Kỳ tài vị tướng nông dân chế súng giỏi như người Pháp đọ sức với Tây

(PLO)- Nếu như cụ Phan Đình Phùng là linh hồn của cuộc khởi nghĩa Hương Khê, thì Cao Thắng, chính là cánh tay phải đắc lực để làm nên sức mạnh của nghĩa binh. Và tài năng của họ Cao không chỉ ở việc cầm quân, mà còn ở cả việc hiện đại hóa nghĩa binh hòng đọ sức với Tây.
 
 
Tượng tướng Cao Thắng tại trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng, Quận 1, TP.HCM (Ảnh: Đình Ba).
Tượng tướng Cao Thắng tại trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng, Quận 1, TP.HCM (Ảnh: Đình Ba).

Nói về vai trò của Cao Thắng trong khởi nghĩa Hương Khê, Đào Trinh Nhất trong tác phẩm Phan Đình Phùng, một vị anh hùng có quan hệ đến lịch sử hiện thời, đã có lời nhận xét, ngẫm ra chẳng có ngoa ngôn chút nào: “Khi cụ Phan khởi nghĩa, hào kiệt bốn phương về theo, phần nhiều là người có võ nghệ và có tài năng, nhưng mà cầu lấy một người có trí, có dũng, có ân, có oai, có cơ mưu, có thao lược, nói tóm lại đủ tài làm tướng, thì không ai bằng Cao Thắng”. Muốn nghiệm xét lời trên, cứ xem hành động của vị tướng họ Cao, hẳn tất thảy đều hài lòng cho là đúng.

Lương duyên với cụ Phan

Quê hương, bản quán của tướng quân Cao Thắng (1864-1893), theo Từ điển nhân vật xứ Nghệ cho hay, ở làng Yên Đức, xã Tuần Lễ, tổng An Ấp, nay là xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Xuất thân của họ Cao xét ra thật bần hàn, là con nhà nông dân nghèo. Về dung mạo của họ Cao, được Việt Nam danh nhân từ điển điểm qua đôi nét, rằng: “Dáng người thấp nhỏ, nhưng thông minh lanh lẹ, tinh thông võ nghệ binh thư”. Đào Trinh Nhất thì cho hay, Cao Thắng người thấp nhỏ, chân tay đều ngắn, có tướng ngũ đoản, mà tướng ấy lại là tướng quý. Khác với bạn bè đồng lứa, ngay từ lúc nhỏ, Cao Thắng đã góp mặt trong khởi nghĩa của Trần Quang Cán năm Giáp Tuất (1874). Tính ra lúc ấy, Thắng mới 11 tuổi ta.

Sau khi ông Cán bị hại, như ghi chép trong Phan Đình Phùng, một vị anh hùng có quan hệ đến lịch sử hiện thời, thì Cao Thắng được anh của cụ Phan Đình Phùng, là ông Phan Đình Truật (Thuật) nhận làm con nuôi, nuôi nấng, che chở. Sau rồi ông Truật mất, Thắng về lại quê cày cấy nuôi mẹ, nuôi em. Nhưng sau đó, bị bắt giam vào nhà lao Hà Tĩnh trong một vụ kiện ở làng. Mà theo sách trên, thì bởi bạn hữu với Thắng là Nguyễn Kiểu có tụ họp mấy tên thủ hạ đi cướp của nhà giàu, vì thế mà sau Thắng bị liên lụy. Phận tù của Thắng, có thể còn kéo dài nữa, nếu không có lần chiếm thành Hà Tĩnh năm Ất Dậu (1885) của Lê Ninh, nhờ đó mà Thắng được ra tù.

Tượng tướng Cao Thắng tại trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng, Quận 1, TP.HCM (Ảnh: Đình Ba).

Tượng tướng Cao Thắng tại trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng, Quận 1, TP.HCM (Ảnh: Đình Ba).

Sẵn duyên tương ngộ làm sao, cuối năm Ất Dậu (1885), cụ Phan dựng cờ nghĩa Cần vương chống Pháp, thế là Cao Thắng cùng em là Cao Nữu và Kiểu đem theo 60 tên thủ hạ về đầu quân dưới trướng cụ Phan. Biết Thắng có tài, cụ Phan phong cho làm Quản cơ. Năm ấy, Cao Thắng mới 20 xuân, còn trẻ lắm.

Cướp súng để chế súng

Tham gia cuộc khởi nghĩa ngay từ buổi ban đầu, dù là kẻ đầu xanh tuổi trẻ, nhưng đời bôn ba của Thắng cũng đã ngót 10 năm. Thời gian đầu, như ghi chép trong Việt sử tân biên cho biết, nghĩa quân thế lực yếu, liên tục bị địch càn quét, phải rút vào rừng, có lúc tưởng như tan rã. Đến năm Đinh Hợi (1887), cụ Phan ra Bắc tìm kiếm sĩ phu Bắc Kỳ, Cao Thắng tuổi mới 23, đã đảm đương trọng trách giữ lửa chờ thời cơ.

Một trong những mối lưu tâm lớn của Cao Thắng lúc này, là phải làm sao trang bị được vũ khí có khả năng đối chọi được với binh lực Pháp hiện đại bấy giờ, như Hà Tĩnh Ất Dậu ký có ghi: “Các ông đều công nhận rằng: nếu không có dương pháo và quân đội không luyện tập theo lối mới của các nước Âu Mỹ thì không sao có thể duy trì được”. Mà lúc ấy, súng Tây là loại vũ khí hiện đại lắm rồi, trong khi nghĩa quân toàn vũ khí thô sơ tự tạo cả.

Nghĩ là làm, Cao Thắng liền nghĩ cách… cướp súng Tây, vừa trang bị cho nghĩa quân, vừa tìm tòi mà chế tạo súng mới. Lúc ấy, ở Hà Trại thuộc huyện Hương Sơn, có một đồn tạm do lính Tây đóng, chưa có thành lũy kiên cố. Cao Thắng liền huy động 40 người can đảm đeo đoản kiếm, đi theo đường núi lên Hạ Trại. Nghĩa binh chờ khi trời tối, ập vào giết lính canh rồi cướp súng, quân trong đồn bị đánh bất ngờ, chạy tán loạn, bị giết chết 10 tên. Còn nghĩa quân thì thu được 24 khẩu súng và đạn dược. Việc làm táo bạo ấy, xảy ra năm Mậu Tý (1888).

Trong khi ấy, ở Can Lộc, toán nghĩa quân khác của ông Nguyễn Chanh cùng Lãnh Khương cũng theo cách ở Hương Sơn, nhân khi một đội lính khố xanh đi tuần ở làng Hốt (xã Lai Thạch) rồi nghỉ tại làng ấy, các ông đem theo 20 người kèm đoản đao bên mình, giả làm người nhà quê trà trộn làm phu làng, đến hầu hạ đội lính. Nhân lúc chúng ăn uống say sưa, nghĩa binh hạ sát 17 tên, chỉ đúng một tên thoát thân, thu được 18 khẩu súng. Thế là súng Tây đã có trong tay, tướng nông dân Cao Thắng nghĩ kế xa hơn: Chế tạo súng. Bởi thế mà trong Vè Quan Đình đã có câu miêu tả việc chế súng của nghĩa quân Hương Khê là:

Khen thay Cao Thắng tài to,

Lấy ngay súng giặc về cho lò rèn.

“Kỹ sư” quân khí Hương Khê

Nói về công hiệu của súng do nghĩa quân Cao Thắng chế tạo, Cận đại Việt sử diễn ca ghi:

Vây thành đánh huyện lung tung,

Súng Cao Thắng chế bắn rung bót đồn.

Nên nhớ, để chế tạo được súng, cần phải có kiến thức nhất định về lĩnh vực đòi hỏi nhiều kỹ thuật tinh vi này, và dĩ nhiên là phải học hành, thao luyện dữ lắm mới thành công được. Trong khi ấy, Cao Thắng xuất thân là anh nông dân chân lấm tay bùn, mà chế ra được súng, lại là súng mô phỏng kiểu Pháp, thử hỏi có phải là kỳ tài hay không? Đến ngay cả người Pháp khi thu được súng do nghĩa quân Hương Khê chế tạo, cũng phải lấy làm thán phục cái tài chế súng không kém gì người Pháp, chỉ có mỗi cái kém hơn là nòng súng không xẻ rãnh nên đạn không đi xa và độ chính xác không cao bằng súng do Pháp làm.

Trong Việt Nam vong quốc sử, cụ Phan Bội Châu khi viết về Phan Đình Phùng, đã không thể bỏ qua vai trò của Cao Thắng: “Chưởng dinh Cao Thắng, là người vừa dũng cảm, vừa thiện chiến. Chỉ trông thấy súng của Pháp một lần là có thể bắt chước chế tạo, mà tinh xảo không kém”.

Muốn biết tường tận cái việc chế tạo ra thứ vũ khí sát thương được xem là tân tiến nhất trong chiến tranh thời bấy giờ, trong khi nghĩa quân rặt toàn nông dân, đến cây súng cầm còn lạ huống hồ kiến thức về việc chế tạo súng, ta nên nghe qua tường thuật trong Hà Tĩnh Ất Dậu ký. Sau khi cướp được súng của quân Pháp rồi, Cao Thắng cho đòi 16 người thợ rèn làng Trung Lương (Can Lộc) lên núi, “rồi ông tháo khẩu súng ra từng bộ phận, ông giao cho cứ hai người thợ rèn phải làm một bộ phận trong khẩu súng cho in như thế, ông thân ra ngồi đốc công. Làm xong lắp ráp lại, không khác gì súng Tây”.

Súng do nghĩa quân chế tạo.

Súng do nghĩa quân chế tạo.

Ấy nhưng việc đâu chỉ dễ thế. Làm được súng rồi, khi bắn thử, thì nòng súng vỡ ra, bởi thợ chưa đúc được sắt tốt, nên nòng súng không chịu được hơi thuốc đạn. Không nản chí, Cao Thắng liền cử Cao Đạt sang Xiêm khảo cứu cách làm súng và mua bột nổ. Bấy giờ, người Anh đang ở Xiêm, có bất hòa với người Pháp, nên không ngại ngần mà chỉ cho nghĩa binh. Lúc ấy ông Đạt mới biết nòng súng phải nấu thép, lọc kỹ và đổ khuôn, rồi dùng đá đánh cho trơn mới được. Hiềm nỗi, kỹ thuật của thợ Việt không làm được.

May sao, người Anh bày cho cách khác, ấy là làm nòng súng đặc bằng thép non, rồi khoan bằng thép già cho thành nòng súng, sau tôi nòng súng cho già. Nhờ đó, nghĩa binh chế tạo được súng, nhưng có hạn chế là “chỉ bắn được có 6 phát thôi, bắn thêm nữa đạn không phát, là vì lò xo làm bằng gọng ô, bắn nóng lên thì nó yếu đi, không có sức phá hạt nổ”. Do vậy, bắn 5-6 phát lại phải nghỉ cho súng nguội, hoặc phải rót nước lạnh vào lò xo. Dẫu nhược là vậy, nhưng với 500 khẩu súng đúc được, đã là thành công lớn giúp nghĩa quân có thêm thứ vũ khí khả dĩ mà đối đầu binh Pháp. Cái cảnh đúc súng dạo ấy, còn phảng phất đâu đây trong Vè Quan Đình:

Xưởng trong cho chí trại ngoài,

Thợ rèn các tỉnh đều mời hội công.

Súng ta chế được vừa xong,

Đem ra mà bắn nức lòng lắm thay.

Đọc thêm