Ký ức cầu Thăng Long (Kỳ 3): Làm lính bờ Nam còn hơn làm quan bờ Bắc!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Tôi đổi cho ông đấy. Ông sang bờ Bắc mà làm chỉ huy, lãnh đạo. Tôi về bờ Nam làm lính cũng được. Làm lính bờ Nam còn hơn làm quan bờ Bắc!”.
Ký ức cầu Thăng Long (Kỳ 3): Làm lính bờ Nam còn hơn làm quan bờ Bắc!

* Ký ức cầu Thăng Long (Kỳ 2): Lên Chèm

Đúng hạn quy định sau 2 tuần được Phòng Tổ chức của cầu Thăng Long hẹn, sáng ngày 1/7/1980, tôi đạp xe lên Xí nghiệp Liên hợp cầu Thăng Long để nhận việc.

Vào Phòng Tổ chức để nhận tờ Quyết định. Ngồi chờ các anh Phòng Tổ chức tìm Quyết định trong các cặp giấy tờ của họ. Cùng ngồi trong phòng lúc ấy có cả mấy anh dáng vẻ cũng cán bộ chứ không phải công nhân, chắc đang chờ giải quyết việc gì đấy.

Trong lúc chờ đợi thấy mấy anh tranh luận tiếng hơi to với nhau: “Tôi đổi cho ông đấy. Ông sang bờ Bắc mà làm chỉ huy, lãnh đạo. Tôi về bờ Nam làm lính cũng được. Làm lính bờ Nam còn hơn làm quan bờ Bắc. Ông không hiểu giá trị à! Về bờ Nam nếu nhà dưới phố có việc gấp thì đêm ông cũng đạp xe về được. Còn ở bờ Bắc vợ gọi gấp về đưa đi đẻ, mà 6 giờ tối hết đò phà rồi ông về bằng cách nào? Ông có cánh bay chắc!...”.

Qua mấy phút các anh Phòng Tổ chức đã tìm thấy tờ Quyết định và đưa cho tôi. Cầm trên tay tờ Quyết định phân công “về nhận nhiệm vụ tại Phòng Chuyên gia” do vị Phó Tổng Giám đốc phụ trách nội chính ký. Lần đầu tiên trong đời được cầm tờ Quyết định nhận công tác cũng thấy lâng lâng…

Tháp tùng phái đoàn Chính phủ Liên Xô đi thị sát trên cầu bằng phương tiện xe goòng công trường, tháng 10/1983.Tháp tùng phái đoàn Chính phủ Liên Xô đi thị sát trên cầu bằng phương tiện xe goòng công trường, tháng 10/1983.

Trong Quyết định ghi rõ:

- Thời gian nhận công tác kể từ ngày 01/7/1980.

- Mức lương khởi điểm của kỹ sư tập sự bằng 85% x 63 đồng = 53 đồng 5hào rưỡi!

- Thời gian tập sự 24 tháng (2 năm).

Tôi lên Phòng chuyên gia gặp lãnh đạo Phòng. Phòng Chuyên gia trên tầng 2 của dãy nhà ngay cổng vào cơ quan. Trưởng phòng là một ông trạc tuổi 50, tôi gọi bằng “anh”. Dù khi đó tôi mới 25, do tôi quen như ở nhà, là con trai út, các anh chị lớn của tôi đã trạc tuổi đó, nên tôi gọi “anh” xưng “em” rất tự nhiên, không chút gì ép gượng.

Ông ta có vẻ không thích tôi gọi như thế. Vì tôi thấy các nhân viên trạc tuổi tôi, thậm chí hơn tôi nhiều tuổi gọi ông bằng “chú” (chẳng bù cho bây giờ nhiều “sếp” tóc rụng hói hết đầu, nói thì phều phào... vẫn thích nhân viên, nhất là các em “chân dài” gọi bằng “anh”).

Ông là Trưởng Phòng Chuyên gia nhưng không biết một chút ngoại ngữ nào. Nếu “Tây” nói thì ông chỉ cười và dù không hiểu gì thì cũng “Khơrasô” (tốt). Ông làm ở đây từ thời chuyên gia Trung Quốc và cũng không biết chữ Trung nào. Thế mới hay! (Sau này thì tôi mới biết những “nhân vật” đảm nhận các “vị trí” kiểu này thì chuyện biết ngoại ngữ là “xa xỉ”. Nhiều khi họ không phải do cơ quan chủ quản tự bổ nhiệm mà do một cơ quan khác kiểu như liên quan đến an ninh... bố trí).

Có thể vì tôi gọi ông bằng “anh” nên ông nói chuyện hết sức lạnh nhạt. Vừa tiếp chuyện vừa chạy ra, chạy vào, tỏ vẻ việc tôi đến nhận công tác tại phòng do ông phụ trách là không quan trọng. Không đáng để ông quan tâm!

Sau ít phút nói chuyện, ông kết luận gọn lỏn: “Thế nhá! Cậu sẽ sang bờ Bắc (bờ bên Đông Anh) làm việc. Bên đó đang thiếu phiên dịch. Mà bên ấy rộng rãi, thoáng mát lắm đấy.”

Nghe đến đây tôi tưởng mình nghe nhầm. Tôi hỏi lại.

Ông trưởng phòng trả lời rõ ràng: “Đúng rồi, cậu sẽ sang bờ Bắc làm việc. Để làm quen với công việc cậu có thể ở đây, bờ Nam, vài ba ngày để tìm hiểu anh em trong phòng làm việc thế nào rồi đầu tuần sau sang bên đó. Thế nhá! Tôi đang bận”. Nói xong ông ta lập tức ra khỏi phòng, sang phòng bên cạnh nói chuyện với các nhân viên khác.

Lúc này câu chuyện của mấy anh cùng ngồi dưới phòng tổ chức cán bộ cách đấy độ một giờ mới làm tôi bừng tỉnh: “Thế là “toi” rồi! Lính mới “tò te” sang bờ Bắc. Chạy đâu cho thoát”.

Đây không phải là lần đầu tiên tôi phải đối mặt với cán bộ kiểu này. Khi còn học Đại học bên Liên Xô tôi đã từng phải đối mặt với các cán bộ tìm đủ mọi cách, soi tìm chứng cớ nhỏ nhặt nhằm trù dập tôi. Nhưng vì tôi học khá giỏi, bài vở thi cử tử tế, giáo viên của trường nhiều người quý, nên họ không có cớ. Chỉ vì mỗi “tội” không liên quan gì đến chuyện học hành: tôi có một ham mê đó là “nhảy đầm” với… chị em “Tây”!

Đứng dậy, ra khỏi phòng, với sự tự tin vào bản thân, tự tin vào tuổi trẻ, tôi tự nhủ: “Cũng được. Chấp nhận. Thì cứ sang xem sao!”.

Bến Cano cầu Thăng Long năm 1980.

Bến Cano cầu Thăng Long năm 1980.

Qua mấy ngày tìm hiểu thì tôi thấy công việc kiểu này đối với tôi không có gì phức tạp lắm. Nhưng đối với một số người tốt nghiệp đại học ngoại ngữ trong nước hoặc mang tiếng ở Liên Xô về nhưng là học nghề thì cũng khá vất vả. Có người “phiên dịch” mỏi tay. Hoặc có người lúc nào cũng kè kè quyển tự điển nặng chịch cắp nách. Tôi học đại học chuyên ngành kỹ thuật, liên quan đến máy móc, xây dựng.

Những thuật ngữ chuyên môn mà chuyên gia Liên Xô trao đổi với cán bộ, công nhân Việt Nam đối với tôi đã quá quen thuộc khi còn học đại học. Còn tán chuyện bằng tiếng Nga thì “một thằng như tôi” hơn 6 năm trời vừa học đại học vừa đi tán gái “Tây” thì chuyện đó… “muỗi”.

Rồi 3 ngày làm quen ở bờ Nam cũng trôi nhanh.

Bờ Nam là Từ Liêm. Thôi tạm biệt. Dù có hơi buồn.

Bờ Bắc là Đông Anh. Đang chờ. Chưa biết sẽ thế nào?

(Kỳ sau: Những ngày tháng bên bờ Bắc sông Hồng)

Những gì nặng nhọc nhất, đông đúc nhất đều dồn cho... cầu Thăng Long

Cầu Thăng Long được khởi công xây dựng ngày 26/11/1974, bắc ngang qua hai làng Đông Ngạc và Võng La - nơi dòng sông Hồng hẹp nhất và chính thức khánh thành vào ngày 9 tháng 5 năm 1985.

Việc giúp đỡ xây dựng cầu Thăng Long phía Liên Xô giao cho Bộ Xây dựng các công trình giao thông Liên Xô (Mintransstroye), đầu mối trực tiếp thực hiện các đơn đặt hàng là Tổng Công ty xuất khẩu kỹ thuật giao thông (ZarubezTechnoTrans). Thiết kế do Viện Quốc gia thiết kế giao thông cầu Liên Xô (Giprotransmost) thực hiện.

GS.TS Trần Đức Nhiệm - Trường Đại học GTVT nhận xét: Cầu Thăng Long là cây cầu có nhiều nét đặc thù so với tất cả những cây cầu khác ở Việt Nam. Một trong những nét đặc thù đó là việc cây cầu này tham gia vào tất cả các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội. Cây cầu này không chỉ là cầu dành cho ô tô mà còn tích hợp cả cầu đường sắt, cầu hỗn hợp dành cho các loại xe thô sơ và thậm chí vừa rồi còn được trao thêm nhiệm vụ “cõng” hai đường ống nước. Tất cả những gì nặng nhọc nhất, đông đúc nhất đều dồn cho cầu Thăng Long. So sánh như thế mới thấy lâu nay cầu Thăng Long đã luôn phải mang trên mình sứ mệnh đặc biệt và những nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Đọc thêm