Kỳ bí thần linh trong đời sống của người Mông

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không chỉ những tảng đá cổ mà các phong tục, tập quán của người Mông đều gắn với những câu chuyện ly kỳ mang dấu ấn tín ngưỡng, thể hiện sự cầu ứng của người dân với các đấng thần linh.
Lễ cúng thần rừng (ma tự nhiên) của người Mông.
Lễ cúng thần rừng (ma tự nhiên) của người Mông.

Từ “sách đá” kỳ bí của người xưa

Với diện tích khoảng 8 km², bãi đá cổ Sa Pa là khu di tích các khối đá có khắc hoa văn và ký tự cổ, nằm tại vùng đất thung lũng Mường Hoa hình chảo nghiêng thuộc các xã Mường Hoa và Tả Van, thị xã Sa Pa, Lào Cai.

Được nhà khảo cổ người Pháp gốc Nga Victor Goloubev (trường Viễn Đông Bác Cổ) phát hiện vào năm 1925, bãi đá cổ này có hơn 200 hòn lớn nhỏ, tương truyền là một gia đình người Mông hóa thành, trong đó có 1 hòn mẹ và 1 hòn bố.

Truyền thuyết kể rằng, một đêm tối nọ, gia đình người Mông này đã lên đường đi tìm nơi định cư mới. Trên đường đi, người vợ gặp một người phục nữ mang thai. Theo phong tục của người Mông, khi di chuyển, nếu gặp phụ nữ có thai thì phải dừng lại không được đi tiếp nên người vợ đã dừng lại. Còn người chồng đi trước cứ tiếp tục đi nên hai người lạc nhau. Trong đêm tối, 2 vợ chồng mải miết tìm nhau mà không thấy nên hoá đá.

Bãi đá đầu tiên cạnh bản Pho - bản người Mông ở cuối dòng suối. Trong đó, viên đá nằm tại bản Pho là viên đá bố còn viên đá nằm tại đền cô là đá mẹ, các viên đá nằm rải rác là đá con. Bãi đá thứ hai nằm giáp ranh hai xã Hầu Thào và Lao Chải, bên cạnh con đường chính từ bản người Mông tới nơi người Dao đỏ sinh sống. Đây là bãi đá rộng nhất với trên 100 khối to nhỏ khác nhau. Người bản địa cũng có tên gọi riêng cho khu đá này là “thư viện trời”. Và từ đó người Mông thờ cúng các viên đá rồi bảo vệ và gìn giữ cho đến ngày này.

Tảng đá bố ở bản Pho.

Tảng đá bố ở bản Pho.

Năm 2017, người ta lại phát hiện thêm những bãi đá cổ tương tự ở hai xã Tả Phìn (Lào Cai) và Vị Xuyên (Hà Giang) cùng với những hoa văn và cách bài trí bí ẩn.

Trong toàn khu vực xã Nấm Dẩn có bốn tảng đá chạm khắc hình vẽ cổ nhưng tảng đá ở thôn Nấm Dẩn của người Mông có nhiều hình vẽ được chạm khắc nhất với tổng số 79 hình. Trong đó có 40 hình tròn, 5 hình biểu tượng sinh thực khí nữ, một số hình như mô tả ruộng bậc thang, đồi núi, còn lại là những hình với nhiều hình thù khác nhau.

Ðã có nhiều ý kiến cho rằng, các hình vẽ ở Nấm Dẩn là sự ghi chép đồ họa, hình họa tương tự như bản đồ về một vấn đề gì đó của khu vực hoặc là những hình vẽ gắn với tín ngưỡng thờ mặt trời, v.v. Một trong những bí mật khác cũng chưa có lời giải đáp đang cần sự quan tâm của các nhà khoa học còn là mối liên hệ giữa chủ nhân các di tích cự thạch và chủ nhân các hình khắc vẽ cổ ở Nấm Dẩn.

Còn các hình chạm khắc trên bãi đá cổ Sapa có thể quy về các nhóm chính như hình nam nữ giao phối, hình tròn cấu trúc thời kỳ văn hóa Hoa Lộc, các đường vạch của quẻ Kinh Dịch… Theo người Mông ở bản Phố, xã Hầu Thào, thì đây là “quyển sách” lớn nhất của tổ tiên để lại. Một số nhà khoa học khác thì giả thiết đó là hình bản đồ cổ của người Mông hoặc gần như là cuốn sách cổ giới thiệu về những trận đánh ngày xưa...

Theo các nhà khoa học, bãi đá cổ Sa Pa, cùng với bãi đá cổ Nậm Dẩn (Xín Mần, Hà Giang), bãi đá Tả Phìn (Lào Cai), đều ở vùng ranh giới của vương quốc Đại Lý với nước Việt hồi năm 950-1100. Phân bố, sự tương tự phong cách tạo hình và mô típ đề tài của các hình ở các bãi đá gợi ý về liên quan đến thời kỳ lịch sử đó. Đến nay bí ẩn các bãi đá cổ vẫn chưa được giải mã.

Những hình vẽ bí ẩn trên đá ở bãi đá cổ Sa Pa.

Những hình vẽ bí ẩn trên đá ở bãi đá cổ Sa Pa.

Đến những tín ngưỡng độc đáo của người Mông

Hầu hết các dân tộc thiểu số đều theo tín ngưỡng đa thần với việc thờ cúng các vị thần như: thờ cúng Trời (người Mông gọi là Vua Trời, người Thái gọi là Phi Đẳm, người Tày gọi là Phi Then, người Nùng gọi là Phi Phạ,...); thờ cúng linh hồn tổ tiên (ma nhà); thờ cúng ma bản, mường; thờ cúng các loại ma khác, như: ma chủ đất, ma chủ nước...

Sự gắn bó của con người với đá trong xã hội nguyên thủy, khi thuyết vật linh tồn tại phổ biến thì người ta thấy rằng: giữa đá và linh hồn con người có mối liên quan chặt chẽ. Đá cũng là sự sống, cũng có phần hồn, phần xác như con người và đá có thể là nơi trú ngụ cho linh hồn con người, cũng như trong thực tế, thân xác con người sống trong đá (hang), và chết có khi cũng nằm trong đá (chum đá của các dân tộc ở Lào, quan tài chèn đá của người Mường…). Quan niệm đó được huyền thoại hoá thành các câu chuyện ở nhiều dân tộc.

Người Mông quan niệm về vũ trụ bằng truyền thuyết sau: Sở dĩ có trời và đất là do Vua trời cử ông Chày sinh ra bầu trời và cử bà Chày sinh ra mặt đất. Lúc mới được tạo ra mặt đất hình vuông, 4 góc phẳng phiu, còn bầu trời tròn và nhỏ hơn mặt đất. Ông Chày bèn bảo bà Chày hãy co bớt mặt đất lại để nhỏ bằng mặt trời, bà Chày co lại và đã làm cho mặt đất lồi lõm: Chỗ cao thành núi, chỗ thấp thành đồng bằng, chỗ hằn sâu thành sông, suối, ao, hồ, chỗ lõm sâu thành biển cả ... và sau đó con người được sinh ra.

Đó là quan niệm thô sơ, ban đầu của người Mông cũng như một số dân tộc khác khi giải thích về vũ trụ thời kỳ trước đây.

Lễ hội Gầu Tào đậm nét văn hóa truyền thống của người Mông.

Lễ hội Gầu Tào đậm nét văn hóa truyền thống của người Mông.

Nếu người Việt cho rằng mỗi người có 3 hồn, 7 vía thì người Mông quan niệm mỗi con người có 3 vía (Plỳ) và 7 hồn (chua lua) (Cầu chua lua - Pê lỳ). Hồn chỉ tồn tại khi con người còn sống, còn sau khi chết không còn hồn nữa. Tuy nhiên vía theo quan niệm của người dân vẫn tồn tại: một vía đi lên công quản (lên trời), một vía đi đầu thai thành người mới ở một nơi xa còn một vía sẽ ở quanh quẩn bên người chết và thỉnh thoảng về với gia đình khi có việc hệ trọng.

Người Mông có tín ngưỡng dân gian vô cùng phong phú và đặc sắc. Họ đặc biệt tin tưởng vào sức mạnh chi phối của các vị thần linh, được đồng bào gọi chung là “ma” đối với cuộc sống của con người. Các vị thần linh của người Mông, chủ yếu thuộc hai nhóm là “ma tổ tiên” (nhân thần) và “ma tự nhiên” (nhiên thần). Ở phạm vi gia đình, đó là các lễ cúng thần nhà, thần cửa, thần bếp v.v… Ở phạm vi bản làng, đó là các lễ cúng thần núi, thần rừng, thần sông, thần suối v.v…

Các “ma” này có quyền năng rất lớn, có thể ban phúc hay giáng họa cho con người. Sự ban phúc hay giáng họa hoàn toàn phụ thuộc vào cách ứng xử của con người đối với các vị thần linh. Do vậy, người Mông phải thực hành nhiều nghi lễ thờ cúng thần linh định kỳ hay đột xuất để tạ ơn khi gặp điều may mắn hay giải hạn khi gặp điều tai ương, cầu mong điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Nét đặc thù tín ngưỡng liên quan đến dòng họ của người Mông thể hiện ở các nghi lễ trong tang ma (cách đặt hướng mộ, cách chôn cất người chết...); trong các vật thiêng hay những điều cấm kỵ mang đậm dấu ấn Tôtem giáo (dòng họ Giàng kiêng ăn quả tim các con vật, dòng họ Ly kiêng ăn lá lách các con vật, dòng họ Lầu kiêng ăn chim xanh Đa lâu...).

Đặc biệt là số lượng phần thịt cúng, bát thịt bày cúng và cách thức xếp các phần thịt cúng trong ba nghi lễ “ma bò”, “ma lợn” và “ma cửa” (hoàn toàn khác nhau với những biểu trưng ký hiệu tín ngưỡng rất phức tạp giữa các dòng họ)

Một thành tố quan trọng nữa trong đời sống tâm linh truyền thống người Mông là Saman giáo, một hình thức tôn giáo cổ xưa thông qua người môi giới để giao tiếp với thần linh, qua đó nhờ thần linh giúp đỡ những điều mình mong muốn.

Đọc thêm