Đó cũng là lúc ý chí, nghị lực phấn đấu không biết mệt mỏi của anh được hình thành. Chàng trai tật nguyền với đôi nạng gỗ trong tay đã thêu dệt lên nhiều kì tích, trở thành biểu tượng “bất khuất” của đồng bào Ba Na giữa đại ngàn.
“Ngọn đuốc” sáng của núi rừng Tây Nguyên
Chàng trai “nạng gỗ” có nghị lực phi thường, ấp ủ đầy ước mơ, hoài bão mà chúng tôi nhắc đến đó là anh A Bót (SN 1980, ngụ làng Kon Kơ Lốc, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum).
Với cộng đồng người Ba Na làng Kon Kơ Lốc, hình ảnh chàng thanh niên A Bót tay kẹp đôi nạng gỗ nhanh nhẹn, hoạt bát rất đỗi thân thuộc.
Sở hữu trí thông minh, lanh lợi, dám nghĩ dám làm, chàng trai tật nguyền A Bót khiến dân làng “ngã mũ” thán phục được ví như biểu tượng thể hiện sự bất khuất vượt lên số phận của đồng bào người Ba Na.
Mới đây, chúng tôi có dịp ghé thăm làng Kon Kơ Lốc với hy vọng được gặp gỡ người con u tú của núi rừng. Từ trung tâm thị trấn Đắk Hà, chạy dọc theo con đường trải nhựa phẳng lì, làng Kon Kơ Lốc hiền hòa tọa lạc lưng chừng đồi, tứ bề những đồi cà phê xanh mướt.
Trên đường làng, nhộn nhịp từng đám trẻ con mình trần, chân đất thỏa sức nô đùa. Dừng chân đầu làng, chúng tôi hỏi thăm nhà anh Bót, đám rẻ con ríu rít chạy trước dẫn đường.
Tuy nhiên, khi chúng tôi tới nơi, ngôi nhà nơi anh Bót sinh sống, vắng lặng, cửa khóa trái. Thấy chúng tôi thập thò trước ngõ, anh Trần Văn T. (40 tuổi, chủ quán tạp hóa đối diện) nói vọng ra “các chú tìm Bót phải không? Giờ này làm sao gặp được, Bót đi làm rồi, chiều tối mới về”.
Trò chuyện với PV, anh T. hết lời khen ngợi, tán dương dành cho người hàng xóm của mình. Anh T. nói: “Phải công nhận A Bót, chàng thanh niên có ý chí, nghị lực sắt đá”.
Gật đầu, anh T. tấm tắc khen: “Tôi bán quán ở đây, hơn chục năm nay, thú thật tôi rất ngưỡng mộ, khâm phục anh Bót “tàn nhưng không phế”.
Mặc dù, mất một chân nhưng Bót làm việc năng suất không thua kém gì so với một người bình thường. Những công việc nặng nhọc khó khăn như trèo cây, vác lúa hay như hái cà phê, Bót làm thuần thục”.
Anh T. thông tin thêm: “Hồi tôi mới vào lập nghiệp ở đây, nhà Bót khổ lắm, thuộc hộ nghèo nhất làng. Cả gia đình đông miệng ăn chỉ trông chờ vào sào ruộng cằn cỗi. Để có miếng ăn, bố mẹ Bót ngược xuôi vay mượn sống ngày nào biết ngày đó.
Thậm chí lúc bố mẹ qua đời, gia đình không có điều kiện tổ chức cho người đã khuất một đám tang tử tế, tất cả nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm. Còn bây giờ, nhờ siêng năng, chăm chỉ, ý chí kiên cường gia đình Bót đã có kinh tế vững vàng, bà con ai cũng mừng”.
Chiều muộn, khi những tia nắng cuối ngày khuất dần chúng tôi vui mừng nhận ra anh Bót tay kẹp nạng gỗ trở về nhà sau ngày làm việc nặng nhọc. Khác suy nghĩ ban đầu, trước mắt chúng tôi anh Bót dáng người cao to, thân thể cường tráng và đặc biệt rất...hiếu khách.
Đặt vội đôi nạng gỗ xuống đất, mở cửa mời khách vào nhà, anh Bót nói: “Sáng nào cũng vậy, mình đùm cơm mang theo đi làm thuê cho họ, chiều tối mới về. Thời gian này, đang là mùa khô chưa xuống giống vụ mới được, mình tranh thủ đi làm thuê kiếm ít tiền chi tiêu trong gia đình”.
Anh Bót trò chuyện với PV |
Tàn nhưng không phế
Chia sẻ với chúng tôi về sự việc đáng tiếc xảy ra, anh Bót kể, vào buổi trưa năm 1988, lúc đó anh đang học lớp ba trên đường đến trường thì không may gặp nạn.
“Mình với hai bạn khác trong làng đang tung tăng đến trường thì nhặt được một vật hình tròn bằng kim loại. Thấy lạ, cả nhóm truyền tay nhau cầm xem thì bất ngờ vật kim loại phát nổ trên tay. Sau tiếng nổ chua chát, một người chết tại chỗ, một người bị thương nặng ngất lịm. Mình bị mất một chân, đau đớn kêu gào được vài tiếng rồi cũng bất tỉnh. Sau đó, mình được người làng đưa vào viện cấp cứu”.
Sau biến cố xảy ra, suốt hơn hai năm ngồi một chỗ khiến anh Bót cảm thấy chán nản. “Sáng sớm, ngồi trong nhà nhìn ra thấy bạn bè cùng trang lứa ríu rít kéo nhau đến trường khiến mình cảm thấy ganh tị. Ngay sau khi được cha làm cho đôi nạng gỗ, mình hạ quyết tâm lê đến trường để bầu bạn”.
Thời gian cứ thấm thoát trôi đi, trong khi các bạn trong làng hầu hết nghỉ học nhưng riêng anh Bót vẫn miệt mài không quản ngại nắng mưa bám trường, bám lớp cho đến khi tốt nghiệp cấp ba. Có lẽ cũng từ đó người làng dần quen với hình ảnh anh Bót thanh niên tật nguyền tay kẹp nạng gỗ dậy từ sáng tinh mơ lê từng bước khó nhọc đến trường.
Anh Bót cho biết thêm: “Sau khi tốt nghiệp cấp ba, mình muốn được học lên nữa nhưng do hoàn cảnh gia khó khăn đành tạm gác việc đèn sách ở nhà phụ giúp gia đình những công việc lặt vặt như nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa”.
Khó khăn càng chồng chất khi cha mẹ anh lần lượt qua đời để lại cho anh gánh nặng cưu mang đùm bọc đứa em gái nhỏ. Tài sản hai anh em được thừa kế chỉ là căn nhà vách nứa dột nát và một sào ruộng cằn cỗi.
“Những ngày đầu, sau khi bố mẹ mất, cuộc sống hai anh em mình rơi vào cảnh túng quẫn, đói ăn triền miên. Mình tật nguyền, ruộng đất không ai cày cấy, đứa em gái còn nhỏ, chân yếu tay mềm. Không có gạo, bữa ăn của hai em chỉ là củ mì luộc chấm muối trắng qua ngày. Thế nhưng, trời thương, hai anh em mình tình cảm thắm thiết, không ốm đau bệnh tật gì cả”.
Sau nhiều đêm dằn vặt bản thân mình anh nghĩ phải làm cái gì đó để cải thiện cuộc sống. “Cái khó ló cái khôn” anh Bót bắt đầu làm quen với những công việc đồng áng hàng ngày. Chỉ trong thời gian ngắn, anh thuần thục làm việc như một người bình thường.
Anh Bót hớn hở: “Hiện tại, cuộc sống gia đình mình đã tạm ổn. Nhờ chăm chỉ, chi tiêu hợp lý nên mình có được một ha cao su đang trong độ thu hoạch và 600 gốc cà phê xanh tốt".
Chỉ tay chiếc xe máy nhãn hiệu Dream mới tinh, anh Bót khoe: “Hai anh em đi làm thuê, chắt chiu dành dụm vừa mua được chiếc xe máy mới”.
Khi chúng tôi hỏi anh có ý định lập gia đình trong tương lai? Ban đầu anh dè dặt, ái ngại nhưng sau khi nhận được những lời động viên của chúng tôi, anh thổ lộ: “Mình nhiều tuổi rồi, tất nhiên cũng muốn có một mái ấm gia đình. Nhưng mình muốn lo cho đứa em gái yên bề gia thất lúc đó mới nghĩ đến chuyện của mình”.
Tấm gương sáng của làng
Ông A Thim (Trường làng Kon Kơ Lốc) phấn khởi: “Làng Kon Kơ Lốc thật vinh dự khi có được một công dân u tú như A Bót. Là một chàng trai tật nguyền nhưng A Bót đã chứng tỏ cho mọi người trong làng thấy “tàn nhưng không phế”.
Xuất phát điểm là một hộ nghèo, đôi bàn tay trắng nhưng đến nay A Bót đã làm được điều “phi thường”, đã thoát nghèo và có kinh tế ổn định khiến nhiều người làng cần phải học hỏi.