Tôi đã mang khổ thơ này làm hành trang về Côn Đảo - “địa ngục trần gian” khét tiếng trong những ngày tháng 6, nắng như đổ lửa.
1.“Cầu tàu 914” là nơi bước chân đầu tiên chúng tôi chạm vào vùng đất thiêng liêng. Ở đây, “mỗi viên đá xếp một đầu người rơi”, mà chỉ mới nghe qua cũng khiến ai nấy phải lắng lại. Sử sách lưu truyền, cầu tàu được bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 1873. Sở dĩ có tên gọi này vì thực dân Pháp bắt tù nhân đi khai thác đá từ chân núi Chúa đưa về để xây dựng cầu tàu và xây cả kè đá chắn sóng phía trước. Những tảng đá lớn hàng thước khối, nặng nhiều tấn, ai không mang được sẽ chết vì đòn roi, người gồng lên cõng đá thì chết vì kiệt sức. Công việc xây cầu kéo dài cho đến khoảng năm 1930 mới tạm xong và con số 914 đã được người tù ghi nhớ. Họ nhẩm tính, 1 người ngã xuống, 2 người ngã xuống… cho đến con số 914 người ngã xuống, như vậy!.
Suốt dọc dài trên đảo, qua lời thuyết minh của hướng dẫn viên, nhiều người như tôi đã đứng lặng hồi lâu trước những trại giam, nghĩa địa tù… đắm chìm suy tư vào quá khứ, hình dung lại kiếp sống đọa đày trong ngục tối của tù nhân, những mất mát hy sinh tranh đấu để giành chiến thắng trước mũi súng quân thù. Sẽ rất khó để đi hết 127 phòng giam, 42 xà lim, 504 phòng biệt lập chuồng bò được dựng lên trong suốt 113 năm Côn Đào oằn mình đau khổ dưới ách xâm lược, nhưng chỉ cần tới một trong số các địa danh đó, đã thấm thía cái gọi “địa ngục trần gian”.
Dường như ở Côn Đảo, mỗi tảng đá, mỗi gốc cây, mỗi thảm cỏ, lối đi trong trại giam, xà lim, hầm tối… đều hiện thân một số phận đẫm máu người tù của hơn một thế kỷ đấu tranh với tội ác bọn thực dân- đế quốc. Và chính những hiện vật trên còn là âm vang những trang sử hào hùng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Nhưng có lẽ phải đến nghĩa trang Hàng Dương vào nửa đêm mới cảm nhận thêm cái lạnh lẽo của tên gọi vùng đất này. Những ánh đèn chạy bằng pin mặt trời cháy xanh nhạt trong đêm; tiếng tắc kè đột ngột cất lên từ trong gió biển thổi vô hồn; hàng ngàn nấm mộ mờ tỏ que hương…như tạo ra một cảm giác vừa bi thương oan khuất, vừa dữ dội linh thiêng.
Đi cùng với câu chuyện “địa ngục trần gian”, hình tượng Người con gái Đất Đỏ - chị Võ Thị Sáu gắn liền với loài hoa lê ki ma huyền thoại, gây xúc động đặc biệt.
Ngôi mộ chị Sáu nằm ở trung tâm khu B, nghĩa trang Hàng Dương. Năm 1975 khi thống nhất nước nhà, để tỏ lòng tôn kính chị, những người tù chính trị đã xây lại phần mộ. Song, những ai từng biết đến ngôi mộ chị Sáu trước đây, đều không thể quên hình ảnh ngôi mộ được xếp bằng hàng ngàn, hàng vạn những viên sỏi, những viên đá lớn, đá nhỏ… bằng tấm lòng thành kính của những người bạn tù, những người dân trên đảo. Ngôi mộ ấy với vô vàn chân nhang và những nhành hoa tươi suốt cả bốn mùa…
Tôi được nhiều người kể cho nghe, rằng khi chị Sáu hy sinh, phía trước ngôi mộ của chị mọc lên một cây dương hai nhánh, một nhánh hướng phía Nam và một nhánh hướng phía Bắc xanh tốt tỏa bóng mát bên ngôi mộ. Năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, không hiểu vì sao chính năm đó, nhánh dương hướng về phía Nam trên cây dương trước mộ chị đang xanh tốt, bỗng héo cành rồi chết hẳn.
Người trên đảo truyền rằng, đây là ý nguyện của chị Sáu đã được thực hiện nước nhà đã thống nhất. Đến năm 1993, khi Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký Quyết định số 149, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang cho liệt sĩ Võ Thị Sáu, ý nguyện của chị được thực hiện, thì cùng năm ấy nhánh dương hướng về phía Bắc bắt đầu héo cành rồi cả cây lụi chết…
Về huyền thoại cây lê ki ma trước mộ chị Võ Thị Sáu, qua những người đồng đội đang làm nhiệm vụ ở đây cho biết, sau khi cây dương hai nhánh trước mộ chị Sáu chết vào năm 1993, Ban Quản lý nghĩa trang Hàng Dương đem một cây lê ki ma trồng vào nơi cây dương đã chết. Nhưng rồi cây lê ki ma cũng chết. Năm 1995, ông Bí thư Huyện ủy Côn Đảo lúc đó, trong chuyến công tác đã về tận quê hương chị Võ Thị Sáu, đưa cây lê ki ma ra đảo trồng thế vào nơi hai cây lê ki ma đã chết. Từ đó, cây lê ki ma của miền Đất Đỏ mới bám rễ ăn sâu trên cội đất Hàng Dương, trước mộ người nữ Anh hùng.
2. Tôi nghĩ, thế hệ trẻ hôm nay, nếu được tận mắt chứng kiến di tích sẽ thấu hiểu hơn ý nghĩa của độc lập - tự do - hạnh phúc, cùng với đó, ý thức được trách nhiệm của mình làm thế nào phục vụ đất nước ngày càng tốt hơn, dù có hy sinh cũng dám chấp nhận. Và Côn Đảo, hơn bất cứ đâu, chính là nơi giáo dục truyền thống yêu nước một cách thiết thực, không giáo điều, không sách vở!
Trong chuyến đi, chúng tôi thật may mắn khi tình cờ gặp ông Lê Văn Phong, vị Chủ tịch huyện Côn Đảo trẻ tuổi. Ông chia sẻ gắn gọn nhưng đầy tự hào, diện mạo Côn Đảo bây giờ đã khác nhiều so với ngày trước. Tương lai Côn Đảo sẽ phát triển. Mảnh đất thanh bình và ấm áp tình người, nay trở thành hòn ngọc của Tổ quốc; di tích nhà tù Côn Đảo được xem như địa chỉ đỏ cho các thế hệ người Việt Nam tham quan học tập.
Với việc thông thương thuận tiện, khách đến Côn Đảo không chỉ tìm về quá khứ bi thương nhưng hào hùng, để tri ân những người đã ngã xuống, mà còn trải nghiệm du lịch tâm linh hấp dẫn. Hàng năm hòn đảo bí ẩn và linh thiêng này đón hơn 30.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Nhiều người đã không ngoa khi ví von, Côn Đảo đã, đang vươn mình để trở thành một trong những thiên đường du lịch và nghỉ dưỡng tuyệt vời nhất Việt Nam.
Ngoài ra, một trong những công trình mang tính đột phá trong phát triển kinh tế cảng biển của Côn Đảo là cảng Bến Đầm, cách trung tâm huyện khoảng 15km, được xây dựng làm nơi cập bến của các tàu cá từ nhiều nơi đến Côn Đảo. Tại đây, ngày đêm luôn có hàng chục tàu ra vào neo đậu, nhưng lại không có cảnh mua bán tôm cá rộn ràng. Hỏi những ngư dân, tôi được biết mỗi tàu cá đều có “nậu” (bạn hàng) riêng. Tàu của “nậu” nào vào bến, “nậu” đó ra thu mua rồi đem vào Trung tâm Côn Đảo bán, tuyệt nhiên không có cảnh giành giật, đôi co như ở các nơi khác.
Côn Đảo với thế núi, dáng đảo và màu xanh bất tận của biển trời, trải qua bao biến cố thăng trầm, vẫn không hề mất đi vẻ đẹp hoang sơ vốn có, khiến ai thăm đảo đều có một niềm tin vào sự thánh thiện, vĩnh hằng; dù rời xa vẫn luôn nhớ, luôn mong ngày trở lại. Tôi cũng vậy. Có lẽ vì thế, nơi đây luôn là nguồn cảm hứng của bao thi nhân, nghệ sĩ với những lời chất chứa yêu thương: “Tôi đã về đây Côn Đảo ơi. Chiều buông mây trắng quyện lưng đồi. Nắng ngả về đâu sau sóng biển. Trầm hương thoang thoảng giữa sương rơi... (Lối - Lâm Viên).