Báo Pháp luật Việt Nam xin trân trọng giới thiệu và đăng tải loạt bài viết của ông Nguyễn Văn Ất, nguyên Trợ lý kiêm phiên dịch của Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô xây dựng cầu Thăng Long để bạn đọc không chỉ biết thêm về cây cầu đặc biệt mà còn hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử.
…Gần cuối năm 1979 về nước sau khi tốt nghiệp, hơn nửa năm nằm nhà “đo giường”, các cụ thấy ông con giai “đường đường” tốt nghiệp đại học ở “Tây” về mà chưa thấy cơ quan nào gọi đi làm thì cũng sốt ruột vô cùng, chỉ có điều các cụ không nói ra…
Hà Nội ngày ấy quản lý hộ khẩu chặt lắm! Nhất là các “đối tượng” thanh niên tốt nghiệp ở nước ngoài về.
Về phải khai báo tạm trú với Công an. Có giấy tạm trú mới được đong gạo theo tiêu chuẩn. Còn phiếu thực phẩm không có. (Chắc họ nghĩ từ nước ngoài về thì không cần phiếu thực phẩm! Lượng “bơ sữa” còn tích lại trong người “xả” dần ra mà nuôi cơ thể!)
Hết 3 tháng tạm trú được đong gạo tiêu chuẩn 13 kg, chưa có Giấy gọi đi làm, lại ra Cơ quan Công an để gia hạn tạm trú rồi sang Phòng Lương thực để xin giấy đong gạo.
Cứ 3 tháng một lần phải làm như thế! (hơi giống các “đối tượng” mà công an quản lý hiện nay!)
Vì chưa đi làm là chưa cho phép nhập lại Hộ khẩu về gia đình hay Hộ khẩu vào Cơ quan nào đó. Không có Hộ khẩu là không có gạo!
Sang đến lần tạm trú thứ 3 thì không còn được đong 13 kg gạo nữa. Rút xuống còn 10 kg.
Chưa thông. Hỏi lại thì được cán bộ Phòng lương thực giải thích là “anh chờ công tác lâu quá 6 tháng rồi. Nay tiêu chuẩn gạo chỉ có 10 kg như trẻ em thôi! Nếu quá 12 tháng chưa đi làm thì anh sẽ bị cắt gạo!”.
Ảnh chân dung tác giả Nguyễn Văn Ất, nguyên Trợ lý kiêm phiên dịch của Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô xây dựng cầu Thăng Long (chụp năm 1979). |
Được cái là suốt hơn nửa năm nằm nhà như vậy cũng không “ăn bám” gây khó khăn cho các cụ bởi có ít đồ mang từ “tây” về lần lượt “đội nón” ra đi để có cái đút miệng! Lại quen nếp sống ở “tây”: cơm phải có thịt, ăn xong có nước chè đường, rồi phải có thuốc lá “có cán” cắm miệng! Với đời sống xã hội thiếu thốn đến cùng cực khi ấy để đáp ứng được nhu cầu này không phải đơn giản, phải tốn kha khá!
Suốt mấy tháng nằm nhà ngoài việc xách nước, nấu cơm giúp các cụ, thỉnh thoảng có tối dạy toán mấy lớp bổ túc do có người mời, thì thời gian còn lại là đi chơi “kiêm nhiệm công tác dò la” tình hình phân công công tác nơi bạn bè, người quen…
Rồi nghe “phong thanh” có thể “được” phân về Bộ Điện - Than và ra Quảng Ninh thì cũng lo lo! Các cụ lo một thì bản thân tôi lo hai, ba!
***
Nhưng nằm nhà mãi cũng chán!
Đánh liều ra Bộ Đại học hỏi xem sao. Ra số 9 Hai Bà Trưng, trụ sở Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Trường Âm nhạc - Nghệ thuật Hà Nội).
Ra đến nơi hỏi mãi mới tìm được đến phòng phụ trách phân công sinh viên tốt nghiệp nước ngoài về. Hỏi một ông. Ông hỏi tên. Tôi trả lời. Vừa nói tên xong ông ta đã gọn lỏn: “Chưa có đâu. Về đi!”.
Trên đường về vừa chán lại nghĩ vẩn vơ: Kể cả Quảng Ninh thật cũng đi! Cóc sợ!
Mặc dù biết rõ là ra Quảng Ninh thật thì biết bao giờ mới quay về Hà Nội được!
Nhìn cảnh của mấy người thân trong họ hàng suốt hơn hai chục năm ra làm ở mỏ Quảng Ninh, lên gang thép Thái Nguyên mà không về được Hà Nội. Phải lấy vợ, sinh con đẻ cái rồi thành “người gang thép Thái Nguyên”, “người than Đông Triều, Cẩm Phả”… thỉnh thoảng lắm, bao năm một lần mới về Hà Nội chơi với gia đình mà thấy ái ngại…
Tấm bằng tốt nghiệp ở “Tây” về được sao ra “công chứng” nộp cơ quan. Thời 1979 bản “công chứng” của ta là như thế này. |
Rồi cái gì đến cũng phải đến!
Có giấy báo ra số 9 Hai Bà Trưng, trụ sở Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, nhận quyết định phân công công tác. Nhận tin này tôi cũng chẳng mừng và cũng chẳng lo vì trước đó có người quen nói cho biết là sẽ được phân về Bộ nào rồi.
Đến lúc cầm trên tay Giấy giới thiệu từ Bộ Đại học gửi về Bộ Giao thông để nhận Quyết định công tác, tôi mới thực sự hồi hộp. Mặc dù được biết có thể không phải đi xa, nhưng Bộ Giao thông thì ngay ở Hà Nội cũng “mênh mông” lắm! Hà Nội ở Đông Anh hay Gia Lâm (các cơ sở của ngành đường sắt chẳng hạn) mà không xa à! (ngày ấy đi làm phải qua cầu Long Biên là ngang với đi vùng kinh tế mới!).
Hình ảnh ngổn ngang của công trình cầu Thăng Long năm 1980. |
Đến 80 Trần Hưng Đạo (trụ sở Bộ Giao thông), gặp ông cán bộ vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Giao thông (tên là Chấn thì phải, ông cũng đã lớn tuổi). Sau khi hỏi tên tuổi tôi, ông nói:
“Bây giờ có 2 chỗ của Bộ Giao thông đang cần người. Một là Viện nghiên cứu cơ khí giao thông ở Thanh Xuân, chỗ này thì đang sắp xếp lại, chắc phải chờ ít thời gian nữa. Hai là cầu Thăng Long, trên đó Liên Xô sắp vào đông, người như cậu chắc họ rất cần đấy! Cậu suy nghĩ có thể trả lời ngay hoặc một hai ngày về suy nghĩ rồi trả lời cũng được”.
Tôi về nói chuyện với các cụ và anh em trong nhà. Trong thâm tâm nghĩ môi trường làm việc có “tây” thì cũng hay đấy chỉ tội lên tận Chèm thì cũng hơi xa! Chèm cách Hồ Hoàn Kiếm chục cây số chứ ít à! (Ngày ấy tiêu chí nhiều người đặt ra là: Nơi làm việc phải lấy Tháp Rùa làm trung tâm, quay một vòng com-pa bán kính 5 km!)
Về nhà nói chuyện lại, các cụ và anh em trong nhà động viên “Chèm là được rồi, thế là khá rồi. Thôi không đợi điếc gì nữa! Nằm dài đã hơn nửa năm chưa chán hay sao!”
Thế là tôi quyết định: “Đi”!
Và thế là ngay sáng hôm sau, tôi ra 80 Trần Hưng Đạo trả lời đồng ý để Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Giao thông “đánh” Quyết định phân công về công tác ở Công trình cầu Thăng Long.
Một chương mới trong đời bắt đầu!
(Đón đọc kỳ 2: Lên Chèm)
Ông Hoàng Minh Chúc - nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng cầu Thăng Long - cho biết, vào thời đó, cầu Thăng Long là công trình đầu tiên cán bộ và công nhân xây dựng cầu Việt Nam được trực tiếp thi công - một cây cầu có quy mô lớn vào loại bậc nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á. Theo ông Chúc, khi cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đang bước vào giai đoạn kết thúc thì Đảng và Chính phủ ta quyết định xây dựng một cây cầu lớn vượt sông Hồng tại Hà Nội để nối liền mạng lưới giao thông đường sắt và đường bộ ở phía Bắc với Thủ đô Hà Nội. Cầu Thăng Long là một công trình cầu lớn đặc biệt cả về quy mô và khối lượng, một công trình xây dựng trọng điểm của cả nước ta trong hai thập kỷ 70, 80 của thế kỷ trước. |