Ký ức “tay không bắt cọp” của lão thợ săn nơi đại ngàn

(PLO) - “Chuyện dân bản vào rừng bắt hổ, bò tót, hươu nai xảy ra cách đây lâu lắm rồi, giờ người Pù Luông đã biết bảo vệ thiên nhiên, không săn bắt thú rừng nữa. Ta giải nghệ rồi, treo mấy cái mũi tên tẩm độc trên vách nhà sàn làm kỷ niệm một thời săn bắt mông muội thôi…”, lão thợ săn Lò Văn Huyện (ở thôn Báng, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, Thanh Hóa) cười khà bắt đầu câu chuyện… 

Đồng bào dân tộc săn được hổ (ảnh từ thời Nhà nước chưa cấm).
Đồng bào dân tộc săn được hổ (ảnh từ thời Nhà nước chưa cấm).
Hạ thú dữ bằng mũi tên tẩm độc
Nhà ông Lò Văn Huyện nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông của huyện Bá Thước (Thanh Hóa). Xưa kia khu vực này hoang vu, cây cối rậm rạp nên hổ, báo, bò tót, lợn lòi vào bản phá hoại hoa màu, bắt trâu bò là chuyện thường xuyên xảy ra. Nhiều lần ông Huyện nằm ở trên nhà, khi nhìn qua kẽ sàn từng chứng kiến việc hổ vào tận gầm nhà sàn bắt trâu, bò nhưng không dám kêu vì sợ hãi; trong bản từng có trường hợp thú dữ tấn công người. Trước thực tế đó, dân bản nghĩ cách bào chế tên độc để bắn, bẫy, tấn công thú từ xa.
Cha ông Huyện là cụ Lò Văn Kim (năm nay 93 tuổi) từng là một cao nhân bắn nỏ có tiếng trong bản. Xưa kia, cụ Kim đã bắn hạ hổ ở vùng Doãn Ngài bằng chính mũi tên độc của mình. Dù tuổi đã cao nhưng mỗi khi có ai nhắc đến chuyện săn bắn hổ, gấu là cụ Kim lại nổi “máu nghề”, hào hứng kể lại chiến tích thời trai trẻ. 
Cụ Kim kể: “Đêm ấy ta hạ độc con hổ bằng mũi tên tẩm độc, sáng mai dân bản đi tìm thì thấy hổ chết ở Doãn Ngài. Lúc nhìn thấy “ông Ba Mươi”, ai cũng sợ bủn rủn cả người, không dám lại gần, người thì súng, người thì nỏ cứ dứ dứ theo con hổ. Khi thấy hổ không còn cựa quậy thì dân làng mới dám khiêng về nhà. Theo ước lượng, con hổ nặng chừng 80kg, chiều dài của nó tính từ đầu đến đuôi là tám thước tay”.
Khi được hỏi về bí quyết săn hổ và các loài thú dữ, ông Huyện hồ hởi trả lời: “Để săn được hổ, mình phải biết bào chế ra thuốc độc. Độc tố càng mạnh thì con vật chết càng nhanh. Trước đây ở vùng Doãn Ngài, Kho Mường, Pù Săn Tén hổ nhiều vô kể. Thậm chí nhiều lần tôi còn nhìn thấy vài ba con kéo xuống bản. Nhiều người liều thân thì mới dám bắn mũi tên độc, chứ không phải ai cũng bắn được hổ đâu. Đấy phải là người biết chế thuốc độc và giỏi bắn nỏ thì mới hạ được”. Để bào chế ra thuốc độc, phải tìm bằng được nhựa cây “cờ noóng” (cách gọi của người Thái) sống trong rừng già, hứng nhựa cũng tương tự như cạo mủ cao su. 
Ông Huyện nói: “Mình phải đóng máng trên thân cây, chặt 3 nhát rồi vạch đường cho nước chảy vào ống nứa. Khi nào nhựa cây “noóng” đầy ống thì mới mang về phơi gác bếp”. Theo ông Huyện, ngoài nhựa “cờ noóng” còn phải kết hợp nước cây ráy và 30 quả ớt để pha trộn. Cách bào chế là nghiền ớt tươi ra, sau đó trộn lẫn nước của cây ráy và nhựa cây “cờ noóng” vào.    
Ông Huyện bật mí: “Khi bào chế thuốc độc, mình không nấu nhưng nó vẫn sôi. Thuốc tự tăng nhiệt, sôi sùng sục không khác gì mình nấu canh. Nếu nước sôi không mạnh thì phải cho thêm nhựa cây “cờ noóng” vào, khi nào thấy nước sôi mạnh thì mới được. Loại thuốc này bất kể người hay thú, một khi đã trúng phải đều chết hết”. Sau khi trộn lẫn, độc tố sẽ được ông Huyện tẩm vào từng mũi tên. Cách tẩm là xoáy đầu mũi tên theo vòng tròn, khi nào thấy độc bén dày vào mới được. Nếu mũi tên bắn các loài thú lớn thì phải tẩm rồi lại phơi nắng khoảng năm đến sáu lần như vậy mới đủ liều. 
Cụ Lò Văn Kim (93 tuổi), người săn được hổ bằng mũi tên độc.
Cụ Lò Văn Kim (93 tuổi), người săn được hổ bằng mũi tên độc.
 
Ly kỳ cách giải độc nơi đại ngàn
Cũng theo ông Huyện, các mũi tên tẩm độc tuyệt đối không được để gần da hoặc vết trầy xước vì nếu không may ngấm độc rất nguy hiểm. “Bị ngấm độc mà mình không biết cách giải độc kịp thời thì chỉ cần nửa tiếng là tử vong rồi. Riêng loại thuốc độc này phải là các thợ săn có kinh nghiệm thì họ mới giải được”, ông Huyện nói.
Cụ Kim kể xen vào, chẳng may thuốc độc nhiễm vào ngón tay thì phải nhanh chóng tìm cách giải độc ngay, nếu để quá lâu khiến độc tố ngấm vào máu thì khó mà giữ được mạng sống. Khi trúng độc, thợ săn nơi đại ngàn thường mài vỏ dao giắt ở thắt lưng của mình ra uống. “Nếu lỡ bị trúng độc, phải nhanh chóng tháo vỏ dao ra, cạo phần đen bên trong sau đó hòa với nước lã, uống là khỏi”. Theo cụ Kim, con dao rừng chặt nhiều loại cây lâu năm, trong đó có cả cây độc và cây thuốc quý, nhựa các cây này tích tụ vào vỏ dao tạo nên chất giải độc hiệu nghiệm. Thực tế, cụ Kim, ông Huyện và nhiều dân bản cũng đã từng giải độc cho mình bằng cách này.
Ông Huyện góp chuyện: “Còn có bài thuốc giải độc dân gian rất hiệu nghiệm là cạo cả gót chân hòa nước để uống. Vì đồng bào vùng cao không có giày, dép nên họ chủ yếu đi bằng “chân chim” vào rừng. Trong rừng gai góc chọc vào chân nhiều, vô tình tạo thành thuốc kháng độc”. 
Ông Lò Văn Huyện nói về bí quyết bắn mũi tên tẩm độc và cách lấy nhựa cây cờ noóng.
Ông Lò Văn Huyện nói về bí quyết bắn mũi tên tẩm độc và cách lấy nhựa cây cờ noóng. 
“Bản mình giờ văn minh rồi”
Cụ Kim tiếp chuyện: “Những chuyện săn bắt đó chỉ còn trong ký ức thời trai trẻ. Bản mình giờ văn minh rồi, biết bảo vệ thiên nhiên chứ không săn bắn nữa”. Theo cụ Kim, từ năm 1976 Đảng và Nhà nước bắt đầu cấm săn bắn bò tót, dần dần cấm tất cả các loài thú quý. Hiện trong rừng Pù Luông hổ, bò tót không còn, nguyên nhân là do người dân phát nương làm rẫy nhiều. Một phần cũng là do người dân chặt trộm gỗ,  máy cưa, máy xẻ kêu ầm ĩ nên thú phải bỏ đi nơi khác để sinh sống. 
Cũng theo ông Huyện, ngày nay tìm được nhựa cây “cờ noóng” rất khó, cán bộ kiểm lâm cấm không cho bào chế nhựa cây độc. Hiện vũ khí săn bắn đã được kiểm lâm vào tận nhà thu giữ hoặc mình phải nộp cho chính quyền địa phương. Giờ người dân đã có ý thức trong việc bảo vệ động vật quý hiếm nên không ai dám săn bắn nữa. 
Trao đổi với Phó Chủ tịch xã Thành Sơn, ông Ngân Văn Giống cho biết: “Chuyện bào chế thuốc độc là có thật vì trước đây đồng bào thường sống bằng săn bắn là chính. Tập quán săn bắn bắt nguồn từ việc người dân làm nương rẫy, sống dựa vào rừng, tự cấp tự túc; một phần do  thú rừng vào phá phách hoa màu của bà con nên họ mới chống lại. Hiện địa phương không còn ai bào chế thuốc độc như trước kia. 
Cây “cờ noóng” thì kiểm lâm cấm không cho lấy nhựa vì độc tố của nó rất nguy hiểm, trước đây cây thuốc độc vẫn còn ở Kho Mường nhưng đã bị chặt hạ rồi. Những năm gần đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên người dân địa phương nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật về việc cấm săn bắn động vật hoang dã, đồng thời phải bảo vệ thiên nhiên nên dân bản có ý thức bảo vệ rừng, động vật hoang dã”.

Đọc thêm