Kỳ thú tượng Phật nhập niết bàn trên núi dài nhất châu Á ở đỉnh Tà Cú

(PLVN) -
Tượng Đức Phật Thích Ca nhập niết bàn được xây dựng hoàn toàn thủ công trong suốt 5 năm.

Gia Nguyễn

Trên núi Tà Cú (thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) có hai ngôi chùa hơn trăm năm tuổi và tượng Đức Phật Thích Ca nhập niết bàn dài 49m, từng được công nhận là tượng Phật nhập niết bàn dài nhất châu Á. Xoay quanh việc dựng chùa xây tượng trên ngọn núi thiêng này là những chuyện ly kỳ, màu nhiệm.

Chùa cổ trên núi thiêng

Núi Tà Cú nằm bên Quốc lộ 1A, cách Phan Thiết 28 km về phía Nam, có độ cao chỉ 649m nhưng vì núi non trùng điệp, rừng già và sương mù bao phủ nên phong cảnh vừa tráng lệ lại mang vẻ thâm u tịch mịch. Bình Thuận nổi tiếng là xứ nhiều nắng nhưng núi Tà Cú lại quanh năm mát mẻ, sớm chiều sương mù bao phủ.

Gần đỉnh núi có hai ngôi chùa, ngôi chùa bên trên là Linh Sơn Trường Thọ, dân địa phương thường gọi là chùa Trên. Nằm kề phía dưới là Tổ Đình Long Đoàn, người dân thường gọi là chùa Dưới. Chùa Trên ra đời trước, có thông tin cho rằng chùa được xây dựng vào năm 1879, gắn liền với vị tổ sư khai sơn là nhà sư Hữu Đức (1812 - 1887).

Theo một số tài liệu, vị tổ sư tên là Trần Hữu Đức pháp danh Thông Ân, pháp hiệu Hữu Đức vốn người Phú Yên. Ông được sinh ra trong một gia đình quý tộc có truyền thống Nho học, từ nhỏ thường đi chùa lễ Phật. Năm 17 tuổi, ông theo thuyền ngư dân xuôi Nam vào Phan Thiết tầm sư học đạo.

Ông đã có thời gian tu tập và góp nhiều công sức chăm lo Phật sự ở nhiều chùa tại Bình Thuận. Những năm 1839, ông tu ở làng Bàu Trâm gần mũi Kê Gà, đồng thời bốc thuốc cứu dân làng thoát nhiều bệnh tật. Năm 1872, (có tài liệu cho là năm 1870) ngài Hữu Đức tìm đường lên đỉnh núi Tà Cú, thiền định trong một hang núi với ý nguyện dành trọn phần đời còn lại để tu hành tại đây chứ không xuống núi.

Tượng được công nhận là tượng Phật nhập niết bàn trên núi dài nhất châu Á.

Truyền rằng núi Tà Cú khi ấy là vùng rừng thiêng đất hiểm với nhiều dã thú và nguy cơ rình rập. Thế nhưng ngài Hữu Đức tu hành ở đây mà không gặp phải bất cứ sự tấn công nào của thú dữ. Ngược lại, trong thời gian tu hành ở hang đá, lời kinh tiếng kệ của ngài đã cảm hóa một con bạch hổ, biến nó từ hung dữ trở nên hiền lành.

Từ ngày được thuần hóa, cọp trắng quyến luyến nhà tu hành không rời, ngày ngày nằm dưới chân ngài.Sau này khi ngài viên tịch, bạch hổ buồn đến bỏ ăn, nằm bên tháp ngài đến chết. Các đệ tửsau đó đã an táng bạch hổ bên tháp vị tổ sư. Ngôi tháp và hang đá ngài tu hành năm xưa đến nay vẫn còn, được gọi là hang Tổ.

Chẳng những là bậc chân tu đạo hạnh, đương thời nhà sư Hữu Đức là một thầy thuốc giỏi. Vào năm Tự Đức 33 (1880), khi hoàng thái hậu Từ Dụ bị bệnh nặng, các thái y trong triều đều bất lực. Có người biết tiếng nhà sư Hữu Đức đãtâu vua xin rước ngài về triều trị bệnh. Do ý nguyện ẩn tu trên núi và không hạ sơn, nhà sưđã chuẩn bị bài chú Chuẩn Đề và kê toa với những dược liệu quý, gởi sứ mang về trị bệnh cho bà Từ Dụ.

Nhờ vào phương pháp của sư Hữu Đức, hoàng thái hậu Từ Dụ đã được khỏi bệnh. Để tạ ơn, vua Tự Đức đã sắc phong chùa làLinh Sơn Trường Thọ và tôn xưng ngài Hữu Đức là Đại lão Hòa thượng.Sau đó nhiều người dân dưới núi hay tin đến nhờ ngài trị bệnh ngày càng đông.Và sau này ông được xem là vị tổ đầu tiên trên núi Tà Cú.

Năm 1887, sau khi dặn dò các đệ tử, nhà sư Hữu Đức viên tịch ở tuổi 76. Năm 1890, sư Tâm Hiền lập ngôi chùa mới ở phía dưới, sau này gọi là chùa Dưới hay chùa Long Đoàn.

Kiệt tác tượng Phật nằm

Ngoài hai ngôi chùa cổ, một điểm đến đặc biệt hấp dẫn ở núi Tà Cú là tượng Đức Phật Thích Ca nhập niết bàn. Tượng nằm phía sau hai ngôi chùa và cách miệng hang Tổ khoảng gần 100m. Tượng được xây dựng từ ý tưởng của sư trụ trì chùa Linh Sơn Trường Thọ lúc bấy giờ là Hòa thượng Thích Vĩnh Thọ (1905 - 1982).

Công trình có sự tham gia và chủ trì của nhà điêu khắc nổi tiếng Trương Đình Ý. Ông là người phác họa những nét đầu tiên của bức tượng và gác lại tất cả mọi thứ từ công việc đến gia đình để toàn tâm toàn ý dựng tượng. Năm 1962 - thời điểm khởi công dựng tượng, ông Trương Đình Ý xin thôi giảng dạy ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (Sài Gòn) và tạm biệt vợ con để lên núi Tà Cú. Ông đã xuống tóc và ăn chay niệm Phật suốt hơn 5 năm trường dựng tượng.

Quá trình dựng tượng có những chuyện kỳ lạ được truyền tụng đến ngày nay. Theo đó, hàng ngàn Phật tử và người dân xa gần đã góp sức vác từng viên đá, từng bao xi măng từ chân núi vượt quãng đường dài ngoằn ngoèo 3 cây số, với bao dốc cao ngổn ngang đá tảng và cây rừng chằng chịt để lên đỉnh núi. Dù địa hình hiểm trở và công việc cực nhọc, thế nhưng quá trình thi công không gặp bất cứ tai nạn nào đáng kể.

Đặc biệt, cát xây tượng được tạo ra ngay trên núi mà không cần tốn công vận chuyển dưới đồng bằng lên. Truyền rằng, hòa thượng Thích Vĩnh Thọ đã có cách tạo ra cát ngay trên đỉnh núi một cách vô cùng màu nhiệm. Ông cho trữ nước và bít kín những mạch nước chảy trên núi, chỉ chừa lại vài mạch nước chảy, sau đó trì chúkhấn nguyện. Kỳ tích xuất hiện, tại các mạch nước chảy sau đó tuôn ra cát vàng sạch óng khiến ai nấy vỡ òa.

Sau 5 năm xây dựng, tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn hoàn thành năm 1967. Pho tượng với bố cục trong tư thế nằm nghiêng, đầu gối lên tay, lưng tựa vào vách núi, trên mặt bằng có chu vi 832m. Tượng có chiềucao 11m, chiều dài 49m, tượng trưng cho 49 năm từ khi Đức Phật thành đạo đến khi nhập niết bàn. Tượng sau này được công nhận là tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam và năm 2013, Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là tượng Phật nhập niết bàn trên núi dài nhất châu Á.

Thời điểm vừa mới hoàn thành, phía sau cổ tượng có cánh cửa với kích thước đủ để một người chui vào bên trong. Chính vì cánh cửa này mà xuất hiện nhiều thông tin thất thiệt và những lời đồn thổi nhuốm màu huyền hoặc, ma mị. Bởi Linh Sơn Trường Thọ là ngôi chùa nghèo mà việc dựng tượng Phật khổng lồ trên núi cao vô cùng tốn kém.

Sau này hậu nhân của nhà điêu khắc Trương Đình Ý cho biết, sở dĩ pho tượng để lại cánh cửa là do công trình khi đó vẫn còn dang dở, sau này vào khoảng năm 1998 cánh cửa đã được lấp lại. Vì vậy mà sau đó nhiều người hiếu kỳ đã không còn tìm thấy dấu tích gì về cánh cửa sau lưng tượng Phật.

Qua hơn nửa thế kỷ, tượng Phật nằm vừa uy nghiêm trầm mặc, vừa lung linh giữa màu xanh tĩnh lặng núi rừng. Đây là cảnh “Song lâm thị tịch”, là niềm ước ao được đặt chân đến một lần của nhiều người. Trên đỉnh núi, ban ngày trong tiếng chuông chùa người ta phóng tầm mắt qua màn sương mờ quan sát những cánh đồng và mái nhà thấp thoáng dưới chân núi. Đêm đến là khung cảnh cả một vùng trồng thanh long rộng lớn sáng rực khi nông dân thắp đèn cho cây nở hoa.

Năm 1993, quần thể danh lam thắng cảnh núi Tà Cú được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Đến năm 1996,khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú được thành lập. Đến năm 2003, khu du lịch Núi Tà Cú chính thức đi vào hoạt động với tuyến cáp treo dài 1.600m, cao 505m, có thể phục vụ 1.000 khách/giờ.

Ngày nay du khách đến núi Tà Cú không chỉ bởi tín ngưỡng mà còn để thưởng lãm vẻ đẹp đặc sắc nơi này. Mấy mươi năm trước, khách lên chùa trên đỉnh núi phải đi bộ từ chân núi băng qua rừng rậm, vượt quãng đường dài gần 3 cây số dốc đá. Người trẻ khỏe đi nhanh thì mất vài giờ, còn người đi chậm có thể mất một ngày. Sau này với cáp treo, người ta chỉ mất chưa đến 20 phút là đến đỉnh núi viếng chùa và tượng Phật nằm.

Đọc thêm