Kỳ thi THPT: đã xuất hiện không ít điểm 10

(PLO) - Chỉ có khoảng 10 ngày cho công tác chấm thi với lượng bài chia đều cho 8 môn thi nên các cụm thi đã làm cuốn chiếu ngay khi kết thúc từng môn thi. Hiện đã xuất hiện những điểm 9, điểm 10 đầu tiên và nỗi lo khó tuyển vì… điểm cao là điều dễ xảy ra ở mùa tuyển sinh năm nay.
Kỳ thi THPT: đã xuất hiện không ít điểm 10
Rốt ráo chấm thi
Mặc dù 20/7 mới là hạn chót của công tác chấm thi nhưng hiện các trường đều đã dự kiến hoàn thành sớm trong khoảng 10 ngày, dù số môn thi năm nay tăng gần 3 lần. Một điểm mới là năm nay lực lượng chấm thi có sự phối hợp giữa giáo viên địa phương và giảng viên tại tất cả các cụm thi. 
Ông Nguyễn Quang Kim - Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi cho biết, từ chiều 1/7, sau từng môn thi, bài thi đã được rọc phách để chấm thi từ ngày 5/7. Ông Vũ Ngọc Huyên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, cụm thi này 10/7 sẽ bắt đầu chấm. Lực lượng cán bộ chấm thi của Học viện tương đối đủ. 
Ngoài ra, Học viện còn kết hợp với giáo viên của Sở GD-ĐT Hà Nội và Sở GD-ĐT Bắc Ninh để chấm những môn Học viện không có người chấm như Tiếng Đức, Tiếng Nhật và một số môn tự luận để đảm bảo tính khách quan như Ngữ văn, Lịch sử. 
ĐH Lâm  nghiệp Việt Nam cũng chấm thi từ ngày 5/7. Kế hoạch là tới ngày 18/7 sẽ hoàn thành khâu này. Tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, dự kiến đến 15/7 công tác chấm thi sẽ hoàn thành. Tại cụm thi Học viện Kỹ thuật quân sự, Phó Giám đốc Lê Minh Thái cho biết ngày 5/7 tiến hành dọc phách bài thi tự luận của thí sinh. Công tác chấm thi dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày 15/7. 
Cụm thi do Trường ĐH Vinh chủ trì dành cho thí sinh hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có đến hơn 37.000 thí sinh dự thi. Với số lượng bài thi lớn, Trường ĐH Vinh huy động cả giáo viên nhà trường và giáo viên từ các Sở GD-ĐT Nghệ An, Hà Tĩnh tham gia chấm thi.
Xuất hiện không ít điểm 10
Tại cụm thi ĐH Công nghiệp, ông Kiều Xuân Thực - Trưởng phòng Đào tạo cho biết, trường đã chấm khoảng gần 1.000 bài thi cả Ngữ văn và Toán, điểm cao nhất môn Toán là 9. Phổ điểm chung của môn Ngữ văn là 5-7. Nhiều thí sinh chỉ đạt 2 đến 3 điểm, thậm chí là điểm liệt, do không có thông tin trong bài viết hoặc chỉ viết được vài dòng. 
Tuy nhiên, có khá nhiều bài thi đạt điểm 10 môn Toán tại điểm chấm thi ĐH Bách khoa, Kinh tế Quốc dân, Thủy lợi (Hà Nội), những bài thi môn Toán đạt điểm 10 và cả điểm 0 đã xuất hiện. Ông Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, môn Toán đã xuất hiện những điểm 10 đầu tiên. Trong đó, số thí sinh đạt điểm tương đối là 8 và 9, một số thí sinh khác bị điểm 1 - 1,5 điểm, thậm chí 0 điểm.
Theo GS Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng ĐH Vinh (Nghệ An) chưa có thí sinh đạt điểm tuyệt đối môn Ngữ văn, Lịch sử. Một số thí sinh đã đạt điểm 10 môn Địa lý. Phổ điểm Ngữ văn dự kiến trải dài từ 4-8 điểm, môn Địa lý có số điểm khá cao, nhiều em đạt 6-8. Số điểm liệt trong các môn xã hội cũng xuất hiện nhưng không nhiều. 
Tại Hội đồng chấm thi ĐH Thủy lợi (Hà Nội), ông Trịnh Minh Thụ - Phó Hiệu trưởng nhà trường nhận xét, bước đầu cho thấy thí sinh làm bài tốt: môn Toán nhiều điểm 5-7, điểm 8-9 cũng nhiều hơn mọi năm; điểm thi môn Ngữ văn nằm nhiều ở phổ điểm 5-7. 
Tương tự, ông Kiều Xuân Thực - Trưởng phòng đào tạo ĐH Công nghiệp cho biết, phổ điểm chính bài thi của thí sinh tại Hội đồng này, các môn nằm rải đều ở khung 5-7 điểm. Ông Thực cho biết thêm, nếu vẽ đồ thị điểm thi của thí sinh thì mọi năm đồ thị có hình chóp đỉnh cao nằm ở khoảng giữa do điểm cao ít thì năm nay điểm của thí sinh cao hơn, chóp của đồ thị bị đẩy sang bên phải.
Và những lo ngại
Liên quan tới vấn đề chấm thi, nhiều người lo ngại ở các cụm thi địa phương sẽ có sự nới tay hơn bởi thầy cô nào cũng muốn học trò của mình đỗ. Và việc mời giáo viên THPT tại các cụm thi cũng khó tránh khỏi việc giáo viên chấm bài của học sinh mình. Như vậy có đảm bảo sự công bằng hay không? 
Về việc này, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, sau khi kết thúc kỳ thi, Bộ đã có hướng dẫn chấm thi cụ thể, chặt chẽ và phù hợp đặc trưng của từng môn. Bài thi được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25; không quy tròn điểm. Riêng đối với các môn xã hội, do là đề mở nên thí sinh sẽ có những cách trình bày, sáng tạo khác nhau, những biện dẫn và lý giải khác nhau, vì vậy cách chấm cũng sẽ mở. 
Cũng theo ông Trinh, do đặc trưng của môn Ngữ văn nên thầy cô cũng cần linh hoạt trong quá trình chấm. Những thí sinh có cách diễn đạt sáng tạo, có cảm xúc, thể hiện suy nghĩ mới mẻ, sâu sắc về vấn đề nghị luận đều được khuyến khích. 
Ông Trinh cũng khẳng định quy trình chấm thi được tổ chức nghiêm ngặt ở cả cụm thi do Sở GD-ĐT  chủ trì và cụm thi do trường ĐH chủ trì, bởi cả hai đều có sự tham gia của giáo viên THPT và giảng viên các trường ĐH. Hiện quy trình chấm thi sẽ qua hai vòng độc lập. Trong quá trình chấm thi, Hội đồng sẽ đồng thời chấm kiểm tra để nếu phát hiện những vấn đề cần thiết có thể bổ sung.
Nhiều điểm cao thì tuyển sinh đại học có dễ dàng?
Đó là lo ngại của GS. Văn Như Cương. Theo GS đề Toán với tỷ lệ để đỗ tốt nghiệp (60%) là dễ quá, ngay cả bài kiểm tra 15 phút cũng không dễ như thế.  Theo lý giải của GS, vì một bài thi chỉ ghi là 7 điểm hay 6 điểm, nếu tách ra phần cơ bản là 6, phần nâng cao là 0, bài kia phần cơ bản là 3 phần nâng cao là 4, vậy các trường đại học dựa vào đâu? Thí sinh chỉ làm hết phần cơ bản, không làm phần nâng cao cũng được 6 điểm, vậy thì trường ĐH sẽ chọn em nào? 
Như vậy có thể chúng ta sẽ lấy thí sinh vào các trường ĐH không đúng theo năng lực của các em. Bên cạnh đó có nhiều cụm thi chỉ để xét tốt nghiệp thông qua 4 môn thi, nhưng cũng có nhiều trường ĐH xét tuyển thí sinh thông qua 4 môn thi đó cộng với điểm  rèn luyện qua học bạ. Vậy sẽ giải quyết vấn đề ở đây như thế nào, các trường ĐH tuyển sinh có dễ dàng không khi mà phần lớn thí sinh sẽ có điểm cao như vậy?

Đọc thêm