Ký Tuyên bố chung về Chương trình hợp tác về đối thoại Nhà nước pháp quyền

(PLO) - Hôm qua (14/4), tại Bộ Tư pháp đã diễn ra Lễ ký kết Tuyên bố chung giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Liên bang và Bảo vệ người tiêu dùng nước CHLB Đức về Chương trình hợp tác đối thoại Nhà nước pháp quyền giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 4/2018. 
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Nguyễn Thúy Hiền và Quốc vụ khanh  Bộ Tư pháp Liên bang và Bảo vệ người tiêu dùng nước CHLB Đức Chritian Lange cùng tham dự Lễ ký kết. 
Phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền đánh giá cao ý nghĩa của sự hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Liên bang và Bảo vệ người tiêu dùng nước CHLB Đức trong thời gian qua. 
Thứ trưởng khẳng định hoạt động hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp của hai nước trong thời gian qua đã góp phần to lớn trong việc phát triển kinh tế, chính trị văn hóa của Việt Nam. Việt Nam đang triển khai Hiến pháp 2013, hoàn thiện bổ sung các đạo luật quan trọng như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Tố tụng Hành chính,… vì thế, Việt Nam nói chung và Bộ Tư pháp Việt Nam nói riêng mong muốn tiếp tục hợp tác với CHLB Đức nhằm tăng cường sự hiểu biết về Nhà nước pháp quyền, đẩy mạnh việc xây dựng và thực thi pháp luật cũng như nâng cao năng lực của thiết chế tư pháp; tăng cường hơn nữa vấn đề đối thoại về Nhà nước pháp quyền đã ghi nhận trong Tuyên bố Hà Nội ngày 11 tháng 10 năm 2011 giữa Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Thủ tướng nước CHLB Đức. 
Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền tin tưởng việc tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa hai nước sẽ tạo ra những tiền đề và động lực mạnh mẽ để tăng cường mối quan hệ hợp tác song phương trong những lĩnh vực quang trọng mà hai bên cùng quan tâm.
Cũng tại Lễ ký kết, Quốc vụ khanh Christian Lange cho biết, nhiều kết quả tích cực và lợi ích của hai nước đã đạt được và đã được thông báo trong Lễ sơ kết năm 2014. Ông cho rằng vấn đề quyền con người, quyền công dân là nền tảng cho mọi quyền khác, tất cả đều bị ràng buộc bởi luật pháp. Chính vì thế, nếu người dân không nắm được quyền của mình thì các cơ quan hành pháp, tư pháp phải thông báo để họ biết và thực thi. 
Ông cũng nhận định trong thời gian ngắn nữa, khi Việt Nam trở thành nước công nghiệp thì phải bảo đảm là một Nhà nước pháp quyền, bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp của người dân.

Đọc thêm