Kỳ thú hội đấu võ cướp heo Tết Vu lan

(PLO) - Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, làng võ An Thái thuộc xã Nhơn Phúc, thị xã An nhơn, tỉnh Bình Định tổ chức lễ hội xô giàn, đấu võ cướp heo kỳ thú. 
Kỳ thú hội đấu võ cướp heo Tết Vu lan

Lễ hội kỳ thú

Gần 70 năm trước lễ hội kỳ lạ này tổ chức 2 năm hoặc 3 năm một lần. Lễ hội được tổ chức vào Rằm tháng bảy, hoặc Tết Đoan ngọ (5/5 âm lịch). Những năm bị chiến tranh hoặc thiên tai, mất mùa thì người dân lại tổ chức lễ hội để cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Tuy nhiên, điều hấp dẫn của lễ hội không phải là vấn đề tâm linh hay tín ngưỡng mà chính là tinh thần  thượng võ đặc sắc của nó. Ở Bình Định ai cũng biết làng võ An Thái là nơi từng sản sinh nhiều bậc võ nhân kỳ tài vang danh thiên hạ. 

Người dân đất võ thường lưu truyền các giai thoại võ nghệ ở các làng võ với những câu ca dao như: “Trai An Thái, gái An Vinh”; hoặc “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”; “Ai về Bình Định mà coi; con gái Bình Định bỏ roi đi quyền ...”. Những câu ca dao này phản ánh tinh thần thượng võ của người Bình Định và dặc biệt là 3 làng võ nổi danh là An Thái, (An Nhơn) An Vinh, Thuận Truyền (Tây Sơn) nổi tiếng về võ nghệ. 

Ở Bình Định các dịp lễ hội xưa thường có tiết mục đấu võ, hoặc biểu diễn võ cổ truyền ở phần hội. Hội xô giàn là dịp để các võ sĩ phái võ Ta (phân biệt với võ Tàu) từ khắp các địa phương trong nước về thăm đồng môn và cũng là dịp để thử tài cao thấp. Tuy nhiên hấp dẫn và cuốn hút đông người tham gia nhất chính là hội xô giàn tranh heo quay lễ vật. Lễ hội kỳ lạ này giống như một hình thức sinh hoạt thể thao và văn hóa tâm linh của người xưa. 

Địa danh An Thái từ lâu đã đi vào văn học dân gian Bình Định, đất An Thái là một trong những cái nôi của võ Bình Định. Đặc biệt ba anh em nhà Tây Sơn gồm:  Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và cả danh tướng Võ Văn Dũng cũng từng tìm thầy học võ ở đây trước khi lên Tây Sơn thượng đạo chiêu mộ nghĩa quân, dấy binh dẹp loạn và đánh đuổi giặc ngoại xâm. 

Làng An Thái có vị trí giao tiếp thuận lợi cả đường thủy lẫn đường bộ nên từ đầu thế kỷ 17 đã có nhiều thương nhân từ các nơi trong và ngoài nước đến đây buôn bán và định cư lâu dài. Đây cũng là nguyên do làng võ An Thái sớm hình thành một vùng đô thị sầm uất. Từ thế kỷ XVIII trở đi, nơi đây là một trong những trung tâm buôn bán của xứ sở Bình Định, thu hút thương nhân từ các nơi về trao đổi hàng hóa, phẩm vật. 

Mãi đến những năm trước ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, làng võ An Thái vẫn còn là trung tâm thương mại với nhiều cửa hàng tạp hóa, nhiều xưởng dệt và lò nhuộm thủ công, các cơ sở làm giấy bản và lò làm bún song thằng (bún Tàu). 

Ở làng võ An Thái, hầu như gia đình nào cũng đều cho con học võ. Nhà giàu thì mời thầy về dạy võ tại nhà, nhà nghèo thì gửi con đến học võ ở các võ đường trong vùng. Có lẽ vì thế mà trong các lễ nghi, hội hè hoặc các trò chơi dân gian ở làng võ An Thái từ xưa tới nay đều thể hiện truyền thống thượng võ. Trong số lễ hội đó, tiêu biểu nhất và cũng được mọi người ưa thích nhất là tục xô giàn đấu võ tranh con heo quay ...

Đấu võ cướp heo...

Sau hai ngày cúng tế và hát bội, đến ngày thứ ba thì bắt đầu đến Hội xô giàn. Lễ vật gồm có lá cờ phướn ghi 4 chữ: Phúc, Đức, Thần, Tài cùng với một con heo quay (nay là heo còn sống), bánh trái và gạo muối. Người dân làm một chiếc giàn bằng tre cao khoảng 4-5 mét. Trên giàn có người chủ trò và một số võ sĩ. Trong đám đông bên dưới có rất nhiều võ sĩ thuộc các võ đường nổi tiếng trong vùng như: An Thái, An Vinh, Suối Bèo, Trường Định, Hòa Phong ... 

Các võ sĩ được phân công chặt chẽ, còn các võ sư thì ẩn mình gần đó để chờ đợi kết quả tỉ thí giữa các đệ tử. Sau 3 hồi chiêng trống nổi lên báo hiệu lễ cúng giàn kết thúc, người chủ trò dùng rựa chặt đứt dây neo giàn và xô đổ giàn, con heo cùng các lễ vật bị rơi xuống đất. Các cao thủ phóng đến cướp con heo. Sau khi một người cướp được liền vác heo bay ra khỏi đám đông, mang lễ vật về điểm an toàn đã định.

Mỗi nhóm võ sĩ tham gia tranh tài đếu bố trí người ngăn cản những đối thủ khác tấn công cướp lại heo lễ vật. Trong cuộc tranh tài này, các cao thủ sử dụng các chiêu thức võ nghệ để giành chiến thắng. Vì vậy ngày trước đôi khi hội xô giàn đã để lại những nợ nần, ân oán giữa các môn phái khác nhau trong vùng, hoặc những lò võ ở các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum …

Con heo lễ vật của hội xô giàn An Thái được xem là phần thưởng danh dự đặc biệt của các môn phái hoặc võ đường. Theo lệ, heo lễ vật sau khi mang về sẽ được khao chung cho tất cả những võ sĩ của võ dường tham gia tranh tài. Những làng võ nào có người giành chiến thắng trong hội sẽ được nhiều người nể phục. Đồng thời người dân trong vùng tin rằng năm ấy sẽ gặp may về mùa màng vì cướp được “lộc”. 

Trước đây những lò võ ở Bình Định và các lò võ ở Gia Lai có nhiều võ sĩ giỏi “nghề tranh heo quay”. Ý nói là có nhiều võ sư giỏi võ nghệ. Bởi vì cuộc đấu võ cướp heo tại hội xô giàn không phải là giá trị vật chất mà là giá trị được thể hiện qua tài võ nghệ của những võ phái tham gia. Đây cũng là thế đứng danh dự trong làng võ ở Bình Định nói riêng và các làng võ trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung. Võ đường nào không cướp được con heo lễ vật thì tiếp tục tu luyện chờ dịp xô giàn những năm tiếp theo.

Những lò võ cổ truyền 

Võ sư Lâm Ngọc Phú, Chưởng môn phái Bình Sơn (Bình Định) cho biết, ở làng võ An Thái xưa có 4 lò võ lớn là Bình Sơn, Hải Sơn, Quách Cang và Hồ Hoành. Trong đó lò võ Bình Sơn được xem là võ đường uy tín nhất, kết hợp giữa võ Bình Định và các môn phái võ khác trong và ngoài nước. Theo ông thì môn phái Bình Sơn thờ vua Quang Trung làm tổ sư.

Hiện nay, bên kia bờ dòng sông Côn (Tây Sơn) vẫn còn các làng võ nỗi danh như làng An Vinh, làng Thuận Truyền. Sau khi các võ sư nỗi danh như: Cai Bảy, Kiểm Cáo, Kiểm Mỹ, Hộ Hải, Chín Đỗ... (An Vinh) và võ sư Hồ Ngạnh (làng võ Thuận Truyền) qua đời, các làng võ cổ truyền hiện đang có nguy cơ bị mai một và thất truyền dần. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định hiện đã có Đề án đưa các môn võ Cổ truyền Bình Định vào trường học nhằm duy trì, bảo tồn và phát triển võ Bình Định trên quê hương đất võ.

Việc cho phục dựng lễ hội xô giàn cướp heo của người dân đất võ trong những năm gần đây đã tô điểm thêm sắc màu phong phú cho những lễ hội dân gian vừa độc đáo vừa lạ lẫm, hấp dẫn của nước ta, góp phần phục vụ du khách thập phương và duy trì nét văn hóa, phong tục cổ truyền của dân tộc...

Đọc thêm