(PLO) -Cứ ngỡ những đứa trẻ phải đi học trường Giáo dưỡng là người ngang tang, bất hảo, “không biết trời đất là gì”. Nhưng không, đó lại là những đứa trẻ mong manh, dễ bị tổn thương. Và con đường hoàn lương của em cần lắm những bàn tay yêu thương…
Những tâm sự nhói lòng
Tôi vẫn nhớ như in ánh mắt của cô bé Vân Anh khi em kể cho tôi nghe con đường lầm lỗi của mình. Đó là ánh mắt vô cùng buồn. Em bảo từ nhỏ em sống với bà ngoại là chủ yếu vì bố bận đi làm, mẹ lại đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Thế nên, em thích sống như nào thì sống, không có ai nói cho em biết làm thế này là đúng, làm thế này là sai.
“Có thể nói, từ nhỏ tới lớn, em luôn thiếu thốn tình cảm của cha mẹ. Nhỏ ở với bà ngoại, lớn em mới ở với bố. Một ngày 24 tiếng, em chỉ nói chuyện được với bố ít phút mấy chuyện vớ vẩn, chưa khi nào bố quan tâm đến việc em đang làm, thứ em đạt được. Khi vào trường, nhớ lại những điều mình đã làm, em thấy buồn lắm. Em biết bản thân em sai, nhưng vì em còn ít tuổi, suy nghĩ bồng bột nhưng khi đó em cần lắm sự yêu thương, quan tâm của bố. Ví dụ như lần em đi đánh bạn, thay vì im lặng, bố hãy nói lí lẽ cho em hiểu, để em thay đổi”. Vân Anh chi sẻ.
Bên cạnh Vân Anh là cô bé tên Hương đến từ Quảng Ninh đầy cá tính. Trong câu chuyện của em, tôi nhận thấy em là một cô gái cá tính. Cô bé ấy phải vào trường giáo dưỡng vì tội trộm cắp tài sản. So với lứa tuổi của mình, nhìn em phổng phao như một thiếu nữ. Nhà nghèo, để có tiền ăn chơi theo chúng bạn, em đi ăn trộm, ăn cắp của hàng xóm đồ đạc để bán lấy tiền. Mỗi lần làm thế, em bị bố đuổi đánh khắp xóm làng. Mỗi lần đánh như thế, em co giò chạy mất tích, đợi bố mẹ nguôi giận em mới mò về.
“Trong con mắt của cha mẹ, em chỉ là một đứa con gái hư hỏng, bướng bỉnh và không thể dạy bảo được. Mỗi khi em muốn thay đổi, muốn được cha mẹ dẫn đường chỉ lối, em nhận phải cái gạt phắt của họ. Họ chỉ nghĩ em ngụy biện để lấy trộm tiền đi ăn chơi. Có ai hiểu khi đó em muốn thay đổi thực sự đâu”, cô bé Hương tâm sự.
Từ ngày vào trường giáo dưỡng, Hương đã nhận thức được nhiều điều. Hương bảo với chúng tôi “em với con người của ngày xưa khác nhau hoàn toàn”. Giờ Hương chỉ mong bố mẹ mình hiều mình hơn, để cô bé được trở lại làm người có ích cho xã hội. Tháng 8 này Hương mới tròn 17 tuổi nhưng cô bé đã biết trân trọng, nâng niu và giữ gìn những món quà nhỏ xuất phát từ tấm lòng của cha mẹ: “Gia đình em không có điều kiện lên thăm, mỗi tháng bố hoặc mẹ gọi điện lên hỏi thăm một lần nhưng mỗi lần được nghe giọng nói của cha mẹ em vui lắm. Càng vui hơn khi nhận đươc bưu phẩm cha mẹ gửi là những hộp bánh, cái kẹo hay bộ quần áo mới. Em luôn giữ gìn chúng cẩn thận. Em tự nhủ mình phải cố gắng học tập, tu dưỡng rèn luyện để sớm được về với cha mẹ”.
Cha ở nhà một mình, mẹ đang ở nước ngoài, Phạm Thái Cường chỉ mong khi trở về mình được mọi người đón nhận. Cường sợ những ánh mắt soi mói, dị nghị của mọi người. Với Cường, chỉ có tình thương yêu của người thân là quan trọng, nó là kim chỉ nam đưa em về với ánh sáng. Trong ký ức của mình, Cường luôn sợ gương mặt lầm lì, ít nói cười của cha. “Em vào trường Giáo dưỡng vì thương mẹ. Em hiểu mẹ đã đau khổ vì em rất nhiều, thế nên em phải thay đổi. Giờ em nhận thấy mình đã trưởng thành rất nhiều, thấy mình khôn ra. Nếu ngày ấy không vào trường, không biết giờ này em sẽ ở đâu”, cậu bé Cường tâm sự.
|
Thầy Lê Kim Thanh, hiệu phó trường giáo dưỡng số 2 Ninh Bình chia sẻ với PV. |
Lỗi chủ yếu do cha mẹ
Thực tế cho thấy, việc cha mẹ mải mê với cuộc sống mưu mà “quên” mất trách nhiệm giáo dục, dạy dỗ và quản lý con cái khiến chúng vướng vào vòng lao lý là chủ yếu. Hơn 7 năm tiếp xúc với “những đứa trẻ hư”, cô Nguyễn Kim Oanh đã rút ra nhận xét: “Trẻ em, nhất là trẻ em học trường giáo dưỡng như những bình thủy tinh mong manh, chỉ cần người lớn chạm nhẹ vào điểm yếu, lập tức chúng đổ vỡ”. Theo đó, bố mẹ phải quan tâm đặc biệt đến con cái, đừng vì mưu sinh quá mà quên mất những đứa con đang cần sự bảo ban, dạy dỗ của con cái. Trong quá trình dạy dỗ con cái, cha mẹ phải biến đổi theo hoàn cảnh: lúc nhẹ nhàng, lúc cứng rắn. Đặc biệt là vai trò của người mẹ trong gia đình. Người mẹ không chỉ là người giữ lửa ấm cho gia đình mà còn phải là người bạn của con.
Ở độ tuổi vị thành niên, trẻ có xu hướng khẳng định cái tôi, khẳng định mình đã lớn để rồi có những hành động khác thường, đây chính là khi trẻ cần đến bàn tay thương yêu, chăm sóc của cha mẹ nhất. Thế nhưng vì cuộc sống mưu sinh, những người làm cha, làm mẹ buông lỏng quản lý con, để mặc con tự trưởng thành. Và khi con mắc lỗi, cha, mẹ chỉ biết chửi mắng, đánh đập con theo kiểu áp bức “nghe thì sống, chống thì ăn đòn”. Đây là một sai lầm. Với cách giáo dục, dạy bảo kiểu ấy, kết quả họ thu được chắc chắn là những đứa con ngang bướng, ngỗ ngược ở nhà ngoan, ra đường là “anh, chị”. Bởi cha mẹ càng ngăn cấm, các con càng tò mò, lấn tới. Do đó hãy cởi mở, chia sẻ, động viên, tâm sự với con cái như những người bạn. Chỉ có yêu thương mới đổi được yêu thương.
Cha mẹ đừng bao giờ đặt con lên cán cân để cân với vật chất, điều ấy sẽ khiến mình mất đi những đứa con ngoan. Cha mẹ Tráng đã mất cậu khi họ nghiêng cán cân về phía vật chất. Họ chỉ biết mải mê kiếm tiền với mong muốn cho gia đình có cuộc sống giàu có sung túc. Nhà cao, cửa rộng làm gì khi con cái là những đứa trẻ hư. Chưa khi nào cha mẹ cậu dùng sự yêu thương để dạy bảo, hướng dẫn cậu thành người có ích cho xã hội. Đặc biệt khi Tráng từ trường giáo dưỡng trở về, chính cha mẹ Tráng cũng không tin vào sự hướng thiện của con.
Là một gia đình nhưng các thành viên trong gia đình Tráng sống theo kiểu cuộc sống của ai người ấy lo khiến Tráng - “đứa trẻ đã bị tổn thương” lại bị tổn thương thêm lần nữa. Cậu bị khởi tố vì có hành vi hiếp dâm dụ dỗ cháu gái của bạn đến nhà mình, sau đó hiếp dâm. Không riêng Tráng, rất nhiều trường hợp trẻ em hư tiếp tục sa ngã. Theo thống kê của trường giáo dưỡng về tỉ lệ trẻ em tra trường trong 5 năm, có khoảng 30% trẻ tái phạm tội. Đây là con số đáng lo ngại. Trong xã hội hiện nay, có biết bao bậc làm cha, làm mẹ đang phó mặc con cái cho nhà trường, để chúng tự trưởng thành… Để rồi thay vì dành thời gian kèm cặp con, họ dành thời gian ấy vào công cuộc kiếm tiền.
Bên lề diễn đàn, thầy Lê Kim Thanh, Hiệu phó trường giáo dưỡng số 2 còn cho biết: Ngoài lỗi do cha mẹ, trẻ em hư còn do phía thầy cô, nhà trường. Thay vì chỉ dạy kiến thức, cần dạy các kỹ năng sống cần thiết cho trẻ. Thông qua những kỹ năng ấy, trẻ có thể nhận thức được bản chất sự việc một cách tốt nhất, tránh được những lỗi lầm đáng tiếc./.