Ký ức Việt Nam (Kỳ 10): Cầu ngói cong cong hồn sông nước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không phải là kiến trúc đặc hữu – chỉ riêng Việt Nam mới có, nhưng những chiếc cầu gỗ có mái làm theo kiểu “thượng gia hạ kiều” (trên là nhà dưới là cầu) đã vượt lên ý nghĩa là một công trình giao thông để trở thành một tác phẩm nghệ thuật trơ gan cùng tuế nguyệt.
Cầu ngói Sơn Tây (ảnh tư liệu).
Cầu ngói Sơn Tây (ảnh tư liệu).

Mê mẩn những cây cầu

Những ai yêu thích tư liệu, hình ảnh xưa về đất nước hẳn đều từng một lần bắt gặp những hình ảnh xưa cũ về Việt Nam cuối thế kỷ XIX của bác sĩ người Pháp Charles-Édouard Hocquard. Từ nhiều năm trước, trên trang nguyentl.free.fr (của ông Nguyễn Tấn Lộc, Việt kiều Pháp) đã giới thiệu hàng trăm bức ảnh quý giá của vị bác sĩ này, do anh Trần Quang Đông (Na Uy) gửi tặng.

Hocquard (1853 - 1911) là bác sĩ tình nguyện sang Đông Dương năm 1884 để phục vụ trong quân đoàn viễn chinh. Ngoài công việc một bác sĩ quân y, ông còn là nhiếp ảnh gia quân sự đo đạc địa hình ở Bắc và Trung kỳ. Với tinh thần phiêu lưu, trong những chuyến hành quân, vị bác sĩ với sự tò mò của nhà thám hiểm và đôi mắt quan sát tinh tường của một phóng viên chiến trường đã ghi lại chi tiết cả bằng lời văn và hình ảnh về những cảnh sắc, con người mỗi vùng đất đi qua.

Năm 1889-1891, Hocquard cho đăng chuyện kể về chuyến đi của mình với tên Trente mois au Tonkin (Ba mươi tháng ở Bắc kỳ) trên tạp chí Le Tour du monde (Vòng quanh thế giới). Năm 1892, Hocquard lấy nội dung và hình ảnh minh họa trên cùng với nhà Librairie Hachette xuất bản thành sách mang tên Une campagne au Tonkin. Hơn 100 năm sau, những giá trị vô song của cuốn sách đã khiến 3 nhà làm sách ở Việt Nam (Omega, Đông A, Nhã Nam) đều chọn để cho ra đời ấn bản tiếng Việt.

Trong quá trình biên tập các tư liệu để chuẩn bị xuất bản cuốn sách, họa sĩ Trần Đại Thắng (Giám đốc Công ty Văn hóa Đông A) đã nhờ đồng nghiệp hỗ trợ để tìm kiếm thông tin về cây cầu ngói trong một bức ảnh, chụp vào thập niên 1880 với chú thích ngắn gọn “Pont couver de Trach-moi”. Hình ảnh cây cầu ngói cổ kính khum khum như mu rùa nằm nép mình dưới bóng cây đa cổ thụ cùng chiếc cổng làng đã khiến bao người mê mẩn.

Cầu làng Chọi - Bắc Ninh (EFEO).

Cầu làng Chọi - Bắc Ninh (EFEO).

Rất tiếc những thông tin mà Hocquard ghi lại quá ít ỏi, cộng thêm thời gian “bãi bể nương dâu”, tên đất tên người đổi khác không đủ để chúng ta xác định chính xác cây cầu ngói nằm ở đâu trong quãng địa danh cách thành Sơn Tây chừng 10 cây số về phía Hà Nội.

Hocquard viết: “Đến trưa, chúng tôi dừng quân gần làng Trach-Moi và đóng lại đây. Phía trước làng là một con đê làm bằng những tảng đất khố, được tạo hình vuông vắn như những viên gạch (nhiều khả năng là đá ong – ND), một cây cầu đẹp mái cong, bắc trên những hàng cọc qua một ao nuôi cá.

Dưới mái ngói có hai ghế gỗ đặt song song nhau suốt chiều dài cây cầu làm chỗ nghỉ chân tránh ánh nắng gay gắt cho người qua lại. Cổng làng được xây cao, đắp phù điêu và có chữ viết, nằm giữa hai cây đa cành lá sum suê giao nhau tạo thành vòm cuốn xanh bên trên. Cái cổng hoành tráng, cây cầu đẹp và con đê bảo trì chu đáo chứng tỏ làng này giàu có và đông dân…”.

Cũng nằm trong số những cầu ngói cổ mà đến nay chỉ còn là ký ức, hình ảnh người đàn ông trên bè cá, phía sau là một cầu ngói “cỡ lớn” ở làng Chọi, xã Khúc Xuyên, Bắc Ninh nằm trong kho ảnh của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) từng được giới thiệu tại triển lãm “Cuộc sống Việt Nam hơn 100 năm trước” diễn ra năm 2014. Điều khiến khách tham quan tiếc ngẩn tiếc ngơ là phía sau lão ngư là cầu Chọi, cây cầu hai tầng mái, ở giữa có gian thờ tuyệt đẹp.

Cầu ngói làng Trạch Lôi (ảnh Hocquard).

Cầu ngói làng Trạch Lôi (ảnh Hocquard).

Xây cầu tạo phúc

Trước đó, ở vị trí mà nay là Cầu Giấy (Hà Nội) cũng từng được tồn tại một cây cầu theo lối “Thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu) được văn bia “Trùng tu Tô Giang kiều bi ký” (bia ghi việc chữa cầu Sông Tô) do Bùi Văn Trinh viết, dựng năm Vĩnh Trị thứ tư (1679) ghi lại:

"Cầu dài 15 gian như cánh nhạn vút qua trời thu hòa cùng non cao nước biếc, như cầu vồng ôm vòng dải Ngân Hà, một gác cao tỏa chiếu ánh hồng thịnh vượng, rực rỡ, thanh thoát. Trụ cầu vững vàng giữa dòng, đi trên ván khác nào dẫm nơi đất bằng... Xã Thượng Yên Quyết là thắng cảnh có cầu nổi tiếng ở sông Tô.

Phía đông cầu tiếp cận với kinh thành tụ hội văn vật, thuyền xe sum vầy. Phía tây cầu núi Tản mờ xa, dáng vẻ lạ kỳ, anh linh hiển ứng. Dòng nhị thủy vòng phía bắc đi về. Miếu thần phía nam phù cho dân trong hạt phồn vinh. Bên cầu khách vui chén tạc chén thù. Trên đường người qua lại tấp nập. Thật là nơi ngoại ô lớn thông suốt bốn phương, năm ngả với đường thiên lý...".

Một cây cầu ngói ở Vinh (Nghệ An)- ảnh tư liệu.

Một cây cầu ngói ở Vinh (Nghệ An)- ảnh tư liệu.

Đại Nam nhất thống chí triều Nguyễn cũng cho biết: Cầu Giấy dài ba trượng, trên cầu có nhà lợp ngói ở huyện Từ Liêm. Ý nghĩa của việc làm cầu có mái che cũng phần nào được lý giải qua đôi câu đối còn lưu lại ở cầu ngói Hải Anh (huyện Hải Hậu, Nam Định): “Lê Hồng Thuận tứ tính thủy mưu – Giã biệt thành giang thượng lộ - Hoàng Khải Định thất niên trùng tấp – Dư lương y cựu kính trung đề” (được dịch nghĩa là: Đời Hồng Thuận bốn họ tính kế dựng nhà trên cầu, thành đường trên nước/Đời Khải định thứ bảy tu sửa như cũ, từng bậc xếp nên gương).

Người xưa từng có câu “Phúc điền có tám thứ, trong đó việc xây cầu là quan trọng nhất”. Bia Hưng tạo Thiên Đông kiều bi ký, dựng năm Đoan Thái 3 (1587) nhà Mạc đã ghi: “Cầu có quan hệ đến vương chính. Mất cầu mà có người làm thay, có âm công tất được dương báo rõ rệt”.

Bia Trùng tu Quỹ kiều bi ký, tạo năm Hoằng Định 17 (1617) cũng ghi: “Từng nghe rằng, cầu rường là một mối của vương chính, mở đầu mối tốt lành, làm việc chính sự tốt lành, nếu chẳng phải người tốt lành có sức lực thì chẳng thể làm được vậy”. Bia Bồng Lai xã thạch trụ kiều bi ký dựng năm Vĩnh Thịnh 15 (1719) cũng viết: “Thường thấy nói Vương chính không gì to bằng việc làm cầu, thiền giáo Tam thừa, cần trước nhất là việc tế độ…” (“Nghiên cứu văn bia Hán Nôm phản ánh về cầu và bến đò Việt trong lịch sử”, Viện Nghiên cứu Hán Nôm).

“Cầu đá và cầu gỗ là hai sản phẩm đặc trưng của khoa cầu đường ngày xưa, mặc dầu nó không đóng vai trò lớn trong giao thông quan trọng, vì tầm cỡ của nó quá nhỏ bé, nhưng tính nghệ thuật lại có thừa và hình như người xưa chú trọng đến mặt này nhiều hơn” – Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng.

“Trông từ xa, cây cầu tựa căn nhà nổi trên mặt nước, đó chính là lý do người xưa gọi cây cầu có mái che là kiểu “thượng gia – hạ kiều” tức bên trên là nhà, bên dưới là cầu. Làm vậy để tuổi thọ cây cầu sống bách niên giai lão. Giữa những con nước quanh năm ẩm ướt, gió bão mùa nào cũng táp tới thì khó có chất gỗ nào cưỡng lại đượng sự khắc nghiệt của thời gian. Vậy nên người xưa làm thêm cái mái, bên trên lợp ngói để vừa che mưa che nắng tác động lên bề mặt, vừa gia cố trọng lượng để cây cầu đứng tấn thêm vững chãi" - Trần Trung Hiếu.

Đọc thêm