lũ hay vong hồn những vị tiền chủ của vùng đất “tiền Việt”.

Bởi, trải qua nhiều thế kỷ, vùng đất Đà Nẵng là nơi giao tranh giữa nhiều thế lực khác nhau. Đặc biệt dưới thời nhà Nguyễn, đây là nơi diễn ra những trận đánh giữa quân Đại Việt và quân Pháp rất ác liệt, và sau này trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước, nơi đây có biết bao người đã ngã xuống. Vì vậy, nhân dân lập Sở Âm linh để thờ các chiến sĩ trận vong không kể người ở “phía bên nào”.

Nhân dân gọi với danh xưng tôn kính là Âm linh, Cô Bác. Theo quan niệm của người dân Nại Hiên Đông thì vong linh, cô hồn có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân. Mà theo họ nếu thờ phụng chu đáo, biết kính trọng thì Cô Bác sẽ phù hộ độ trì cho. Khi trong làng xảy ra dịch bệnh, trộm cắp, ốm đau hay mất mùa… thì phải mời thầy về tụng kinh, ăn chay nằm đất ở Sở Âm linh để cầu sự chở che, bảo hộ.

Ngôi mộ cổ hình yên ngựa

Đặc biệt trong khuôn viên của đình làng Nại Hiên Đông có một ngôi mộ cổ. Kết quả khảo sát cho thấy tấm bia mộ vẫn còn nguyên vẹn nhưng ngôi mộ đã được phục chế bằng xi-măng theo hình dáng cũ, với hình dạng vòng thành gãy góc và nấm mộ hình kèo ngựa rất độc đáo.

Trước đây, ngôi mộ nằm cách Tổ đình Nại Hiên Đông khoảng 50m về hướng tây theo đường chim bay. Ngôi mộ được làm bằng đá, diện tích mộ khoảng chừng 16 m2. Sau đó, do chỉnh trang đô thị nên ngôi mộ được dời về vị trí như hiện nay nằm cạnh bên đình.

Ngôi mộ hiện nay được xây bằng xi-măng, riêng tấm bia được làm bằng sa thạch, hai dải hoa văn bên thân bia được chạm rất sâu. Trán bia nổi bật với hình ảnh mặt trời, mây mác và sáu đao lửa phân bố hai bên, diềm bia tạo hình dải hồi văn chữ T, đế bia đã bị che lấp không thể nhận dạng.

Khuôn viên ngôi mộ hình vuông, mỗi bề chừng 4 m, có thành đá bao bọc. Phần trên tấm bia có hai chữ: “Việt cố” khắc theo hàng ngang; chính giữa là dòng chữ khắc theo hàng dọc: “Hiển khảo thuộc thứ đội trưởng Phan quý công thụy Minh Trí chi mộ”; lạc khoản bên phải khắc dòng chữ: “Thái tuế Ất Sửu niên mạnh thu cốc nhật lập”; lạc khoản bên trái khắc các chữ: “Hiếu tử nhị thứ Phan...”.

Nhà nghiên cứu Lê Văn Hảo cho hay, ngôi mộ cổ này là của Thứ đội trưởng Phan Quý Công qua đời khi từ miền bắc vào nam. Người con trai của ông khi có dịp ghé Nại Hiên Đông đã lập bia để tưởng nhớ công đức cha mình. Theo văn bia ghi lại, có thể thấy, ngôi mộ được lập vào năm 1625, tức cách đây khoảng 400 năm vào một ngày tốt từ 21 - 30 tháng 7 âm lịch.

Theo sách sử ghi lại thì “Thứ đội trưởng” là một cấp chỉ huy quân của triều hậu Lê nhưng không quy định dạng mộ xây nên khi chết. Do đó, ngôi mộ hình yên ngựa của Phan Quý Công là độc nhất vô nhị ở Đà Nẵng. Bản thân ông Hảo đã cất công nghiên cứu nhiều tài liệu để lý giải về hình thù ngôi mộ này trong nhiều năm. Mãi đến năm 2004, khi dời mộ, nhiều người phát hiện có nhiều khuy sắt dùng làm bàn đạp cho người trèo lên ngựa được liệm theo, ông mới có hướng phân tích mới mẻ hơn.

Ông Hảo cho rằng với chức vụ là một tướng lĩnh trong quân đội phong kiến, Thứ đội trưởng Phan Quý Công khi chết đã được người con trai lập ngôi mộ hình yên ngựa để tưởng nhớ công đức khi một võ tướng còn chinh chiến trên lưng ngựa.

Ngôi mộ này đã được Hội đồng chư phái tộc đình làng Nại Hiên Đông bảo quản trên 300 năm, đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố. Trong văn tế cúng đình làng Nại Hiên Đông có ghi tên ngài “Phan quý công” là chủ nhân ngôi mộ này.

Trải qua nhiều thế kỷ, Đình làng là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa, sinh hoạt tín ngưỡng, thể hiện nét đẹp văn hóa tâm linh vô cùng phong phú của người dân Nại Hiên Đông và được duy trì cho đến ngày hôm nay, như Đại lễ cầu an (vào 12/2 ÂL) hằng năm cầu cho quốc thái dân an, Lễ cúng âm linh vào ngày 12/7 Âm lịch cho những linh hồn đã khuất và các chiến sĩ vô danh đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta và lễ Tế tiền hiền vào ngày 20/8 Âm lịch …

Đọc thêm