“Kỹ năng sinh tồn hay Sơn Đông mãi võ?”
Khi câu chuyện này được đăng tải trên phương tiện truyền thông, có rất nhiều ý kiến của các phụ huynh. Đa phần đều cho rằng các em có thể bị thương khi dẫm lên thủy tinh, thậm chí sẽ là đại họa nếu em nào hiếu động tự đập vỡ chai và thử thực hành “dũng cảm” tại nhà. “Dũng cảm cứu người, cứu động vật thì còn được. Đằng này lại dạy chơi dại dột, thật không thể chấp nhận” - một bà mẹ nói.
Còn một ông bố đặt câu hỏi: “Phải chăng người dạy đang nhầm lẫn kỹ năng sinh tồn với Sơn Đông mãi võ. Sao không dạy trẻ học bơi để tránh đuối nước; học cách liên lạc với ba mẹ khi bị lạc, tai nạn; học cách đáp trả khi bị tấn công; học cách tránh xa nguy hiểm khi nhà cháy; học các kỹ năng sơ cấp cứu?”.
Về phần mình, trả lời báo chí, tác giả của cuốn sách “Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1”, TS Phan Quốc Việt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cho rằng: “Chúng tôi tạo ra những bài kỹ năng sống để trẻ em đối diện với những đổ vỡ. Trong cuộc sống của các em, các em sẽ phải đối diện với những việc xã hội như nhìn thấy mảnh thủy tinh vỡ, nhà đổ, kính bị đập... thì lúc này điều quan trọng nhất của các em là phải bình tĩnh. Các em hoàn toàn có thể bước qua hoặc tìm cách tránh đi nếu thật sự cảm thấy nguy hiểm.
Bài học ở đây chúng tôi muốn truyền tải đến các em chính là đối diện với sự sợ hãi, đối diện với những khó khăn và dũng cảm bước qua nó. Những mảnh vỡ thủy tinh không có gì là quá nguy hiểm nếu như ta biết cách xử trí và bình tĩnh bước trên nó”.
Câu chuyện cô giáo cho trẻ đi trên thảm thủy tinh gây tranh cãi trong cuốn sách |
Dạy con thế nào về lòng dũng cảm?
Theo TS Phan Quốc Việt: “Bình thường, không có ai tự nhiên đạp lên thủy tinh mà đi cả. Đây là kỹ năng sinh tồn và đa số chúng ta chết vì sợ hãi chứ không phải chết vì tai nạn. Chúng tôi không dạy an toàn mà chúng tôi dạy dũng cảm. Dũng cảm là trong khủng hoảng phải làm chủ được cảm xúc. Bởi nếu không làm chủ được cảm xúc thì chúng ta không vượt qua được bất cứ khủng hoảng nào hết”.
Từ quan điểm này của TS. Phan Quốc Việt cũng như bài học về lòng dũng cảm bằng cách đi trên thủy tinh trong cuốn sách “Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1” đang gây tranh cãi mà các ông bố, bà mẹ nảy sinh câu hỏi: Cha mẹ nên dạy con như thế nào về lòng dũng cảm?
Bất kỳ ai đã từng là học sinh đều thuộc “5 điều Bác Hồ dạy”, trong đó có điều: “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” - ba phẩm chất tốt đẹp cần có của mỗi người. Và hẳn rằng, mỗi người trong chúng ta đều không quên lời của các giáo viên văn khi bình về lòng dũng cảm: “Dũng cảm nghĩa là có dũng khí dám đương đầu với khó khăn, nguy hiểm để làm những việc nên làm. Dũng cảm được thể hiện ở tinh thần và hành động không sợ khó, sợ khổ, sợ hy sinh. Dám nhìn thẳng vào sự thật, dám nói lên sự thật với động cơ tốt đẹp là dũng cảm. Dám xông vào nơi nguy hiểm, xông vào rừng tên, biển giáo của quân giặc để chiến đấu, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng là hành động dũng cảm”.
Khi khái niệm này được nhắc lại trên một diễn đàn của cha mẹ thì có nhiều quan điểm cho rằng, về cơ bản là vậy nhưng nếu dạy con trẻ như thế thì chung chung quá. Anh Nguyễn Hải T. – một ông bố ở Hải Phòng có hai cậu con trai 10 tuổi và 8 tuổi cho rằng: “Mỗi thời mỗi khác nên sự dũng cảm cũng vì thế mà thể hiện theo một cách khác, phù hợp với cuộc sống hơn”.
Ông bố này cho biết: “Tôi thường nói với hai con trai của tôi dũng cảm là biết nhận ra thiếu sót, khuyết điểm, lỗi lầm của mình để sửa chữa, để khắc phục tự vươn lên, hoàn thiện nhân cách của mình, tuy rằng đây là một việc làm không đơn giản vì tâm lí “dại gì tự vạch áo cho người xem lưng”. Ở lớp các con sẽ bắt gặp bạn này, bạn kia giấu dốt, ai nói gì cũng biết rồi, thực ra chẳng biết gì cả. Những bạn đó là không dũng cảm vì không dám nhìn thẳng vào điểm yếu của mình để có tinh thần nỗ lực vươn lên…”.
Còn theo bà mẹ Đặng Mai L. ở Hà Nội thì: “Tôi nói với con là nếu con tập thể dục hàng ngày, ăn uống đầy đủ sẽ giúp con có sức khỏe tốt, có sức khỏe tốt mới có lòng dũng cảm. Tôi cũng thường hay mua vé cho con xem những bộ phim về siêu nhân, về các truyền thuyết ca ngợi lòng dũng cảm và động viên con rằng khi có lòng dũng cảm, con cũng sẽ mạnh mẽ như thế, sẽ chiến thắng tất cả”.
Có thể quan niệm của ông bố Nguyễn Hải T. và bà mẹ Đặng Mai L. về dũng cảm còn chưa đầy đủ hoặc thiên lệch nhưng dù sao đây cũng là cách dạy con trẻ tích cực. Và để kết thúc bài viết này, xin trích dẫn một nội dung nhỏ trong cuốn cẩm nang dạy con vượt qua sợ hãi. Theo đó, “cha mẹ cần phân biệt cho con hiểu sự khác biệt hoàn toàn giữa dũng cảm và liều lĩnh. Liều lĩnh là những việc làm vô lý trí, ngu ngốc, còn dũng cảm là con có thể làm những gì cần làm cho dù sợ hãi và khi vượt qua thì chính con đã dũng cảm chiến thắng nỗi sợ hãi ấy rồi”.